ADB: Dòng kiều hối đổ vào châu Á đạt mức cao kỷ lục

ADB cho biết dòng kiều hối toàn cầu đã tăng 7,6% lên 682,6 tỷ USD vào năm ngoái, trong đó, dòng kiều hối đổ vào châu Á đạt mức cao kỷ lục 302,1 tỷ USD.
ADB: Dòng kiều hối đổ vào châu Á đạt mức cao kỷ lục ảnh 1Đồng tiền mệnh giá 100 euro (trái) và 100 USD (phải). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 13/11 cho thấy dòng kiều hối chuyển vào châu Á tiếp tục tăng và đạt mức kỷ lục trong năm 2018.

Trong bản báo cáo có tiêu đề “Báo cáo Hội nhập Kinh tế châu Á 2019/2020 (AEIR): Sự thay đổi nhân khẩu học, năng suất và vai trò của công nghệ,” ADB cho biết dòng kiều hối toàn cầu đã tăng 7,6% lên 682,6 tỷ USD vào năm ngoái. Trong đó, dòng kiều hối đổ vào châu Á đạt mức cao kỷ lục 302,1 tỷ USD, tăng 8,4% so với mức 278,7 tỷ USD ghi nhận hồi năm 2017.

Báo cáo cho biết sự cải thiện điều kiện kinh tế và thị trường việc làm ở Mỹ, sự phục hồi của dòng kiều hối từ Trung Đông cùng sự khởi sắc của kinh tế Nga đã thúc đẩy dòng kiều hối đến khu vực này. Ngoài ra, việc giá dầu tăng cao hơn và đồng ruble của Nga mạnh lên cũng đã hỗ trợ phần nào.

[Lượng kiều hối kỷ lục gửi về các nước nghèo và đang phát triển]

Ngoại trừ Trung Á, báo cáo cho biết tất cả các tiểu vùng châu Á đều ghi nhận sự gia tăng trong dòng kiều hối. Trong đó, khu vực Nam Á đã nhận được khoảng 132 tỷ USD kiều hối, tiếp sau là Đông Á với 79 tỷ USD.

Báo cáo cho hay Ấn Độ, Trung Quốc và Philippines là ba nước tiếp nhận dòng kiều hối lớn nhất, chiếm 59,5% tổng lượng kiều hối vào châu Á và 26,3% trên toàn cầu.

Báo cáo cũng nhấn mạnh kiều hối là nguồn thu nhập chính, ổn định của nhiều quốc gia đang phát triển ở châu Á. Tính trung bình, dòng kiều hối đổ vào các nước trong khu vực này thường cao gấp 10 lần mức vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) kể từ năm 2012 và đóng góp đáng kể cho sản lượng quốc gia.

Ngoài ra, báo cáo của ADB cũng đưa ra nhận xét về tình hình hợp tác và hội nhập kinh tế ở châu Á và Thái Bình Dương, đồng thời nghiên cứu cách làm thế nào công nghệ có thể hỗ trợ tăng năng suất ở các nền kinh tế đang có dân số bị già hóa.

Báo cáo cũng đưa ra đánh giá về chuỗi thương mại và giá trị toàn cầu, tình hình đầu tư xuyên biên giới, hội nhập tài chính, di dân và hợp tác tiểu vùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục