Ngày 15/4, theo thông tin mới nhất từ Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (USCDC) đã khẳng định virus Zika gây ra chứng đầu nhỏ cũng như một số biến chứng nghiêm trọng khác về não và đã đăng tải báo cáo trên Tạp chí khoa học New England Journal of Medicine.
“Nghiên cứu này khẳng định rõ ràng rằng virus Zika gây ra chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. Chúng tôi cũng đang tiến hành thêm các nghiên cứu để xác định liệu trẻ em bị chứng đầu nhỏ sinh ra từ các bà mẹ bị nhiễm virus Zika có phải chỉ là phần nổi của tảng băng mà chúng ta có thể nhìn thấy được về những tác tác động đối với não và các vấn đề về phát triển,” ông Tom Frieden, Giám đốc của USCDC cho hay.
USCDC xác nhận tiếp tục sử dụng những hướng dẫn ban đầu cho các phụ nữ mang thai và những người chồng/bạn tình để thực hiện các biện pháp tránh bị nhiễm virus Zika cũng như đối với các cán bộ y tế, người tiếp xúc hàng ngày với các bệnh nhân.
Báo cáo của USCDC chỉ ra rằng không có một bằng chứng riêng rẽ nào có thể cung cấp đầy đủ những bằng chứng về việc nhiễm virus Zika gây ra chứng đầu nhỏ cũng như một số biến chứng nghiêm trọng khác về não. Tuy nhiên, sự gia tăng các bằng chứng khoa học cũng như việc đánh giá cẩn thận các nghiên cứu khoa học được đăng tải trong thời gian gần đây đã hỗ trợ thêm các kết luận của các tác giả.
Việc phát hiện nhiễm virus Zika gây ra chứng đầu nhỏ và một số biến chứng nghiêm trọng khác về não có nghĩa phụ nữ bị nhiễm virus Zika trong thời kỳ mang thai sẽ gia tăng nguy cơ sinh ra trẻ em có những vấn đề về sức khỏe. Điều này không có nghĩa rằng tất cả phụ nữ bị nhiễm virus Zika trong thời kỳ mang thai sẽ sinh ra trẻ em có vấn đề về sức khỏe.
Thực tế tại các vụ dịch Zika hiện nay, nhiều phụ nữ bị nhiễm virus Zika vẫn sinh ra những trẻ em khỏe mạnh.
Việc xác định mối liên hệ giữa nhiễm virus Zika và các biến chứng nghiêm trọng về não là bước đi quan trọng trong việc định hướng các nỗ lực hơn nữa trong việc phòng bệnh, trong đó tập trung vào các hoạt động nghiên cứu, củng cố các hoạt động truyền thông về các nguy cơ đối với sức khỏe của virus Zika.
Theo USCDC, hiện nay, vẫn còn nhiều vấn đề khác vẫn chưa có câu trả lời. Việc trả lời những câu hỏi này sẽ tập trung chủ yếu vào các nghiên cứu nhằm giúp nâng cao các nỗ lực phòng bệnh, có thể giảm thiểu những tác động của virus Zika đối với các thai nhi.
Tại thời điểm này, USCDC chưa có sự thay đổi nào về những hướng dẫn trong phòng chống dịch bệnh do virus Zika.
Theo đó, phụ nữ mang thai không nên đi đến các khu vực có dịch; nếu phải đi đến hoặc đang sống ở vùng có dịch với sự lưu hành virus Zika cần tư vấn cán bộ y tế để biết về các yếu tố nguy cơ và thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng muỗi đốt cũng như áp dụng các biện pháp phòng lây virus Zika qua đường tình dục để giảm thiểu các tác động của virus Zika đối với thai nhi.
Trước những nguy cơ nghiêm trọng của virus Zika đối với cộng đồng và hiện chưa có vắcxin phòng bệnh, các quốc gia đang có sự lưu hành virus Zika nên triển khai các tích cực các hành động cụ thể để bảo vệ cộng đồng.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo giảm nguy cơ bị muỗi đốt là biện pháp hiệu quả nhất để phòng lây nhiễm virus Zika. Các quốc gia bị ảnh hưởng phải nâng cao các nỗ lực kiểm soát véctơ truyền bệnh cũng như nâng cao nhận thức của cộng đồng về các biện pháp tự bảo vệ, không để bị muỗi đốt, loại trừ muỗi và bọ gậy./.