Luật Đất đai 2014 đã có hiệu lực thi hành được gần 1 tháng, tuy nhiên việc xử lý các doanh nghiệp vi phạm về đất đai tại một số địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, trong khi số lượng đơn vị vi phạm còn khá lớn.
Theo nhận định của các chuyên gia đất đai, nguyên nhân của vấn đề này, một phần là do Luật Đất đai chưa thực sự quá khắt khe với những hành vi vi phạm; một phần do chế tài xử lý của cơ quan chức năng địa phương còn nhẹ cộng với lực lượng làm công tác này còn hạn chế.
Lợi dụng “kẽ hở” trên, không ít doanh nghiệp đã tìm cách lách luật, cố tình vi phạm trong thời gian dài, dẫn đến tình trạng lãng phí tài nguyên đất, nhất là tại các thành phố lớn.
Đơn cử như tại Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2014, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thành lập và triển khai 14 Đoàn thanh tra tiến hành thanh tra khoảng 200 tổ chức trong lĩnh vực đất đai và ban hành 15 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 138 triệu đồng.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng đã quyết định thu hồi đất của một tổ chức với diện tích gần 30.700m2; đang tiếp tục xem xét thu hồi đất của 15 tổ chức, đơn vị vi phạm Luật Đất đai với tổng diện tích 223.261m2; xử lý vi phạm đối với 44 tổ chức, 14 hộ gia đình, cá nhân vi phạm pháp luật đất đai, thu phạt 226 triệu đồng.
Qua thanh, kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy, các vi phạm chủ yếu tồn tại từ các năm về trước, trong khi theo quy định của Nghị định số 105/2009/NĐ-CP ngày 11/11/2009 của Chính phủ quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai là 2 năm kể từ ngày có hành vi vi phạm hành chính được thực hiện.
Để đẩy mạnh công tác này trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, tới đây sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức thực hiện nghiêm túc quy định về nghĩa vụ chung của người sử dụng đất, đặc biệt là việc kê khai đăng ký đất đai theo Điều 170, Luật Đất đai năm 2013.
Song song với đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và bổ sung lực lượng làm công tác thanh tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai; công khai minh bạch các trường hợp vi phạm và các hình thức xử lý đối với các đối tượng vi phạm bằng nhiều hình thức.
Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, được biết, sau khi tổng hợp tiếp thu các ý kiến của các Bộ, ngành và địa phương, Bộ này đã hoàn thiện dự thảo nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và đang trình Chính phủ.
Theo đó, ngoài các hành vi được quy định tại Nghị định 105/2009 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thì dự thảo lần này bổ sung thêm hành vi bị xử phạt như: chậm làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sải khác gắn liền với đất cho người mua nhà ở.
Đặc biệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị nâng mức xử phạt bằng tiền áp dụng cho tổ chức, cá nhân tăng 2-4 lần so với quy định của Nghị định 105; cụ thể với cá nhân cao nhất là 500 triệu đồng, tổ chức là 1 tỷ đồng và khoảng cách giữa mức tốt thiểu và tối đa của các hình thức phạt tiền là 3-5 lần./.