Trong khi 3G chưa thực sự đem lại hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp thì việc cấp phép cho mạng thông tin di động tiếp theo (4G) ở thời điểm hiện tại sẽ là không hợp lý.
Đây cũng là một trong số những nội dung rất được quan tâm tại buổi họp về Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020 (chiều 13/2) tại Bộ Thông tin và Truyền thông.
Đây cũng là một trong số những nội dung rất được quan tâm tại buổi họp về Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020 (chiều 13/2) tại Bộ Thông tin và Truyền thông.
3G chưa “bật”
Sau 3 năm triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng mạng thông tin di động thế hệ thứ 3 (3G), Việt Nam đã có 12,8 triệu thuê bao. Đây có thể xem là một sự tăng trưởng về số lượng tốt, khi vào tháng 7/2011, con số này chỉ mới dừng lại ở mức hơn 8 triệu thuê bao trên tổng số 4 doanh nghiệp viễn thông tham gia cung cấp dịch vụ (VinaPhone, MobiFone, Viettel và Vietnamobile).
Thế nhưng trên thực tế, với việc dịch vụ nội dung còn nghèo nàn, doanh thu từ 3G thực sự chưa đem lại những kết quả như mong đợi cho nhà mạng. Cuối năm 2011, lần lượt các ông lớn di động đều công bố các gói cước thuộc loại “siêu rẻ” dành cho thuê bao 3G để kích cầu.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Thành Hưng cho rằng, lực cản cho 3G phát triển hiện nay chính là việc các nhà mạng còn hạn chế các nhà cung cấp nội dung vào tham gia. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng chưa thúc ép các doanh nghiệp viễn thông phải sử dụng 3G có hiệu quả.
Nhìn lại thị trường nội dung ứng dụng di động, chúng ta cũng chưa có những sản phẩm đủ tầm để thu hút được khách hàng, kích thích người dùng di động sử dụng 3G. Còn những dịch vụ như tải nhạc, clip… của nhà mạng thì với thời buổi phải “thắt lưng buộc bụng” như hiện nay, nhiều “thượng đế” sẽ chọn cách copy vào thẻ nhớ rồi bật lên nghe cho đỡ tốn tiền.
Ở một góc khác, việc có mặt của 3G cũng giúp hoạt động 2G của nhà mạng được tốt hơn. Có thể lấy ví dụ điển hình như việc chia tải lưu lượng thoại, SMS của 2G sang 3G trong dịp Tết để chống nghẽn mạng...
Nguồn tin từ một nhà mạng cho phóng viên Vietnam+ hay, hiện nội dung trên nền tảng 3G đã được các nhà mạng chú trọng triển khai. Tuy nhiên, doanh thu từ 3G hiện chưa được như kỳ vọng là bởi thói quen của khách hàng chủ yếu sử dụng điện thoại để gọi thoại, nhắn tin SMS và sử dụng 3G lướt web nhanh hơn so với GPRS chứ chưa sử dụng dịch vụ cao cấp hơn. Thậm chí, nhiều khách hàng còn tỏ ra rất xa lạ với dịch vụ 3G.
Mới đây, báo Bưu điện Việt Nam cũng công bố khảo sát về sự hài lòng của khách hàng đối với dịch vụ 3G (điều tra với đối tượng sử dụng 3G ít nhất 1 lần/tháng). Theo đó, tuy có tới 41% khách hàng hoàn toàn tin tưởng vào tương lai phát triển của dịch vụ 3G tại Việt Nam và 65% cho rằng 3G có thể thay thế ADSL. Song ngoài việc sử dụng 3G để lướt web, các dịch vụ 3G khác chưa được khách hàng biết đến và sử dụng nhiều. Một trong những nguyên nhân cũng bởi tỉ lệ nhận biết về dịch vụ 3G còn thấp.
Đến năm 2018 mới xem xét cấp phép 4G
Nhiều chuyên gia cho rằng, khi mà dịch vụ 3G chưa thực sự phát triển, đem lại lợi nhuận hoặc chí ít là “huề vốn” cho doanh nghiệp, thì triển khai 4G sẽ là bất hợp lý. Lý do cũng bởi việc doanh nghiệp chưa thu hồi vốn từ việc đầu tư vào 3G sẽ kém "nhiệt tình" với công nghệ mới. Ngoài ra, còn phải kể đến giá thành thiết bị 4G hiện khá đắt đỏ, thiết bị đầu cuối [ví dụ điện thoại 4G-pv] còn chưa phổ biến trên thị trường.
Tại cuộc họp về Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông nói, thời điểm này cần đẩy mạnh triển khai dịch vụ thông tin di động thế hệ thứ 3 và dịch vụ Internet băng rộng tới mọi vùng miền và người dân trên cả nước.
Theo lộ trình trong bản Quy hoạch, đến 2014 sẽ từng bước nghiên cứu, thử nghiệm và đánh giá để từ 2015 sẽ xem xét triển khai dịch vụ viễn thông di động băng rộng thế hệ tiếp theo, phù hợp với xu hướng chung của thế giới và điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Tháng 5/2011, Viettel cũng đã trình diễn thành công 4G, song cũng mới chỉ dừng lại ở mức độ thử nghiệm công nghệ mà thôi.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng cho rằng, năm 2015 mới xem xét tiếp tục triển khai 3G hay nâng cấp lên mạng 3,5G. Tuy nhiên, việc triển khai công nghệ này phải phụ thuộc vào yếu tố thị trường.
Đồng tình, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói cần tính đến việc doanh nghiệp có thời gian thu hồi vốn đầu tư 3G mới triển khai công nghệ mới. Do đó, đến 2018 mới xem xét cấp giấy phép 4G cho doanh nghiệp, song phải với điều kiện thị trường đủ điều kiện để công nghệ này phát triển.
Cũng đến năm 2018, bộ này mới “xem xét việc sắp xếp lại các băng tần (hiện dùng cho hệ thống mạng 2G, phát thanh, truyền hình) để sử dụng cho hệ thống thông tin di động thế hệ tiếp theo (tiêu chuẩn 4G).”
Ông Son cũng nhấn mạnh cơ quan quản lý nhà nước cần cân đối với các nước trong khu vực để việc triển khai 4G làm sao không xa xỉ mà vẫn tiếp cận được với công nghệ mới, tránh trở thành quốc gia lạc hậu về công nghệ./.
Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020 do Bộ Thông tin và Truyền thông đang soạn thảo đề ra chỉ tiêu phát triển: Đến năm 2020, tỷ lệ thuê bao Internet băng rộng cố định đạt 15-20 thuê bao/100 dân; Băng rộng di động 35-40 thuê bao/100 dân. Ngoài ra, tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại cố định 40-45%; Tỷ lệ hộ gia đình có truy cập Internet đạt 35-40%; Tỷ lệ người sử dụng Internet 45-50%. Phủ sóng di động đến 95% dân số cả nước; 100% xã có điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng được kết nối Internet băng rộng; Tốc độ tăng trưởng viễn thông đạt khoảng 1,2-1,5 lần tốc độ tăng trưởng của GDP, tổng doanh thu viễn thông đạt 15-17 tỷ USD, chiếm khoảng 6-7% GDP. Sau khi việc soạn thảo hoàn tất, Quy hoạch này sẽ được trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. |
Trung Hiền (Vietnam+)