Xây dựng cơ chế giáo viên liên trường để giải bài toán thiếu nhân lực

Thiếu giáo viên và giải pháp nào cho vấn đề này là một trong những hội dung được các địa phương đặt ra nhiều nhất trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Xây dựng cơ chế giáo viên liên trường để giải bài toán thiếu nhân lực ảnh 1Nhiều địa phương đang thiếu giáo viên ở các cấp học để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Thiếu giáo viên để đáp ứng yêu cầu giảng dạy khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới là một trong những vấn đề trọng tâm được lãnh đạo các địa phương đề cập tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương về việc tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng nay, 11/3.

Thiếu giáo viên, trang thiết bị dạy học

Tại Hội nghị, lãnh đạo sở giáo dục và đào tạo cho hay các địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Các tỉnh, thành phố đã đầu tư cơ sở vật chất, bố trí đội ngũ, biên soạn tài liệu địa phương.

Tuy nhiên, chia sẻ của các địa phương cũng cho thấy, hầu hết các tỉnh đều gặp khó khăn khi thiếu nguồn tuyển giáo viên Tin học, Tiếng Anh ở bậc tiểu, thiếu giáo viên môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) ở cấp trung học phổ thông. Nhiều nơi, đặc biệt là các địa phương vùng khó, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện dạy học, thiết bị thí nghiệm... còn thiếu. Một số trường chưa có phòng học bộ môn. Nhiều trường thiết bị dạy học không đầy đủ, không đồng bộ.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng số giáo viên còn thiếu ở các bậc học trên cả nước hiện nay là trên 94.700 giáo viên.

Lãnh đạo các sở giáo dục và đào tạo cho hay đã tham mưu với uỷ ban nhân dân địa phương tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và tuyển dụng đội ngũ theo hướng đảm bảo đủ số lượng, cơ cấu bộ môn hợp lý. Trong đó, ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho những môn học mới ở các cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông đáp ứng kịp thời nguồn tuyển dụng theo lộ trình đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cụ thể, trong năm học 2022-2023 tới đây sẽ là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc trung học phổ thông, bắt đầu với lớp 10.

Xây dựng cơ chế giáo viên liên trường để giải bài toán thiếu nhân lực ảnh 2Thiếu giáo viên là một trong những nội dung trọng tâm của hội nghị. (Ảnh: Bộ GD-ĐT)

Bên cạnh đề xuất tuyển mới, các địa phương cũng tích cực, chủ động bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo đáp ứng yêu cầu chuẩn trình độ đào tạo. Việc tổ chức giáo viên dạy liên trường cũng đang được một số nơi thực hiện hiệu quả.

Xây dựng cơ chế giáo viên liên trường

Trước thực trạng trên, phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh quan điểm “trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải có đủ giáo viên để đảm bảo quyền được học của học sinh.”

Thứ trưởng lưu ý các địa phương cần quan tâm để bảo đảm đủ đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt là giáo viên dạy Ngoại ngữ, Tin học ở lớp 3, Âm nhạc, Mỹ thuật ở lớp 10 từ năm học 2022-2023.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, cần vận dụng các giải pháp có thể để đáp ứng yêu cầu này, từ tuyển dụng, hợp đồng, thỉnh giảng, biệt phái… Địa phương cần có cơ chế điều tiết giáo viên dạy liên trường; xây dựng chế độ chính sách cho giáo viên dạy liên trường; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thầy cô, bảo đảm có đủ đội ngũ để đáp ứng yêu cầu học tập của học sinh.

[Tháo gỡ tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên mầm non, phổ thông]

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo các trường sư phạm tổ chức các mã ngành, đào tạo giáo viên dạy các môn học đáp ứng nhu cầu thực tế.

Trước thực tế thiếu giáo viên được nhiều địa phương nêu ra tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, với trách nhiệm của mình, Bộ đang tích cực làm việc với các cấp có thẩm quyền để có chỉ tiêu giáo viên, rà soát các chính sách, cơ chế để tháo gỡ vướng mắc cho tuyển dụng giáo viên. Bộ cũng sẽ chỉ đạo các trường sư phạm trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.

Về phía các địa phương, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo địa phương quan tâm, vận dụng tối đa và tổng hợp các biện pháp, từ có chỉ tiêu tuyển thêm, dùng ngân sách địa phương cho giáo viên hợp đồng, đến bố trí dạy liên trường... Trong các giải pháp bước đầu để giải quyết thiếu giáo viên, tiếp tục củng cố dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình, sử dụng bài giảng điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số… là giải pháp được Bộ trưởng lưu ý các địa phương thực hiện. Tuy nhiên, các trường vẫn sẽ cần một số lượng giáo viên nhất định. Bộ trưởng cho biết Bộ sẽ sớm có hướng dẫn chi tiết về vấn đề này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục