Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) ngày 18/12 cho biết Trung Quốc đang lên kế hoạch tiêm vắcxin ngừa COVID-19 cho 50 triệu người thuộc nhóm ưu tiên trước khi bước vào đợt đi lại trước Tết nguyên đán nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm.
Theo nguồn tin trên, Chính phủ Trung Quốc đang lên kế hoạch phân phối 100 triệu liều vắcxin do hai hãng dược phẩm nước này là Sinopharm và Sinovac Biotech sản xuất.
Trước đó, nhà chức trách Trung Quốc đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho 2 vắcxin của Sinopharm và một của Sinovac Biotech. Bên cạnh đó, vắcxin ngừa COVID-19 thứ tư được cấp phép là do Công ty công nghệ sinh học CanSino Biologics sản xuất và chỉ dành cho mục đích quân sự.
Các quan chức Trung Quốc nhấn mạnh 50 triệu liều vắcxin sẽ được tiêm cho các nhóm đối tượng trước ngày 15/1/2021 và mũi thứ hai sẽ được hoàn thành trước ngày 5/2.
Chiến dịch tiêm chủng hàng loạt nhằm giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh trong kỳ nghỉ lễ kéo dài một tuần bắt đầu từ ngày 11/2.
Nhóm người được ưu tiên tiêm vắcxin trong đợt này là nhân viên y tế, cảnh sát, lính cứu hỏa, nhân viên hải quan, nhân viên vận chuyển hàng hóa, nhân viên vận tải và hậu cần, binh sĩ bảo vệ biên giới, nhân viên nhà dưỡng lão và những người cần ra nước ngoài để làm việc hoặc học tập.
Theo nhà chức trách Trung Quốc, tỉnh Tứ Xuyên có thể khởi động chiến dịch tiêm vắcxin cho người cao tuổi và những đối tượng có bệnh lý nền vào đầu tháng 1/2021 sau khi hoàn thành việc tiêm chủng cho nhóm người ưu tiên.
Việc tiêm chủng cho toàn dân trong tỉnh dự kiến bắt đầu sau Tết Nguyên đán. Đây cũng là địa phương đầu tiên tại Trung Quốc thông báo kế hoạch tiêm chủng cho toàn dân.
[Hãng dược phẩm Pfizer khẳng định đảm bảo khả năng sản xuất vắcxin]
Liên quan đến vắcxin của Trung Quốc, Bộ trưởng Y tế Peru Pilar Mazzetti cho biết chính phủ nước này đã cho phép hãng dược phẩm Sinopharm nối lại các cuộc thử nghiệm lâm sàng vắcxin ngừa COVID-19 của hãng này sau khi bị tạm dừng vì tình nguyện viên gặp phản ứng phụ.
Dưới sự giám sát của Viện y tế quốc gia Peru, các cuộc thử nghiệm lầm sàng vắcxin của Sinopharm được triển khai từ ngày 9/9 với sự tham gia của ít nhất 11.700 tình nguyện viện tại quốc gia Nam Mỹ này.
Đức công bố kế hoạch tiêm chủng 6 cấp độ
Còn tại châu Âu, các chuyên gia Ủy ban Tiêm chủng thường trực (Stiko) thuộc Viện Robert Koch (RKI) của Đức ngày 17/12 đã đưa ra khuyến nghị cho kế hoạch tiêm chủng vắcxin của Đức. Dự kiến, Bộ trưởng Y tế liên bang Jens Spahn sẽ xem xét và phê chuẩn các quy định liên quan trong ngày 18/12 để có thể áp dụng ngay khi vắcxin được lưu hành.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, khuyến nghị trên quy định cụ thể thứ tự ưu tiên được tiêm vắcxin, bao gồm 6 cấp độ. Các đối tượng được ưu tiên cao nhất bao gồm những người sống trong các trại dưỡng lão cũng như những cụ trên 80 tuổi.
Bên cạnh đó là các nhân viên y tế có nguy cơ bị lây nhiễm rất cao hoặc tiếp xúc với các nhóm "đặc biệt nguy hiểm" về COVID-19. Nhân viên khám bệnh ngoại trú hoặc nội trú cho người cao tuổi cũng thuộc nhóm này.
Việc chuyển cấp độ ưu tiên để tiêm vắcxin phụ thuộc vào sự sẵn có của vắcxin và do các địa phương tự quyết định. Nhóm ưu tiên thứ hai là những người từ 75-79 tuổi, nhân viên y tế có nguy cơ nhiễm bệnh cao và những người mắc hội chứng Down.
Nhóm thứ hai này cũng bao gồm những người có hội trứng mất trí, người thiểu năng trí tuệ cũng như các nhân viên chăm sóc những người này.
Ở cấp độ thứ ba là những người ở độ tuổi từ 70-74, đã ghép tạng và những người có bệnh nền với một số bệnh cụ thể. Ngoài ra, ở cấp độ này còn có những người tiếp xúc gần với phụ nữ có thai, những người cần được chăm sóc và có nguy cơ cao mắc bệnh hiểm nghèo.
Các nhân viên y tế có nguy cơ lây nhiễm ở mức trung bình cũng thuộc cấp độ này. Phụ nữ mang thai không nằm trong danh sách khuyến nghị được tiêm vắcxin. Cấp độ bốn bao gồm những người trong độ tuổi từ 65-69, giáo viên và những người có bệnh nền với nguy cơ nhiễm bệnh ở mức trung bình, bao gồm cả những người tiếp xúc gần với họ.
Tiếp theo là cấp độ năm, với những người từ 60-64 tuổi, bao gồm những người làm việc tại các cửa hàng bán lẻ, các nhóm nghề nghiệp ở cơ sở hạ tầng then chốt, nhân viên đảm bảo an ninh công cộng và nhân viên y tế có nguy cơ lây nhiễm thấp.
Tất cả những người dưới 60 tuổi và không được chỉ định vào bất kỳ nhóm nào khác đều được tính vào cấp độ sáu và sẽ được tiêm chủng sau cùng.
Theo Stiko, khuyến nghị trên được xây dựng khoa học nhằm giúp Đức kiểm soát đại dịch khi vắcxin chưa có nhiều, điều cũng sẽ giúp giảm số ca tử vong cũng như số bệnh nhân nặng.
Mục tiêu về trung hạn là tất cả mọi người đều có thể được tiếp cận bình đẳng với vắcxin phòng COVID-19. Stiko cũng khuyến cáo nên tiêm hai liều duy nhất của cùng một sản phẩm thương hiệu.
Trong trường hợp chưa có sẵn vắcxin sau khi đã tiêm liều thứ nhất thì nên đợi tới khi có vắcxin cùng loại và không nên tiêm vắcxin khác.
Hà Lan tiêm chủng cho người dân vào đầu năm 2021
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Hà Lan Hugo de Jonge tuyên bố nước này sẽ không nằm trong số những nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đầu tiên sẵn sàng bắt đầu tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 vào tháng 12, song sẽ bắt đầu công tác tiêm chủng vào ngày 8/1/2021.
Trong thư gửi tới Quốc hội Hà Lan, Bộ trưởng Hugo de Jonge nêu rõ nước này đã lựa chọn một kế hoạch thận trọng, an toàn và trách nhiệm.
Theo ông De Jonge, các nhân viên tại nhà dưỡng lão, trung tâm chăm sóc người khuyết tật cũng như các điều dưỡng sẽ là những đối tượng được tiêm chủng đầu tiên.
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen thông báo các nước thành viên EU sẽ cùng bắt đầu chương trình tiêm chủng vắcxin phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vào ngày 27/12 tới./.