Việt Nam và châu Âu chia sẻ kinh nghiệm về tự do tôn giáo

Tôn giáo phản văn hóa cần giải quyết hợp tình, hợp lý theo luật pháp, tránh bị thế lực xấu lợi dụng tuyên truyền ngăn cản tự do tôn giáo.
Việt Nam và châu Âu chia sẻ kinh nghiệm về tự do tôn giáo ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 8/10, bên lề Hội thảo quốc tế "Chính sách pháp luật nhằm đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo - chia sẻ kinh nghiệm giữa châu Âu và Việt Nam" do Ban Tôn giáo Chính phủ phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam tổ chức, ông Juan Zaratiegui, Cố vấn Chính trị của Phái đoàn liên minh châu Âu tại Việt Nam cho rằng, trong khuôn khổ Hiến pháp năm 2013, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam đã được cải thiện rất nhiều.


Luật tín ngưỡng, tôn giáo đảm bảo tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Ông Juan Zaratiegui bày tỏ tin tưởng dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo với việc thể chế hóa các quan điểm của Hiến pháp 2013, đang được Ban Tôn giáo Chính phủ lấy ý kiến rộng rãi sẽ mở ra nhiều cơ hội cũng như các điều kiện thuận lợi về tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam.

Còn theo ông Bùi Thanh Hà, Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ , việc xây dựng khung pháp lý thể hiện bằng Luật tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những điều hết sức cần thiết để những quy định pháp luật đó đảm bảo cho các hoạt động tôn giáo được thực hiện một cách tốt hơn.

Ông Hà cho biết, các quy định pháp luật trong quá trình xây dựng hiện nay hướng đến hai mục tiêu. Đó là phát huy được vai trò của tôn giáo trong đời sống xã hội và khắc phục được những điểm trong thực tế chưa được quy định phù hợp hoặc chưa rõ ràng hoặc còn thiếu. Những quy định pháp luật mới đây sẽ khắc phục được những mặt hạn chế đó.

Dự thảo Luật được các cá nhân, tổ chức tôn giáo quan tâm, đóng góp những ý kiến rất cụ thể. Cùng với các tổ chức, cá nhân tôn giáo trong nước, các tổ chức quốc tế cũng rất quan tâm tới việc xây dựng Luật này và cũng đóng góp nhiều ý kiến.

Điều đó cho thấy, việc xây dựng Luật tín ngưỡng, tôn giáo nhằm đảm bảo tốt hơn quyền của người dân là hết sức cần thiết. Nếu Luật được thông qua sẽ là cơ sở pháp lý tốt cho việc các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và sẽ đảm bảo được quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người tốt hơn.

Theo ông Bùi Thanh Hà, trong thời gian tới, để thúc đẩy hơn nữa quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, cùng với việc ban hành và xây dựng một luật chuyên về tín ngưỡng, tôn giáo, cần phải tổ chức tuyên truyền cho mọi người nắm được tinh thần của luật, sau đó đến bước tổ chức thực hiện - một trong những việc đóng vai trò quan trọng.

Người dân không chỉ nắm được mà còn là người tự thực hiện nên vai trò của chính quyền trong việc hướng dẫn, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo được thực hiện theo các quy định pháp luật phải thể hiện rất rõ...

Nhận diện nguy cơ từ hiện tượng tôn giáo phản văn hóa

Trao đổi về hiện tượng xuất hiện các đạo lạ trong thời gian gần đây, ông Bùi Thanh Hà cho biết, cũng như nhiều nước trên thế giới, ở Việt Nam cũng có những hiện tượng tôn giáo mới.

Trong những hiện tượng tôn giáo mới đó, có những hiện tượng chưa phù hợp với truyền thống văn hóa tôn giáo ở Việt Nam, đặc biệt là có hiện tượng tôn giáo mà một số nước gọi là tôn giáo phản văn hóa.

Về nguy cơ của các hiện tượng tôn giáo xuất hiện không đúng với truyền thống văn hóa này, ông Hà cho rằng, các hiện tượng này mang lại những tác động không tốt về mặt đạo đức.

Có những tôn giáo phản văn hóa khi bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam đã phản ứng không đúng và phản ứng đó đã bị thế lực xấu lợi dụng để tuyên truyền rằng đã bị ngăn cản tự do tôn giáo.

Đặc biệt, một số thế lực xấu đã lợi dụng hiện tượng phản văn hóa như vậy để kích động, không chỉ tạo áp lực với chính quyền cơ sở mà còn có những yêu sách, yêu cầu, ý kiến phi lý, đi ngược lại với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Đối với các hiện tượng tôn giáo chưa đúng chuẩn mực, truyền thống, Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ nhận định cần có cái nhìn hết sức cụ thể để giải quyết một cách hợp tình, hợp lý theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo sự ổn định, an toàn, tránh để các hiện tượng đó vừa ảnh hưởng tới truyền thống vốn có của các tôn giáo, vừa ảnh hưởng tới an ninh trật tự, tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục