WB tăng khả năng cho vay để ứng phó với các cuộc khủng hoảng toàn cầu

Ban lãnh đạo WB sẽ đưa ra đề xuất cụ thể để thay đổi nhiệm vụ của ngân hàng, mô hình hoạt động, năng lực tài chính để WB và Ủy ban Phát triển của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thông qua vào tháng 10.
WB tăng khả năng cho vay để ứng phó với các cuộc khủng hoảng toàn cầu ảnh 1Ngân hàng Thế giới đang tìm cách mở rộng đáng kể khả năng cho vay. (Nguồn: Times of India)

Theo văn bản về lộ trình phát triển của Ngân hàng Thế giới (WB), tổ chức này đang tìm cách mở rộng đáng kể khả năng cho vay nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và các cuộc khủng hoảng toàn cầu khác.

Tập đoàn WB (WBG) dự kiến sẽ đàm phán với các cổ đông trước thềm cuộc họp vào tháng Tư tới về các đề xuất, bao gồm việc tăng vốn và các công cụ cho vay mới.

Nội dung lộ trình phát triển gửi tới các chính phủ cổ đông của WBG đánh dấu việc khởi đầu tiến trình đàm phán nhằm điều chỉnh sứ mệnh và các nguồn lực tài chính của ngân hàng WB, thay vì áp dụng mô hình cho vay theo từng dự án và gắn với một quốc gia nhất định - vốn được dùng kể từ khi WB được thành lập vào cuối Chiến tranh thế giới thứ 2.

Văn bản nêu rõ ban lãnh đạo WB sẽ đưa ra đề xuất cụ thể để thay đổi nhiệm vụ của ngân hàng, mô hình hoạt động, năng lực tài chính để WB và Ủy ban Phát triển của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thông qua vào tháng 10.

Theo người phát ngôn của WB, văn bản này nhằm cung cấp chi tiết về phạm vi, cách tiếp cận, lịch trình phát triển cơ cấu và hoạt động của ngân hàng, với thông tin sẽ thường xuyên được cập nhật cho cổ đông trong năm nay.

[Ngân hàng Thế giới thông qua gói cứu trợ 610 triệu USD cho Ukraine]

Trong những tháng vừa qua, việc cải cách các ngân hàng phát triển đa phương là chủ đề nóng trong các cuộc tranh luận, sau khi các nước đang phát triển đối mặt với áp lực lạm phát, tình trạng thiếu hụt năng lượng và thực phẩm do xung đột tại Ukraine, tăng trưởng suy giảm, nợ ngày càng tăng và tình trạng dễ bị tổn thương trước các cú sốc về khí hậu.

Những áp lực này cho thấy các cơ cấu của WB và IMF - vốn được thiết kế vào cuối Chiến tranh Thế giới thứ hai để tập trung vào việc tái thiết các nền kinh tế thời bình - đã không còn phù hợp trong quá trình ứng phó với các cuộc khủng hoảng trên toàn cầu.

WB dự kiến sẽ xem xét các phương án như cách tăng vốn tiềm năng mới, thay đổi cấu trúc vốn để thiết lập các công cụ tài chính mới và cho vay như việc bảo đảm các khoản vay trong lĩnh vực tư nhân và các cách thức khác nhằm huy động thêm vốn tư nhân.

Ngân hàng này khẳng định sẽ cân nhắc mọi giải pháp giúp tăng vốn của WBG mà vẫn duy trì mức xếp hạng tín nhiệm AAA của các thực thể trong WBG.

Các đề xuất đang được xem xét bao gồm mức giới hạn cho vay cao hơn, yêu cầu thấp hơn về tỷ lệ vốn trên nợ, việc sử dụng nguồn tiền có thể huy động được để cho vay.

Các chuyên gia phát triển nhận định sự chuyển đổi này sẽ giúp tăng đáng kể số tiền cho vay so với cấu trúc vốn hiện nay, vốn chỉ phụ thuộc vào nguồn tiền đóng góp.

Văn bản nhấn mạnh những thách thức mà thế giới đang đối mặt đòi hỏi bước đi lớn trong hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Để WBG tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong hỗ trợ tài chính phát triển và khí hậu, sẽ cần có nỗ lực chung của các cổ đông và ban quản lý trong việc tăng cường năng lực tài chính của tập đoàn.

Bên cạnh đó, WB cũng lưu ý rằng việc tăng khả năng cho vay để ứng phó với biến đổi khí hậu, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an ninh lương thực và các nhu cầu khác có thể đòi hỏi bổ sung vốn cho Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD) - đơn vị phụ trách cho vay đối với các nước thu nhập trung bình của WBG.

Văn bản chỉ ra rằng việc tăng thêm số vốn 13 tỷ USD của IBRD vào năm 2018 chỉ đủ để ứng phó với cuộc khủng hoảng quy mô tầm trung trong 1 thập kỷ, chứ không phải cùng lúc nhiều cuộc khủng hoảng như hiện nay, bao gồm đại dịch COVID-19, xung đột tại Ukraine, biến đổi khí hậu. Số vốn để IBRD ứng phó khủng hoảng nhiều khả năng sẽ cạn kiệt vào giữa năm 2023.

Một giải pháp nữa cũng được đề cập là các cổ đông của WBG có thể tăng cường đóng góp vốn định kỳ cho quỹ hỗ trợ các nước nghèo nhất thế giới (Hiệp hội phát triển quốc tế - IDA), vốn đang suy giảm trong những năm gần đây.

Bên cạnh đó, văn bản cũng đề xuất thiết lập quỹ tín thác cho vay mới đối với những nước thu nhập trung bình, trong đó tập trung vào hàng hóa công toàn cầu, tương tự như cấu trúc của IDA với nguồn vốn bổ sung định kỳ tách bạch hoàn toàn với cơ cấu vốn của WB. Điều chỉnh này sẽ giúp thu hút thêm nguồn vốn từ các nhà tài trợ khác, ngoài các cổ đông của WBG.

WB ước tính việc điều chỉnh nhiệm vụ của ngân hàng nhằm tăng ngân sách cho vay liên quan đến vấn đề khí hậu, đồng thời duy trì những thành quả phát phát triển tích cực sẽ cần thêm nhân lực và các nguồn ngân sách - hiện đã giảm khoảng 3% trong 15 năm qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục