Vốn tín dụng chính sách: 20 năm tạo sức mạnh nội sinh để phát triển

20 năm qua, vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ gần 6,3 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho hơn 5,9 triệu lao động, xây dựng hơn 16,8 triệu công trình nước sạch.
Vốn tín dụng chính sách: 20 năm tạo sức mạnh nội sinh để phát triển ảnh 1Ngân hàng Chính sách xã hội hiện đang duy trì giao dịch cố định tại 10.435 điểm giao dịch xã, phường, thị trấn trong toàn quốc. (Ảnh: Vietnam+)

20 năm hình thành và phát triển, với việc kết nối và hội tụ cả hệ thống chính trị-xã hội tham gia vào công tác thực thi tín dụng chính sách xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phát huy sáng tạo vai trò là một công cụ mang tính đòn bẩy kinh tế của Chính phủ nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện tiếp cận tín dụng chính sách để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu “Dân giàu - nước mạnh - dân chủ - công bằng - văn minh”.

Phát huy phương thức cho vay sáng tạo

Chỉ cách thị xã Hoài Nhơn 60km, song ở nơi “cổng trời” Bình Định - xã An Toàn, cái nghèo thâm căn cố đế tự bao đời vẫn đang đeo bám. Như ở thôn 1, xã An Toàn, có 84 hộ dân thì có tới 61 hộ nghèo. Mặc dù có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế điạ phương cùng việc Ngân hàng Chính sách xã hội  không hạn chế nguồn vốn cho địa phương, cũng như mức vay hộ nhưng việc cho vay không dễ.

Ông Đinh Văn Ken - tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 1, người dân tộc Ba Na cho biết từ chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội cấp xã cho đến bản thân ông nhiều lần đi vận động từng hộ nghèo vay vốn phát triển kinh tế, nhưng cũng chỉ kết nạp được 49 tổ viên, bởi nhiều người lo sợ rủi ro, không dám vay. Một số người dân còn chưa có ý thức vươn lên, ỷ lại trông chờ vào Nhà nước.

[Vốn tín dụng chính sách: Củng cố hậu phương thêm vững chắc]

Đặc biệt ở nơi “lõi nghèo này” câu chuyện thoát nghèo là cả hành trình dài và vất vả. Như bản thân ông Ken đến tuổi 35 vẫn cùng vợ và 3 đứa con sống trong cảnh nghèo đói. Nhìn con cái mỗi ngày mỗi lớn và cuộc sống cùng cực, ông quyết tâm vay 20 triệu đồng từ chương trình tín dụng hộ nghèo năm 2009 để mua 1 con bò về nuôi, nhưng khí hậu rét, bò không thích ứng được bị chết.

Không nhụt chí, ông làm lụng tích cóp trả nợ gốc ngân hàng, rồi tiếp tục vay 50 triệu đồng vốn hộ nghèo để nuôi 01 con trâu và chăn nuôi thêm lợn. Đến năm 2020, ông Ken đã trả được nợ và bước ra khỏi danh sách hộ nghèo. Từ kinh nghiệm chăn nuôi tích lũy, ông tiếp tục vay 95 triệu đồng chương trình hộ mới thoát nghèo, rồi vay tiếp 90 triệu đồng vốn chương trình giải quyết việc làm (tháng 9/2021) để mở rộng đàn trâu và heo đen theo sản phẩm OCOP của huyện An Lão.

Hiện ông có đàn trâu 25 con cùng với khoản thu từ chăm sóc, quản lý 50ha rừng phòng hộ và khai thác mật ong từ rừng, cuộc sống gia đình ông đã có của ăn, của để với việc xây dựng được căn nhà gỗ chắc chắn cho gia đình, mua sắm tủ lạnh, tivi... Mới đây ông vừa cải tạo mở rộng nhà ở để tham gia khai thác du lịch cộng đồng tại địa phương. Tấm gương của ông cùng sự truyền thụ kinh nghiệm sản xuất của ông đã được chia sẻ ngay trong Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Câu chuyện giảm nghèo tại xã An Toàn đến hiện thời còn gian khó càng cho chúng ta cảm nhận rõ những khó khăn vất vả của Ngân hàng Chính sách xã hội  buổi đầu thành lập. Chỉ tính riêng hộ nghèo đầu năm 2002 đã chiếm tới gần 30% số hộ dân trên toàn quốc. Địa bàn phục vụ phần lớn tập trung ở những nơi địa hình khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa phát triển. Nhiều tỉnh miền núi, đồng bằng sông Cửu Long, tỷ lệ xã chưa có đường ôtô đến được trụ sở Ủy ban Nhân dân từ 30% đến 80%. Lại thêm văn hóa khác biệt của 54 dân tộc cùng những tập quán sản xuất tự cung, tự cấp lạc hậu ăn sâu bám rễ ngàn đời nhiệm vụ “đem tiền Chính phủ cho bản làng vay đủ” càng thêm gian khó.

Xây dựng hệ thống chính sách trợ đỡ phát triển bền vững

Từ 3 chương trình tín dụng ban đầu, đến nay Ngân hàng Chính sách xã hội  đã có hơn 20 chương trình tín dụng được thiết kế thành hệ thống chính sách đồng bộ, hỗ trợ đa chiều, giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu trong cuộc sống của người nghèo, đối tượng chính sách khác; hạn chế, đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội theo định hướng của Đảng, Nhà nước, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tại vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các vùng trong cả nước và thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định trật tự, an toàn xã hội, an ninh quốc phòng.

Ngày 22/11/2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội thêm một lần nữa khẳng định, thống nhất trong định hướng, nhận thức về vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong công cuộc giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.

Vốn tín dụng chính sách: 20 năm tạo sức mạnh nội sinh để phát triển ảnh 2Nguồn vốn chính sách giúp nhiều hộ cựu chiến binh huyện Đông Anh phát triển nghề mộc mỹ nghệ truyền thống. (Ảnh: Vietnam+)

Đây là một mốc son quan trọng trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội 20 năm qua cũng như tạo nên những chuyển biến mới trong công tác tín dụng chính sách với sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền địa phương phát huy tinh thần “Trung ương và điạ phương cùng làm.” Đến nay, nguồn vốn nhận ủy thác từ địa phương chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội  đạt gần 30.000 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Đông Anh (thành phố Hà Nội) Nguyễn Văn Đức cho biết, hiệu quả của nguồn vốn ưu đãi đã góp phần giúp 72% cựu chiến binh có đời sống khá và giàu, họ đang trở thành những hạt nhân làm giàu cho huyện thông qua việc đóng góp vào ngân sách xây dựng huyện tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Đây cũng là nền tảng cho Đông Anh hướng tới mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2023.

20 năm qua, vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ gần 6,3 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho hơn 5,9 triệu lao động; hỗ trợ hơn 3,8 triệu học sinh sinh viên được vay vốn đi học, giúp mua hơn 84.000 máy tính, thiết bị học trực tuyến cho học sinh, sinh viên, xây dựng hơn 16,8 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng gần 729.000 căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, hỗ trợ vốn mua/thuê mua hơn 29.700 căn nhà ở xã hội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục