Ở Italy, trung bình cứ 4 người lao động thì 1 bị stress rất nặng. Điều này khiến Italy thiệt hại không dưới 4 tỷ euro mỗi năm do các chi phí liên quan đến chữa trị và tổn thất do sự mệt mỏi về tinh thần của người chịu áp lực công việc quá mức.
Con số do Hiệp hội các phòng khám và bệnh viện Italy (FIASO) đưa ra trong một báo cáo mới, sau một cuộc điều tra được tiến hành với 65.000 người là nhân viên của họ trong vòng 4 năm qua.
Điều tra cho thấy áp lực công việc, việc phải chia sẻ thời gian giữa công việc và gánh nặng gia đình cũng như các vấn đề của cuộc sống là ba nguyên nhân chính khiến cho tỷ lệ những người bị stress và trầm cảm ngày càng gia tăng.
Trong các vấn đề liên quan đến công việc, phải làm việc quá nhiều và tình trạng lương bổng không đảm bảo là những điều khiến cho người lao động bị áp lực thường xuyên, dẫn đến mệt mỏi và trầm cảm.
Theo tổ chức này, việc đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết vấn đề này có thể giúp tăng năng suất lao động và giảm thiểu mức thiệt hại mà stress gây ra cho nền kinh tế Italy là vô cùng cấp thiết.
FIASO đưa ra 13 giải pháp chống stress, trong đó đáng chú ý là nhấn mạnh vào các yếu tố như biết được khả năng của mình đến đâu, khả năng đối phó với áp lực cũng như việc tự động viên mình trước các thách thức của công việc và cuộc sống.
FIASO đã áp dụng các giải pháp trên đối với các nhân viên của mình ở 19 phòng khám lớn trong cả nước. Sau một quá trình trị liệu nhằm làm giảm áp lực, 77% số người bị stress khẳng định đã cảm thấy tốt hơn, trong khi số người bị stress nặng đã giảm xuống dưới 10%.
Stress vì công việc là một vấn đề nghiêm trọng mà Italy nói riêng và Liên minh châu Âu (EU) phải đối phó từ lâu. Theo FIASO, trung bình mỗi năm, Italy mất 30 triệu ngày công do người lao động bị stress. Trong khi đó, stress khiến mỗi năm các nền kinh tế EU thiệt hại 20 tỷ euro./.