"Hạ độc" để cứu mình

Tung Kuang “hạ độc” môi trường để... tự cứu mình

Lãnh đạo của Công ty Tung kuang cho hay, việc xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường là để cứu công ty khỏi suy thoái kinh tế.
Lý giải cho việc xả chất thải nguy hại chưa qua xử lý ra môi trường, ông Liu Chien Lin, Phó Tổng giám đốc của Công ty Tung Kuang thanh minh làm như vậy để cứu công ty thoát khỏi cơn suy thoái kinh tế và "không còn cách nào khác."

Dư luận đặt câu hỏi, không biết do ông Liu Chien Lin thật thà, hay chỉ "làm phép" về thời gian xả thải từ năm 2008 đến nay mà lờ đi quãng thời gian trước đó.

Trăm dâu đổ đầu… suy thoái

Như Vietnam+ đưa tin, Công ty Tung Kuang (100% vốn của Đài Loan) đã bị lực lượng cảnh sát môi trường bắt quả tang hành vi xả nước thải nguy hại ra môi trường chưa qua xử lý. Với hệ thống cống ngầm tinh vi, Tung Kuang đã qua mặt các cơ quan chức năng trong một thời gian dài.

Trước đó, Tung Kuang từng bị các cấp địa phương và Bộ Tài nguyên-Môi trường xử phạt vì nước thải xả ra môi trường có hàm lượng chất độc hại vượt quá quy định. Song, công ty này vẫn cố tình vi phạm, bất chấp luật pháp nước sở tại.

Khi “thanh minh” hành động trên với báo chí, ông Liu Chien Lin, Phó Tổng giám đốc của Tung Kuang thừa nhận, công ty vận hành lại hệ thống này từ tháng 10/2008 và làm vậy vì “do suy thoái kinh tế toàn cầu.”

Ông Liu nói rằng, đó là thời điểm khó khăn, Tung Kuang phải cắt giảm mọi chi phí, nhân công song vẫn không bước qua nổi nguy cơ đóng cửa. Bởi thế, đơn vị này đã xả thải không qua xử lý để tiết kiệm chi phí, giúp công ty bước qua giai đoạn khó khăn. Mỗi ngày đơn vị này xả 250-270 m3 nước thải, mỗi tháng xả từ 1-2 lần, mỗi lần tiết kiệm khoảng 100 triệu đồng!

Câu trả lời này của vị lãnh đạo cấp cao của Tung Kuang khiến dư luận hết sức bất bình. Như vậy, “công ty này biết phạm luật mà vẫn làm, vì cứu mình mà ‘đầu độc’ để giết dân. Rõ ràng họ là doanh nghiệp nước ngoài mà không coi người dân Việt Nam ra gì,” anh Nguyễn Văn Thành, một người dân bức xúc.

Nói với phóng viên Vietnam+, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam không bình luận gì nhiều, chỉ cho rằng đó là một “câu nói thật đáng sợ.”

Cái đáng sợ ở đây là chỗ, suy thoái kinh tế là của toàn cầu, là suy thoái chung nên các công ty đều phải thắt lưng buộc bụng, nỗ lực để vượt qua. Còn Tung Kuang thì chọn thêm giải pháp hủy hoại môi trường để tiết kiệm.

Và, nếu hàng ngàn công ty trên rẻo đất hình chữ S cũng chọn giải pháp vượt qua khủng hoảng kinh tế như Tung Kuang thì có lẽ đất nước Việt Nam sẽ trở thành một cái hồ lớn chứa nước thải, rác thải...

Xả thải trái phép từ trước

Ông Liu Chien Lin cũng nói, khi ông nhận chức Giám đốc kinh doanh Tung Kuang từ 2004 rồi lên chức Phó Tổng giám đốc thì hệ thống cống ngầm trái phép này đã được xây dựng rồi. Ông Liu hỏi nhân viên và biết đường ống ấy  có từ năm 2007. Đến tháng 10/2008 thì hệ thống trái phép này được vận hành lại.

Điều đó đồng nghĩa với việc ý đồ sắp đặt một đường ống xả trộm của Tung Kuang đã có từ trước (có thể từ khi mới xây dựng nhà máy), chứ không phải nó mới lắp đặt để cứu công ty khỏi suy thoái kinh tế. Hơn nữa, việc Tung Kuang từng bị các cấp địa phương và Bộ xử phạt trước đó đã minh chứng cho việc đơn vị này từng xả thải trái phép ra môi trường nhiều lần.

Ngoài ra, việc ông Liu nói chỉ xả trái phép vào những hôm “mưa to nước mạnh để có nước pha loãng, cho nên không độc hại nhiều,” là không thể kiểm chứng và cũng không thuyết phục.

Khi lực lượng cảnh sát môi trường bắt quả tang việc xả thải trái phép vào ngày 13/4, đây là thời điểm một số nơi ở miền Bắc chỉ có mưa phùn và vẫn đang chịu ảnh hưởng của El Nino dẫn đến hạn hán, khô kiệt. Thực tế, theo quan sát của phóng viên Vietnam+, sông Ghẽ tuy có nước nhưng không chảy xiết.

Phó giáo sư Nguyễn Đình Hòe, Trưởng ban phản biện xã hội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, cho dù lời “nói thật” của Tung Kuang có thế nào đi nữa, thì việc làm của họ cũng phải xử thật nghiêm minh theo luật pháp. Nhất là việc gây ô nhiễm môi trường nước sẽ có ảnh hưởng về lâu dài tới sức khỏe của giống nòi.

Dư luận cho rằng, cơ quan chức năng nên nhìn vào vụ việc Công ty Vedan gây ô nhiễm, đã làm nông sản của bà con khu vực sông Thị Vải khó tiêu thụ, người lao động mất việc làm...  Ở vụ Tung Kuang, bà con xóm Bờ sông của xã Cẩm Phúc (Cẩm Giàng, Hải Dương) cũng đã bị điêu đứng vì mất nghề cá, không dám ăn rau muống ở bờ sông và nơm nớp nỗi lo bệnh tật. Từ đó, cần đưa ra mức xử phạt thật nặng, để có sức răn đe đối với Tung Kuang cũng như các doanh nghiệp đang ngày ngày “đầu độc” môi trường./.

Trung Hiền - Tiến Duẩn (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục