Tương lai tiến trình hòa bình tại Colombia dưới thời tân Tổng thống

Ông Duque được ví là học trò ưu tú của cựu Tổng thống Alvaro Uribe, người có chủ trương không tán thành Thỏa thuận hòa bình La Habana 2016 giữa Chính phủ Colombia.
Tương lai tiến trình hòa bình tại Colombia dưới thời tân Tổng thống ảnh 1Tổng thống đắc cử Colombia Ivan Duque (giữa) bên những người ủng hộ sau khi kết quả bầu cử Tổng thống vòng 2 được công bố tại Bogota, Colombia ngày 17/6. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Chiến thắng của ứng cử viên theo đường lối bảo thủ Ivan Duque thuộc đảng Trung tâm Dân chủ (CD) Colombia trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua chắc chắn sẽ mang lại những đổi thay đổi trong 4 năm tới với quốc gia Nam Mỹ vốn đang vật lộn với kinh tế khó khăn và nạn buôn bán ma túy.

Tuy nhiên, với việc Tổng thống đắc cử Duque là người thuộc phe cực hữu và có quan điểm cứng rắn trong việc giải quyết xung đột vũ trang, vấn đề mà người dân Colombia quan tâm nhất giờ đây chính là tương lai của thỏa thuận hòa bình giữa Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) với chính phủ của Tổng thống Juan Manuel Santos cũng như tiến trình đàm phán với nhóm Quân đội giải phóng quốc gia (ELN).

Với 54% số phiếu ủng hộ, luật sư chuyên về lĩnh vực kinh tế Ivan Duque đã trở thành tân Tổng thống Colombia, đánh dấu bước ngoặt chính trị tại quốc gia Nam Mỹ vốn trải qua 8 năm dưới sự điều hành của một chính phủ trung hữu.

Ông Duque được ví là học trò ưu tú của cựu Tổng thống Alvaro Uribe - người sáng lập CD - bởi đường lối cứng rắn, và chủ trương không tán thành Thỏa thuận hòa bình La Habana 2016 giữa Chính phủ Colombia và FARC.

Có lẽ đây là một trong những lý do ông Duque giành được sự ủng hộ của một bộ phận không nhỏ người dân Colombia vốn vẫn hoài nghi với chủ trương hòa bình của chính phủ Tổng thống Santos.

[Bầu cử Tổng thống Colomobia: Ông Ivan Duque thắng ứng cử viên cánh tả]

Hiểu rõ sự phân cực trong nội bộ người dân Colombia, trong bài phát biểu đầu tiên sau khi đắc cử, ông Duque đã cam kết củng cố tình đoàn kết toàn dân, xóa bỏ khoảng cách giàu nghèo, sự phân biệt thành thị với nông thôn.

Đây là nguyên nhân gốc rễ dẫn tới cuộc xung đột vũ trang kéo dài hàng thập kỷ qua tại Colombia.

Giáo sư Đại học Rosario, bà Yann Basset, nhấn mạnh thách thức đầu tiên đối với ông Duque chính là “khép lại những vết thương sau cuộc bầu cử tổng thống này” và đặt dấu chấm hết cho sự phân cực tại quốc gia Nam Mỹ.

Theo bà Basset, lãnh đạo mới phải là người biết truyền tải thông điệp mạnh mẽ nhằm trấn an người dân và đây là nhiệm vụ chính.

Tương lai tiến trình hòa bình tại Colombia dưới thời tân Tổng thống ảnh 2Ứng viên Tổng thống Colombia Ivan Duque (phải) bỏ phiếu tại điểm bầu cử ở Bogota ngày 17/6. (Nguồn: THX/TTXVN)

Đồng quan điểm trên, Tổng công tố Colombia Fernando Carrillo nhấn mạnh người kế nhiệm ông Santos phải là người có yếu tố gắn kết giúp “chữa lành những vết sẹo" trong lòng người dân.

Trong khi đó, giáo sư Alejo Vargas của Đại học Khoa học chính trị Quốc gia Colombia khẳng định xây dựng sự đồng thuận trong các lực lượng chính trị nằm đảm bảo sự tiếp nối của tiến trình hòa bình với các nhóm vũ trang mới là điều quan trọng nhất.

Trong những ưu tiên hàng đầu mà ông Duque nhắc tới trong thông điệp của mình, vị luật sư ngành kinh tế thể hiện sự quyết tâm trong cuộc chiến chống tham nhũng và quan trọng hơn cả, ông cam kết tiếp nhận và ủng hộ những sáng kiến chống tệ nạn này từ các chính đảng đối lập.

Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc tại Ngân hàng Phát triển liên Mỹ và từng là cố vấn cho giới quan chức của 3 nước Nam Mỹ, ông Duque cam kết kiến tạo một hệ thống ngân sách chi tiêu mới nhằm cải thiện năng suất, sự canh tranh và đầu tư.

[Tổng thống đắc cử Colombia cam kết sửa thỏa thuận hòa bình với FARC]

Bên cạnh đó, cắt giảm 10% chi tiêu công cũng nằm trong ưu tiên của tân Tổng thống Colombia. Vị lãnh đạo 42 tuổi này còn cam kết thúc đẩy nền kinh tế, đề ra các chính sách giữ chân các nhà đầu tư như cắt giảm thuế doanh nghiệp, hỗ trợ hai ngành xuất khẩu hàng đầu là dầu mỏ và than đá cũng như ngành lắp ráp.

Ngoài ra, ông Duque cũng chú trọng cải tiến ngành nông nghiệp với những sáng kiến mới như đảm bảo pháp lý trong đầu tư sản xuất, đảm bảo sự minh bạch đối với tài sản và cách tiếp cận đất đai.

Ông Felipe Campos, chuyên gia kinh tế hàng đầu tại công ty môi giới Alianza, cho rằng những cam kết trên là những gì mà nền kinh tế Colombia đang mòn mỏi chờ đợi và sẽ đảm bảo vị thế chính trị cũng như sự ổn định kinh tế của nước này.

Tuy nhiên, điểm nổi bật nhất trong bài phát biểu của ông Duque là việc tái khẳng định chủ trương “chỉnh sửa” thỏa thuận hòa bình với FARC, một trong những điểm khác biệt rõ rệt của đảng CD so với các đảng chính trị khác.

Nhằm trấn an khoảng 41% cử tri ủng hộ thỏa thuận này, ông Duque nhấn mạnh sẽ không “xé bỏ” mà chỉ muốn siết chặt biện pháp trừng phạt đối với các cựu tay súng FARC và điều chỉnh điều khoản cho phép các cựu thành viên nhóm vũ trang này tham gia đời sống chính trị, trong đó có việc xem xét lại 10 ghế mà FARC đang nắm giữ tại Quốc hội.

Tương lai tiến trình hòa bình tại Colombia dưới thời tân Tổng thống ảnh 3Ứng viên Tổng thống Colombia Ivan Duque (giữa) bên những người ủng hộ sau khi kết quả bầu cử được công bố, tại Bogota ngày 17/6. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Dù cam kết không từ bỏ tiến trình hòa bình, song cách tiếp cận của ông Duque đã làm dấy lên nghi ngờ về sự tiếp nối của tiến trình vốn là tâm huyết của người tiền nhiệm Santos này.

Giới phân tích lo sợ rằng cựu Tổng thống Uribe - người luôn phản đối thỏa thuận hòa bình với các nhóm vũ trang - sẽ dùng sự ảnh hưởng để thúc ép ông Duque xóa bỏ thỏa thuận hòa bình.

Không thể phủ nhận những thành quả của thỏa thuận với FARC. Trong vòng 18 tháng đầu tiên kể từ văn kiện trên được triển khai, tình trạng bạo lực tại Colombia đã giảm đáng kể.

Trong khoảng thời gian từ năm 2012 (thời điểm Chính phủ Colombia và FARC bắt đầu đàm phán) đến năm 2017, tỷ lệ các vụ án mạng tính trên mỗi 100.000 người dân đã giảm từ 34 xuống còn 24 vụ, trong khi số người phải rời bỏ nhà cửa do bạo lực cũng giảm từ 270.000 người xuống 75.000 người.

Có thể thấy rõ hòa bình đang được lập lại tại quốc gia 45 triệu dân, vì vậy việc sửa đổi văn kiện vốn nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế này là điều không hề dễ dàng.

Như lường trước được tương lai “bấp bênh” của Thỏa thuận hòa bình, FARC đã phát đi một tín hiệu đầy thiện chí khi hối thúc Tổng thống đắc cử Ivan Duque thể hiện "nhận thức đúng đắn."

Tuyên bố của FARC nhấn mạnh điều Colombia mong muốn là một nền hòa bình toàn diện hướng tới sự hòa giải như kỳ vọng.

Trước khả năng tiến trình hòa bình bị cản trở, Giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Medellín cho rằng mối nguy hiểm chính là xung đột vũ trang. Trong khi đó, giảng viên khoa học chính trị của Đại học Pontifical Xavierian tại Bogota, bà Patricia Munoz nhận định thời gian tới sẽ là phép thử quan trọng đối với tiến trình hòa bình một khi văn kiện hiện nay bị điều chỉnh.

Để thực thi việc chỉnh sửa các điều khoản trong thỏa thuận, ông Duque buộc phải giành sự ủng hộ của đa số nghị sỹ Quốc hội, và Tòa án Hiến pháp Colombia, điều được coi là bất khả thi tại thời điểm hiện nay.

Trong khi đó, Giám đốc chương trình Mỹ Latinh thuộc Trung tâm học bổng quốc tế Woodrow Wilson đưa ra quan điểm rằng kế hoạch của tân Tổng thống Colombia sẽ châm ngòi cho cuộc chiến pháp lý lớn.

Về phần mình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu xung đột(CERAC) tại Bogota Jorge Restrepo, cảnh báo việc xem xét lại quyền nắm giữ 10 ghế trong Quốc hội của các cựu thành viên FARC chẳng khác nào là mối đe dọa đối với yếu tố cơ bản được nêu trong thỏa thuận về điều kiện tham gia đời sống chính trị của các cựu tay súng nhóm vũ trang này.

Hòa bình, tình đoàn kết là cốt lõi của sự phát triển của mỗi quốc gia. Tân Tổng thống Duque chắc chắn phải cân nhắc kỹ lưỡng và đưa ra quyết định hợp lòng đại đa số người dân trước khi sửa đổi thỏa thuận hòa bình nhằm ngăn chặn nguy cơ quốc gia Nam Mỹ này rơi vào vòng xoáy xung đột một lần nữa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục