82% dân số cả nước đã tham gia mua thẻ bảo hiểm y tế

Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, trong hai tháng đầu năm 2016 cả nước có thêm hơn 500.000 người thuộc hộ gia đình đã tham gia bảo hiểm y tế.
82% dân số cả nước đã tham gia mua thẻ bảo hiểm y tế ảnh 1Nhân viên y tế giải quyết các thủ tục khám chữa bệnh cho người có thẻ bảo hiểm y tế. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Vừa qua, giá dịch vụ y tế đã được điều chỉnh từ ngày 1/3, theo đó người không có thẻ bảo hiểm y tế chưa bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, khi thời gian tới, việc tăng viện phí sẽ áp dụng cho những đối tượng chưa có thẻ bảo hiểm y tế với họ sẽ là một áp lực rất lớn.

Sau gần nửa năm các đơn vị chuẩn bị mọi công tác để điều chỉnh giá dịch vụ y tế và truyền thông cho người dân hiểu về quyền lợi khi đi khám chữa bệnh có thẻ bảo hiểm y tế.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, đã có nửa triệu người dân chưa có thẻ bảo hiểm y tế đã tham gia mua thẻ bảo hiểm y tế để tránh hao hụt lớn về tài chính khi không may có vấn đề về sức khỏe.

“Rục rịch” tham gia bảo hiểm y tế

Ông Trần Đình Liệu - Trưởng ban thu (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) cho biết, thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2016 cả nước có thêm hơn 500.000 người thuộc hộ gia đình đã tham gia bảo hiểm y tế.

Đáng lưu ý, trong số những trường hợp mới đăng ký tham gia bảo hiểm y tế đó, tính riêng Thành phố Hồ Chí Minh có thêm khoảng 130.000 người, tăng 13 lần so với năm 2015.

Theo ông Liệu, việc có nhiều người dân tự nguyện tham gia bảo hiểm y tế tăng đột biến trong hai tháng vừa qua một phần nguyên nhân là do chính sách viện phí mới được áp dụng từ ngày 1/3 sẽ tăng từ 30-50% khiến người dân tự ý thức được tầm quan trọng của thẻ bảo hiểm y tế.

Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tính đến đầu tháng Ba, toàn quốc đã nhập dữ liệu tham gia bảo hiểm y tế của trên 75 triệu người, đạt 82% dân số cả nước.

Liên quan đến việc thực hiện chính sách viện phí mới, ông Phạm Lương Sơn - Trưởng Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết dự kiến trong năm 2016 mức chi từ quỹ bảo hiểm y tế cho hoạt động khám chữa bệnh tăng khoảng 50% so với 2015.


Thông tuyến khám chữa bệnh: “Đòn bẩy” cực mạnh

Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, từ ngày 01/01/2016 người có thẻ bảo hiểm y tế đăng ký ban đầu tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện được khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện khác trong phạm vi tỉnh mà không cần giấy chuyển tuyến (thông tuyến). Đồng thời, cũng kể từ thời điểm này, người có thẻ bảo hiểm y tế khám, chữa bệnh tại trái tuyến tại các bệnh viện tuyến huyện trên toàn quốc được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh.

82% dân số cả nước đã tham gia mua thẻ bảo hiểm y tế ảnh 2Người dân có thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh sẽ đỡ lo về gánh nặng chi phí. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Thông tin về vấn đề thông tuyến và điều chỉnh giá dịch vụ y tế, ông Phạm Lương Sơn - Trưởng Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế cho biết, qua hơn hai tháng thực hiện, quy định về thông tuyến đã có những tác động nhất định đến người có thẻ bảo hiểm y tế, cơ sở khám, chữa bệnh và quỹ bảo hiểm y tế.

Chẳng hạn như đối với người có thẻ bảo hiểm y tế được thuận lợi hơn rất nhiều khi không cần giấy chuyển tuyến vẫn được khám chữa bệnh và đảm bảo quyền lợi tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện. Các trường hợp đi làm xa, cư trú ngoại tỉnh được khám, chữa bệnh và đảm bảo quyền lợi bảo hiểm y tế đầy đủ tại các bệnh viện tuyến huyện mà không cần giấy xác nhận đăng ký tạm trú, giấy công tác.

Cùng với việc thông tuyến khám chữa bệnh ở tuyến huyện, người bệnh được lựa chọn khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế cùng tuyến có chất lượng phục vụ tốt hơn, kể cả cơ sở y tế tư nhân đang được xếp tương đương đương tuyến huyện.

Như vậy, theo ông Sơn, quy định thông tuyến buộc các cơ sở khám, chữa bệnh phải đổi mới phương pháp quản lý, tăng cường chất lượng dịch vụ tạo và như vậy cơ sở khám, chữa bệnh đã tạo nên lợi ích kép từ việc này. Đối với chính sách bảo hiểm y tế, khi quyền lợi người bệnh được mở rộng, thuận lợi trong khám, chữa bệnh là động lực quan trọng để người dân tham gia bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, ông Phạm Lương Sơn cũng nhận định, việc thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cũng có những tác động không mong muốn, đòi hỏi yêu cầu quản lý ngày càng chặt chẽ hơn. Đơn cử như việc hiện nay, phần mềm liên thông dữ liệu giữa cơ quan Bảo hiểm Xã hội và các cơ sở khám chữa bệnh chưa hoàn thiện nên chưa có công cụ để quản lý việc người bệnh đi khám nhiều lần trong ngày, trong tuần tại các bệnh viện khác nhau dẫn đến khó quản lý tình trạng lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế.

Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, qua theo dõi hai tháng thực hiện thông tuyến, số lượt người đến khám tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện chưa tăng đột biến do quy định mới và thời điểm áp dụng trùng với thời gian Tết âm lịch. Tuy nhiên, theo nhận định chung, số lượt khám, chữa bệnh tại tuyến huyện sẽ tăng mạnh. Cùng với việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế tính cả lương và phụ cấp, đây sẽ là tác động kép làm gia tăng chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục