Vĩnh Phúc: Vẫn bức xúc vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành khẳng định Vĩnh Phúc tiếp tục vận động, tuyên truyền, giải thích để việc xây dựng nhà máy xử lý rác hiện đại, quy mô lớn được đồng tình, ủng hộ.
Vĩnh Phúc: Vẫn bức xúc vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải ảnh 1Nơi tập kết đống rác điện tử nằm ngay sát con mương dẫn nước tưới tiêu cho cánh đồng lúa xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh: Báo Tin tức)

Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng đáng lo ngại. Tại nhiều địa phương, rác, chất thải đổ tràn lan ra ruộng đồng, ao, hồ, kênh, mương... làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân, hủy diệt hệ sinh thái.

Ô nhiễm do rác thải đã trở thành vấn đề lớn, gây bức xúc ở cả vùng đô thị và nông thôn trong tỉnh.

Tại các buổi tiếp xúc cử tri, đặc biệt là tại kỳ họp thứ 7, Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVII tổ chức gần đây, vấn đề ô nhiễm rác thải đã được nhiều đại biểu quan tâm, đặt nhiều câu hỏi chất vấn, yêu cầu lãnh đạo tỉnh, ngành chức năng sớm có giải pháp để thu gom, xử lý rác, chất thải.

Hiện nay, riêng lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc phát sinh khoảng 920 tấn/ngày. Phần lớn rác thải sinh hoạt được thu gom ở nhiều địa điểm trong khu dân cư, một phần mang tới các lò đốt rác quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu đặt ở các xã, thị trấn để đốt hủy, phần còn lại được đưa đến các bãi rác quy mô nhỏ để chôn lấp.

Nhìn chung các cơ sở xử lý rác thải đang hoạt động hiện nay chưa đáp ứng được quy chuẩn về môi trường. Trong khi đó, hầu hết bãi chôn, lấp rác tập trung ở địa phương đã quá tải, các lò đốt đều đã xuống cấp.

Mỗi ngày, hai thành phố Vĩnh Yên và Phúc Yên có hàng trăm tấn rác thải nhưng việc thu gom, xử lý còn bộc lộ hạn chế, yếu kém. Đó là tình trạng thu gom không triệt để, rác xử lý chủ yếu bằng phương pháp tập kết, chôn tạm và cho máy san ủi, đầm nén hoặc đốt… gây ô nhiễm môi trường nặng, khiến người dân các khu vực có bãi rác tạm, nơi tập kết rác luôn sống trong cảnh bất an.

Tương tự, tại khu vực nông thôn, mỗi ngày lượng rác thải ra môi trường khoảng 600 tấn, nhưng khả năng thu gom, xử lý mới đạt khoảng 69% và chủ yếu theo phương thức đốt, chôn lấp tạm thời...

Phần lớn rác thải được thu gom chưa được xử lý bài bản, đúng quy trình; số lượng rác chưa được thu gom, chôn lấp cũng rất lớn. Đây là nguyên nhân khiến nhiều ruộng đồng, ao, hồ, kênh, mương, đồi, bãi... ô nhiễm nặng vì rác phát tán, đặc biệt là các đồ nhựa, túi ni lông khó phân hủy... đã làm ảnh hưởng đến việc canh tác, tắc nghẽn dòng chảy của kênh, mương.

Rác thải chưa được thu gom, xử lý triệt để, tạo điều kiện cho ruồi, muỗi, côn trùng phát triển. Đặc biệt, mùi hôi thối từ rác thải khi trời nắng nóng hoặc do đốt hủy chất thải, nước thải, nhất là mỗi khi mưa lớn từ bãi rác tràn lan khiến nhiều hộ dân bức xúc, than phiền.

[Vĩnh Phúc nâng cấp hạ tầng khu công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường]

Ông Nguyễn Đăng Tạo, Chánh Văn phòng Thành ủy Vĩnh Yên cho hay thành phố Vĩnh Yên có một bãi rác tạm ở Khu công nghiệp Khai Quang rộng gần 2ha, hoạt động cách đây nhiều năm, hiện đã đầy, dừng hoạt động. Không thể tiếp nhận rác, nhưng bãi rác này vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy và gây ô nhiễm môi trường.

Ủy ban Nhân dân thành phố đang đề xuất với Ủy ban Nhân dân tỉnh có giải pháp khắc phục các tồn tại ở bãi rác tạm này. Để giải quyết vấn đề thu gom và xử lý rác khi bãi rác tạm Khu công nghiệp Khai Quang dừng hoạt động, thành phố Vĩnh Yên đã phải dùng một số địa điểm để làm bãi rác tạm, quy mô nhỏ lẻ.

Các giải pháp xây dựng bãi rác quy mô lớn, công nghệ hiện đại đối với đô thị Vĩnh Yên vẫn chưa được thực hiện.

Bên cạnh vấn đề rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, chất thải từ các làng nghề ở Vĩnh Phúc cũng đáng được quan tâm. Riêng làng nghề tháo dỡ xe, động cơ ở các xã Tề Lỗ, Đồng Văn (huyện Yên Lạc) có 300-400 bãi “mổ” ôtô, xe cơ giới. Tại các làng nghề này luôn có hàng chục ngàn chiếc xe ôtô cùng các loại máy xúc, máy ủi, xe cẩu xếp tràn lan khắp thôn xóm, cạnh ao hồ, đồng ruộng, chờ tháo dỡ để phân loại phụ tùng.

Các loại sơn bị bong tróc, gioăng cao su, xăm lốp, nhựa mềm và nhựa cứng, dầu nhớt trong máy thải ra ngoài với số lượng lớn. Chất thải không có khả năng tái chế này thường được người dân thu gom một phần và phần còn lại đốt hoặc vứt ra các khu đất trống, ven làng gây ô nhiễm nặng nề.

Nhiều người dân ở các xã Tề Lỗ, Đồng Văn, cho rằng ô nhiễm từ phế thải tháo dỡ xe ôtô, phương tiên cơ giới ở địa bàn khá phức tạp nhưng không muốn lên tiếng đấu tranh, khiếu kiện bởi sợ mất tình họ hàng, làng xóm. "Chính quyền xã cũng không muốn công khai thông tin cụ thể, chi tiết; không muốn phê phán chỉ vì e sợ người dân không có việc làm, ảnh hưởng đến đời sống," ông H, một người dân xã Tề Lỗ tâm sự.

Thời gian gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc đã có kế hoạch xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại địa bàn 2 huyện Bình Xuyên và Lập Thạch, nhưng kế hoạch này chưa được triển khai do một số người dân chưa đồng thuận bởi còn e ngại ô nhiễm, dù cán bộ, chính quyền địa phương giải thích, tuyên truyền nhà máy xử lý rác thải được đầu tư mới, có công nghệ hiện đại, thiết bị tiên tiến sẽ xử lý, khắc phục được những vấn đề ảnh hưởng đến môi trường.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu cũng như cử tri trong cuộc họp Hội đồng nhân dân ngày 13/7/2022, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành khẳng định: Môi trường là vấn đề được tỉnh đặc biệt quan tâm. Vĩnh Phúc sẽ tiếp thu ý kiến của người dân và giao cho ngành chức năng sớm có những giải pháp để nâng cao ý thức và hành động của người dân, giải quyết những bất cập trong thu gom, xử lý rác thải. Việc xây dựng nhà máy xử lý rác phải theo quy hoạch.

Vĩnh Phúc tiếp tục vận động, tuyên truyền, giải thích để việc xây dựng nhà máy xử lý rác hiện đại, quy mô lớn được đồng tình, ủng hộ. Tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương kiên quyết xử lý trường hợp làm ảnh hưởng môi trường vì lợi ích lâu dài của người dân.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục