"Iran cần cảnh giác trước những tuyên bố từ phía Mỹ"

Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei kêu gọi giới chức Iran dựa vào tiềm lực trong nước để giải quyết những khó khăn kinh tế và "cảnh giác" những tuyên bố từ Mỹ.

Ngày 8/2, lãnh tụ tinh thần Iran, Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei đã kêu gọi giới chức Iran dựa vào tiềm lực trong nước để giải quyết những khó khăn kinh tế trong nước, đồng thời nhấn mạnh không nên "chờ đợi sự giúp đỡ của kẻ thù."

Hãng thông tấn bán chính thức ISNA của Iran dẫn phát biểu của Đại giáo chủ Khamenei trước giới tướng lĩnh quân đội tại lễ kỷ niệm cuộc Cách mạng Hồi giáo 1979, cho biết các quan chức Iran cần phải nhận thấy rằng trông chờ "bên ngoài" bãi bỏ cấm vận không phải cách để giải quyết vấn đề kinh tế của mình mà tiềm lực trong nước là cách duy nhất thúc đẩy kinh tế.

Ngoài ra, ông Khamenei cho rằng Iran cần "cảnh giác" trước những tuyên bố từ phía Mỹ.

Lãnh tụ tinh thần Khamenei đưa ra bình luận trên sau tuyên bố mới đây của Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Mỹ Wendy Sherman cho rằng chương trình hạt nhân hòa bình của Iran không cần đến cơ sở làm giàu urani ngầm dưới lòng đất và kiên cố như tại Fordow hay lò phản ứng nước nặng Arak.

Kể từ khi nhậm chức hồi tháng 8/2013, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã cam kết hợp tác với phương Tây và minh bạch trong hoạt động hạt nhân của Tehran nhằm đưa nước này thoát khỏi tình trạng kinh tế khó khăn.

Ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Iran là thúc giục phương Tây nới lỏng các lệnh trừng phạt.

Hồi tháng 11/2013, Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức) đã ký thoả thuận hạt nhân sơ bộ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 20/1/2014.

Theo đó, Iran ngừng làm giàu urani cấp độ trên 5%, vô hiệu hóa kho urani đã làm giàu ở cấp độ gần 20% trong vòng sáu tháng và chấm dứt hoạt động tại lò phản ứng nước nặng Arak, nơi bị coi là có thể cung cấp plutoni để sản xuất bom nguyên tử.

Đổi lại, Iran có thể tiếp cận nguồn thu từ dầu mỏ lên tới 4,2 tỷ USD hiện đang bị phong tỏa trong các tài khoản ở nước ngoài và được nối lại các hoạt động trao đổi sản phẩm hóa dầu, vàng và kim loại quý hiếm khác.

Mỹ hiện vẫn kêu gọi Iran nhượng bộ hơn nữa để đổi lại, Washington sẽ nới lỏng đáng kể lệnh trừng phạt chống Iran./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục