Ngày 22/11, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai tổ chức Phiên họp lần thứ 13 và lễ chuyển giao chức vụ Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai nhiệm kỳ 2020-2021.
Lưu vực hệ thống sông Đồng Nai là một trong những lưu vực lớn nhất lớn nhất Việt Nam, chảy qua 11 tỉnh, thành phố phía Nam. Nguồn nước hệ thống sông này cung cấp cho khoảng 17 triệu dân sử dụng sinh hoạt và sản xuất.
Tuy nhiên, môi trường nước của hệ thống sông Đồng Nai đang bị ô nhiễm, có nguy cơ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và phát triển kinh tế, xã hội.
Năm 2008, Chính phủ đã thành lập Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.
Khai mạc phiên họp, ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (tỉnh đang đảm nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai) cho biết, với nhiệm vụ trọng tâm về triển khai quản lý và xử lý các nguồn thải, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai luôn được ưu tiên thực hiện với nhiều hình thức, thu hút sự tham gia tích cực của cộng đồng.
Công tác thanh tra, kiểm tra trên địa bàn các tỉnh, thành thuộc lưu vực được tăng cường thực hiện, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; tiếp tục hoàn thiện các hệ thống quan trắc chất lượng môi trường, từng bước hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
[Triều cường trên sông Đồng Nai lên xấp xỉ mức báo động 3]
Công tác quy hoạch, thẩm định và cấp phép khai thác tài nguyên được thực hiện thận trọng và tầm nhìn chiến lược để cùng bảo vệ nguồn tài nguyên hữu hạn của chúng ta.
Ông Lê Tuấn Quốc nhấn mạnh, tại phiên họp này, cùng với việc đánh giá tình hình triển khai Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trong năm 2019, các đại biểu sẽ cùng nhìn nhận, trao đổi và thống nhất các vấn đề còn vướng mắc trong việc quản lý tổng hợp lưu vực sông.
Qua đó, bàn bạc, tìm ra giải pháp tối ưu, hữu hiệu cho các vấn đề về bảo vệ nguồn mặt nước, phối hợp xử lý các vấn đề liên tỉnh; cùng tháo gỡ các khó khăn trong quá trình quản lý lưu vực sông, chia sẻ thông tin và trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong quản lý bảo vệ môi trường nước mặt tại các địa phương.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai Võ Tuấn Nhân, sau 10 năm được Thủ tướng Chính phủ thành lập theo Quyết định số 157/2008/QĐ-TTg ngày 01/12/2008, chức vụ Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đã được trao luân phiên lần lượt cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh qua 5 nhiệm kỳ, thể hiện sự tin tưởng vào vai trò của từng địa phương trong nỗ lực bảo vệ môi trường các dòng sông chung.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, tiếp nối những kết quả đã đạt được trong 10 năm qua, với sự quyết tâm cao của chính quyền tại 11 tỉnh, thành phố trên lưu vực cùng sự quyết tâm của các bộ, ngành và các thành viên của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực lưu vực sông Đồng Nai, các mục tiêu của Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai đến năm 2020 sẽ sớm trở thành hiện thực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu về kinh tế-xã hội, phát triển bền vững của các địa phương trên lưu vực sông Đồng Nai.
Tại phiên họp lần này, các đại biểu đến từ Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai, lãnh đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Lâm Đồng, Đồng Nai đã có báo cáo và tham luận.
Các tham luận có nội dung: tổng kết thực hiện Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai nhiệm kỳ 4, đề xuất kế hoạch triển khai Đề án năm 2020 và giai đoạn 2020-2021; quản lý tổng hợp lưu vực sông, áp dụng cho hệ thống sông Đồng Nai, cơ hội và thách thức; vai trò của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường lưu vực sông; quy chế phối hợp quản lý về tài nguyên và môi trường vùng giáp ranh giữa Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai...
Các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề như: Vai trò của hệ thống quan trắc tự động và công tác giám sát môi trường trên lưu vực sông Đồng Nai; phối hợp quản lý các vấn đề ô nhiễm môi trường nước ở các điểm nóng liên tỉnh, các khu vực giáp ranh; chương trình công tác năm 2020 và kế hoạch 2020-2021.
Theo nhận định của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai, ô nhiễm môi trường hiện vẫn là vấn đề nổi cộm tại các tỉnh ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước trên lưu vực sông Đồng Nai.
Cụ thể như hoạt động khai thác cát trái phép trên sông chưa được quản lý chặt chẽ, ô nhiễm xả thải, ô nhiễm mùi từ các công ty, từ khu xử lý chất thải tập trung, ô nhiễm hoạt động chăn nuôi, ô nhiễm từ các cụm công nghiệp chế biến hải sản….
Trước thực trạng trên, các tỉnh cam kết, thời gian tới sẽ hạn chế tối đa thu hút đầu tư từ các ngành nghề ô nhiễm môi trường, tăng cường thanh, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động gần lưu vực sông Đồng Nai, áp dụng tiêu chuẩn tốt nhất vào các hệ thống xử lý nước thải tập trung trong các khu công nghiệp….
Cũng tại Phiên họp lần thứ 13, Lễ ký kết chuyển giao chức vụ Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai từ Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sang Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An sẽ đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai nhiệm kỳ VI (2020-2021) và cũng là nhiệm kỳ tổng kết giai đoạn thực hiện Đề án đến năm 2020./.