20 năm sau sự kiện 11/9: Mối đe dọa nhìn từ Singapore

Sự kiện 11/9 đã cho thấy xã hội Singapore bị chia rẽ khủng khiếp như thế nào và Singapore phải thận trọng như thế nào khi đưa ra bất kỳ sự thay đổi, điều chỉnh với chính sách về sắc tộc, tôn giáo.
20 năm sau sự kiện 11/9: Mối đe dọa nhìn từ Singapore ảnh 1Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tờ StraitsTimes vừa đăng bài viết của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long về những bài học mà Singapore đã rút ra để bảo vệ an ninh, an toàn cho nước này trước chủ nghĩa khủng bố sau sự kiện 11/9.

Theo ông Lý Hiển Long, cách đây 20 năm, ngày 11/9/2001, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore khi đó là S. Jayakumar đã gọi điện và thông báo cho ông (lúc đó đang là Quyền Thủ tướng Singapore do Thủ tướng Goh Chok Tong vắng mặt) rằng có một cuộc tấn công khủng bố lớn nhằm vào Tòa nhà Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York. Ông Lý Hiển Long đã bật TV lên và nhìn hai tòa nhà bốc cháy rồi đổ sụp.

Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng những gì Singapore cần làm ngay lúc đó là rất rõ ràng. Singapore đã đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ lên án cuộc tấn công đó, bày tỏ tinh thần đoàn kết với nước Mỹ và gửi lời chia buồn sâu sắc tới các nạn nhân và gia đình của họ.

Chính phủ Singapore cũng đã liên hệ với những công dân Singapore ở Mỹ để đảm bảo rằng họ được an toàn và kiểm tra xem họ có cần hỗ trợ lãnh sự hay không.

Lực lượng quân đội Singapore (SAF) và Bộ Nội vụ Singapore (Home Team) đã được đặt trong tình trạng báo động, đồng thời Singapore thắt chặt các biện pháp an ninh để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.

Mối đe dọa lớn hơn

Các mối nguy hiểm dường như gần hơn và xuất hiện sớm hơn so với những gì Singapore mường tượng. Singapore phát hiện ra rằng nước này có khả năng đối mặt với nguy cơ khủng bố từ một nhóm khủng bố có cùng ý thức hệ và có các mối liên hệ trực tiếp với al-Qaeda tại Afghanistan, đó là nhóm Jemaah Islamiah (JI).

Vào ngày 11/9, các thành viên của nhóm JI đã sẵn sàng với kế hoạch được vạch ra trước đó để tiến hành đồng loạt các cuộc tấn công bằng bom xe vào các mục tiêu tại Singapore, bao gồm Đại sứ quán Mỹ và các cơ sở khác của phương Tây.

Theo ông Lý Hiển Long, may mắn là Cục An ninh Nội địa (ISD) đã hành động nhanh chóng, kịp thời phá vỡ âm mưu, qua đó ngăn chặn một thảm họa khủng bố.

Trên bình diện quốc tế, Singapore đã hợp tác với các quốc gia khác để chia sẻ thông tin tình báo về khủng bố. Lực lượng SAF đã tham gia cùng Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế tại Afghanistan (ISAF) và Liên minh Toàn cầu chống ISIS tại Iraq.

[Singapore: Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định chính sách mở cửa]

Nhưng đối với một đất nước Singapore đa chủng tộc, đa tôn giáo, theo ông Lý Hiển Long, khủng bố không chỉ là mối đe dọa đối với sự an toàn, tính mạng của người dân mà nguy hiểm hơn là lòng tin và sự gắn kết xã hội của người dân Singapore.

Ông Lý Hiển Long cho rằng đối mặt với chủ nghĩa khủng bố cực đoan, và đặc biệt là sau khi một số công dân Singapore là thành viên của tổ chức JI đã bị bắt giữ, những người không theo Hồi giáo ở Singapore lo sợ và nghi ngờ những người Hồi giáo xung quanh họ là điều dễ hiểu. Và đối với những người Hồi giáo, với tâm lý cảm thấy bị nghi ngờ và đe dọa, họ có thể đã “tự khép mình.”

Singapore lúc đó có nguy cơ bị chia rẽ bởi sắc tộc và tôn giáo. Và nếu một cuộc tấn công khủng bố xảy ra thì xã hội Singapore có thể đã sụp đổ hoàn toàn.

Tuy nhiên, Singapore đã có được lòng tin được xây dựng qua nhiều năm giữa các cộng đồng người khác nhau và cùng với chính phủ Singapore, cùng nhau vượt qua các vấn đề nhạy cảm theo cách thức công bằng và vì lợi ích tập thể.

Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh rằng những người lãnh đạo cộng đồng sắc tộc và tôn giáo đã lên án mạnh mẽ các vụ tấn công khủng bố. Đặc biệt, những người lãnh đạo Hồi giáo đã thẳng thắn đáp trả những kẻ khủng bố, và họ đã hướng dẫn cộng đồng về những giáo lý chân chính của Hồi giáo.

Tương tự, những người lãnh đạo không theo đạo Hồi cũng đã lên tiếng ủng hộ sự khoan dung tôn giáo và bày tỏ sự tin tưởng vào những người Hồi giáo.

Chính phủ Singapore đã tổ chức các cuộc thảo luận cởi mở với lãnh đạo của tất cả các nhóm để mọi người có thể hiểu rõ vấn đề và củng cố lòng tin lẫn nhau.

Ngoài ra, đối với những người “lạc lối” bởi các ý thức hệ tư tưởng, bạo lực cực đoan, Singapore tìm cách giúp họ tái hòa nhập cộng đồng. Điều này cũng phản ánh mối quan hệ hợp tác gần gũi giữa Chính phủ Singapore và cộng đồng Hồi giáo.

Các lãnh đạo Hồi giáo đáng kính trọng như Ustaz Ali Haji Mohamed và Ustaz Mohamad Hasbi bin Hassan đã thành lập “Nhóm Phục hưng Tôn giáo.” Họ đã làm việc một cách bền bỉ, kiên nhẫn để thuyết phục, vận động những người lầm đường lạc lối quay trở lại thành những công dân Hồi giáo chân chính.

Ông Lý Hiển Long khẳng định, nhờ tất cả những điều trên, sự hòa hợp sắc tộc và tôn giáo của Singapore được giữ gìn và thực tế là đã được tăng cường. Điều này rất quan trọng trong bối cảnh mối đe dọa khủng bố vẫn tiếp diễn.

Nhiều năm sau sự kiện 11/9, thế giới đã chứng kiến các vụ đánh bom ở Bali, các cuộc tấn công tại Jakarta, Kuala Lumpur và Bangkok… Theo ông Lý Hiển Long, Singapore vẫn là mục tiêu hàng đầu của các tổ chức khủng bố.

Đã hơn một lần, những kẻ khủng bố đã lên kế hoạch tấn công Singapore, trong đó có một âm mưu cướp máy bay để đâm vào trạm kiểm soát không lưu tại sân bay Changi; và một âm mưu khác là phóng tên lửa vào khu du lịch Marina Bay Sands từ đảo Batam. Rất may, các âm mưu tấn công khủng bố này đã được ngăn chặn và Singapore vẫn an toàn.

Di sản của sự kiện 11/9

Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định, hai thập kỷ sau sự kiện 11/9, cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố vẫn chưa kết thúc. Chủ nghĩa khủng bố cực đoan đã và đang lan rộng. Các phương tiện truyền thông kỹ thuật số cũng đã làm khuếch tán thêm “sự độc hại” này.

Tổ chức al-Qaeda đã được kế thừa bởi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Syria (ISIS), tổ chức khủng bố vốn đã bị đánh bại trên thực địa nhưng vẫn tiếp tục hoạt động, kể cả trên không gian mạng.

Những kẻ tấn công khủng bố theo kiểu “con sói đơn độc” ngày càng “cực đoan hóa’ trên mạng Internet. Một số trong đó là những chiến binh thánh chiến, một số khác lại là những người ủng hộ tư tưởng cực đoan bạo lực.

Trong năm 2021, Singapore đã bắt giữ 2 thanh niên Singapore bị “cực đoan hóa” đang chuẩn bị tiến hành các cuộc tấn công theo kiểu “con sói đơn độc” - một kế hoạch tấn công nhằm vào một cá nhân và kế hoạch còn lại nhằm vào một giáo đường Do Thái.

Và bây giờ, với việc Mỹ rút khỏi Afghanistan, Singapore sẽ cần phải theo dõi sát sao tình hình để xem liệu các nhóm khủng bố tại Afghanistan có tiếp tục đe dọa an ninh của Singapore hay không, và những tổ chức khủng bố mới nào sẽ nổi lên và ở đâu.

Ông Lý Hiển Long nhấn mạnh rằng Singapore phải tiếp tục thúc đẩy sự hòa hợp sắc tộc. Sự kiện 11/9 đã cho thấy xã hội Singapore bị chia rẽ khủng khiếp như thế nào và Singapore đã phải thận trọng như thế nào khi đưa ra bất kỳ sự thay đổi, điều chỉnh đối với chính sách về sắc tộc và tôn giáo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục