Trước vòng bán kết: Cúp vàng về tay "lục địa già"?

Theo dự đoán của HLV Nguyễn Thành Vinh, nhiều khả năng trận chung kết World Cup năm nay sẽ là "toàn châu Âu" với hai đội Đức-Hà Lan.
Chiến thắng hủy diệt 4-0 của đội tuyển Đức trước Argentina; Hà Lan bất ngờ loại Brazil với tỷ số 2-1 ở vòng tứ kết World Cup 2010 đã mang lại cho huấn luyện viên Nguyễn Thành Vinh, hiện đang dẫn dắt câu lạc bộ bóng đá Hòa Phát Hà Nội rất nhiều sự bất ngờ thú vị.

Hai đại diện ưu tú nhất của bóng đá Nam Mỹ, những ứng cử viên hàng đầu cho chiếc Cup vàng bóng đá thế giới năm nay đã phải dừng cuộc chơi trước lối đá phòng ngự phản công chặt chẽ của những cỗ xe tăng Đức và bị thổi bạt bởi những chiếc áo màu da cam.

Đưa ra nhận định về hai trận đấu vòng bán kết Hà Lan-Uruguay; Đức-Tây Ban Nha diễn ra vào 1 giờ 30 phút ngày 7 và 8/7 tới, chiến lược gia đến từ xứ Nghệ Nguyễn Thành Vinh nhận định nhiều khả năng Hà Lan và Đức sẽ giành chiến thắng để bước vào trận chung kết. Và chiếc Cup vàng World Cup 2010 sẽ lại một lần nữa trở về với "lục địa già," bốn năm sau khi Italy vô địch World Cup 2006.

- Phải chăng trận chung kết World Cup 2010 sẽ ghi tên hai đội tuyển Đức và Hà Lan, thưa ông?

HLV Nguyễn Thành Vinh: Theo tôi, cả bốn đội lọt vào vòng bán kết World Cup năm nay đều là những đội tuyển mạnh, mang những nét đặc trưng riêng, có bản sắc riêng, đặc biệt là Đức và Hà Lan.

Họ thành công bởi lối đá phòng ngự phản công rõ nét. Nó mang đến sự khó chịu cho những đối thủ. Những đội tuyển chơi chỉ thiên về tấn công hay là chơi thứ bóng đá hoa mỹ, cảm hứng đều nhận lấy thất bại. Những cầu thủ được đánh giá là ngôi sao cỡ Messi hay Ronaldo đều phải ngậm ngùi dừng cuộc chơi ngay trước ngưỡng cửa thiên đường.

World Cup năm nay, bóng đá tấn công không lên ngôi mà đó là thứ bóng đá lấy phòng ngự làm chủ, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa phòng ngự và phản công, sự gắn kết giữa tuyến tiền vệ và hàng công, sự liên kết giữa tuyến tiền vệ và hàng thủ để khẳng định lối chơi của từng đội bóng.

Đức và Hà Lan là hai đội tuyển chơi hay ở lối đá này. Nhất là Đức, đá phản công rất rõ. Hầu hết những bàn thắng của các học trò ông Joachim Loew ghi được đều mang tính đẳng cấp cao.

Một điều nữa tôi muốn nói, tất cả bốn đội tuyển lọt vào đến vòng bán kết đã chuẩn bị rất tốt về mặt thể lực để có thể chiếm được ưu thế trong những pha tranh chấp bóng tay đôi.

Nói về đội tuyển Hà Lan, mới đầu thì giới chuyên môn và người hâm mộ cứ tưởng họ sẽ thi triển lối đá tấn công tổng lực nhưng thực thế thì không phải vậy. Họ biết co mình chịu trận, ru ngủ đối phương rồi bất ngờ vùng lên, tung ra những nhát dao quyết định. Lối đá của Hà Lan rằng hay thì thật là hay, nhưng tôi đánh giá không bằng đội tuyển Đức.

Đội tuyển Đức mang đến kỳ World Cup lần này một lối đá đủ khiến khán giả đi từ hồi hộp này sang bất ngờ khác, tạo sự hứng thú bằng những bàn thắng đẹp và sự bùng nổ của từng cá nhân.

- World Cup năm nay ghi nhận sự trưởng thành đáng kể của những đội tuyển hàng đầu châu Á, theo ông thì bóng đá Việt Nam sẽ học được gì từ điều này?

HLV Nguyễn Thành Vinh: Dấu ấn mà 3 đại diện là Triều Tiên, Nhật Bản và Hàn Quốc để lại ở World Cup 2010 chính là sự thi đấu quật cường, tôn trọng đối thủ, dù kết quả trận đấu không được mỹ mãn. Thậm chí ngay cả khi phơi áo trước Bồ Đào Nha tới 7 bàn thì các cầu thủ Triều Tiên vẫn nhận được sự tôn trọng từ đối thủ về tinh thần thi đấu.

Từ trước đến giờ, bất lợi về thể lực, thể hình là nguyên nhân chính khiến các đội tuyển bóng đá châu Á tỏ ra kém hơn đối phương đến từ các châu lục khác trong những màn đua tốc độ hay những pha cản phá bóng.

Nhưng giờ đây, hãy nhìn Park Ji Sung của Hàn Quốc mà xem, cậu ta đã chơi trọn vẹn 4 trận đấu ở World Cup 2010 cùng đội nhà. Các cầu thủ áo xanh của Nhật Bản cũng vậy, họ đã hoàn thành 120 phút chơi bóng tốc độ cao trong trận gặp Paraguay ở vòng 1/8.

Nhật Bản đã có sự tiến bộ về chiến thuật và thể lực cầu thủ để làm mờ đi khoảng cách về chuyên môn khi đối đầu với những đội tuyển mạnh hơn. Không có ngôi sao cỡ như Messi hay Ronaldo trong đội hình, Nhật Bản và kể cả là Hàn Quốc đã đứng vững trong những trận đấu của họ nhờ lối chơi tập thể, mang đậm tính đồng đội.

Đây cũng là điều để các đội tuyển bóng đá Việt Nam học tập về việc mang tinh thần và chất lửa trong lối chơi vào từng trận đấu nếu muốn hướng tới những thành công hơn nữa trong tương lai sau chiếc Cúp Vàng AFF năm 2008 đã giành được.

- World Cup 2010, một số trọng tài đã mắc phải sai sót, ảnh hưởng đến cục diện trận đấu. Vậy đó có phải là một phần tất yếu của bóng đá?.

HLV Nguyễn Thành Vinh: Vấn đề ở đây cần phải nhìn nhận rõ. Một số trọng tài đẳng cấp quốc tế khi điều hành một số trận đấu ở World Cup đã mắc sai sót nghiêm trọng khiến Chủ tịch Liên đoàn bóng đá thế giới FIFA Sepp Blatter phải lên tiếng xin lỗi.

Theo tôi, những ông vua áo đen đi làm nhiệm vụ ở những giải đấu quan trọng như thế này phải chuẩn bị rất tốt về mặt thể lực lẫn kỹ năng cầm còi, khả năng chọn vị trí sao cho hợp lý để có thể quan sát, xử lý tốt mọi tình huống trên sân.

Ở Việt Nam cũng vậy, khi điều hành các trận đấu, trọng tài phải xứng đáng với danh hiệu "người cần cân nảy mực" trên sân cỏ, phải nhìn nhận sắc bén nếu không thì anh sẽ bị đào thải, bị báo giới phê phán hay là nhận được sự không tôn trọng từ phía khán giả.

Trọng tài phải đóng vai trò quan trọng, góp phần vào sự phát triển của bóng đá. Tôi lấy ví dụ một đội bóng chơi ở V-League phải bỏ ra mấy chục tỷ một mùa giải để tham gia, nhưng chỉ cần một sự sai sót của trọng tài trong những trận đấu nhạy cảm, có tính chất quyết định mà làm cho đội bóng đó phải xuống hạng thì quả là đau xót.

Tôi nghĩ tất cả phải hướng tới sự công bằng. Nếu như trọng tài không bắt tốt thì phải áp dụng công nghệ, áp dụng mắt thần vào thôi.

Xin cám ơn ông./.

Vũ Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục