Quy chế quản lý người nước ngoài học tập tại Việt Nam

Lưu học sinh vào học tập tại VN phải đạt yêu cầu về trình độ tiếng Việt theo quy định với từng trình độ, chương trình đào tạo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Quy chế quản lý người nước ngoài học tập tại Việt Nam.

Quy chế này áp dụng đối với người nước ngoài học tập tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam, bao gồm tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp; cao đẳng, đại học; học viên chương trình đào tạo thạc sỹ; nghiên cứu sinh; học viên chương trình bồi dưỡng nâng cao trình độ; thực tập sinh.

Theo quy chế, lưu học sinh phải đạt điều kiện về học vấn, chuyên môn và sức khỏe theo quy định. Về trình độ học vấn, chuyên môn: Lưu học sinh vào học chương trình trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, thạc sỹ, tiến sỹ phải có văn bằng tốt nghiệp tối thiểu tương đương văn bằng tốt nghiệp của Việt Nam quy định tại Luật Giáo dục đối với từng cấp học và trình độ đào tạo. Lưu học sinh vào học tập tại Việt Nam phải đạt yêu cầu về trình độ tiếng Việt theo quy định đối với từng trình độ đào tạo và chương trình đào tạo.

Sau khi đến Việt Nam, lưu học sinh phải kiểm tra lại sức khỏe. Trường hợp mắc các bệnh xã hội, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hoặc không đủ sức khỏe để học tập thì lưu học sinh phải về nước.

Lưu học sinh chưa đủ trình độ tiếng Việt để học chương trình đào tạo chính thức bằng tiếng Việt thì phải học dự bị và chỉ chuyển vào học chương trình chính thức khi vượt qua bài kiểm tra trình độ. Nếu không đạt yêu cầu thì phải tiếp tục học bổ sung và dự đợt kiểm tra khác đến khi đạt yêu cầu và được cấp chứng chỉ.

Thời gian học tập theo các cấp học và trình độ đào tạo được thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn hiện hành liên quan. Thời gian bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thời gian thực tập đối với thực tập sinh thực hiện theo thỏa thuận giữa Việt Nam với phía gửi đào tạo. Lưu học sinh được rút ngắn thời gian đào tạo nhưng phải hoàn thành nội dung của chương trình đào tạo theo quy định hiện hành.

Những lưu học sinh được tiếp nhận theo các Hiệp định, thỏa thuận giữa Việt Nam với các nước, vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế (lưu học sinh Hiệp định) không được tự ý kéo dài thời hạn học tập, nghiên cứu; trường hợp cần kéo dài thời hạn phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý bằng văn bản. Đối với lưu học sinh học bổng khác và lưu học sinh tự túc, việc kéo dài thời gian học tập thực hiện theo thỏa thuận với cơ sở giáo dục nơi đang học tập.

Lưu học sinh Hiệp định được tạm dừng học tối đa một năm học nếu có lý do chính đáng được phía gửi đào tạo, cơ sở giáo dục đồng ý và được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép bằng văn bản. Thời gian tạm dừng học đối với lưu học sinh theo học tại Việt Nam bằng các học bổng khác hay lưu học sinh du học tự túc sẽ thực hiện theo thỏa thuận với cơ sở giáo dục.

Bên cạnh đó, lưu học sinh Hiệp định không được tự ý chuyển ngành học hoặc chuyển cơ sở giáo dục, chỉ chuyển ngành học, chuyển cơ sở giáo dục khi phía gửi đào tạo, cơ sở giáo dục có văn bản đồng ý gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ ra quyết định cho phép.

Lưu học sinh được đối xử bình đẳng như đối với công dân Việt Nam, được cung cấp đầy đủ thông tin phục vụ học tập phù hợp với điều kiện của cơ sở giáo dục. Lưu học sinh phải thực hiện đăng ký, cập nhật đầy đủ, chính xác thông tin vào hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử quản lý lưu học sinh tại địa chỉ http://lhsnn.vied.vn chậm nhất 30 ngày sau khi đến Việt Nam nhập học và cập nhật thông tin hàng năm hoặc khi có sự thay đổi.

Quy chế cũng quy định cụ thể trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, trách nhiệm của cơ sở tiếp nhận đào tạo, phục vụ lưu học sinh.

Lưu học sinh cũng sẽ được khen thưởng theo thành tích đạt được và xử lý đúng quy định nếu vi phạm kỷ luật./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục