Ngày 13/8, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry đã gặp Đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Libya, ông Ghassan Salame, đang ở thăm Cairo, để thảo luận những diễn biến mới nhất liên quan đến tình hình tại nước láng giềng Libya.
Phóng viên tại Cairo dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ai Cập Ahmed Abu Zeid, cho biết tại cuộc gặp, Ngoại trưởng Shoukry đã thông báo với ông Salame về những nỗ lực mới đây nhất của Ai Cập trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Libya, cũng như những thách thức mà Cairo đang phải đối mặt do hậu quả của tình hình hỗn loạn ở nước láng giềng.
Ông Shoukry nhấn mạnh rằng cần phải tiến hành các bước đi nhằm khôi phục sự thống nhất của Libya, đồng thời nêu bật tầm quan trọng của thỏa thuận Sakhirat, được ký kết năm 2015 tại Maroc dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, như một nền tảng để thúc đẩy việc giải quyết vấn đề Libya một cách toàn diện.
[Mỹ xác nhận điều đặc nhiệm tới Libya nhằm hỗ trợ chống IS]
Theo đó, thỏa thuận này thúc đẩy các bên đối địch tại Libya hướng tới một tiến trình chuyển giao quyền lực hòa bình và thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc.
Về phần mình, Đặc phái viên Liên hợp quốc Salame đã thông báo về kết quả chuyến đi thực tế tại một số thành phố của Libya cũng như các cuộc tiếp xúc với đại diện các nước trong khu vực và quốc tế liên quan đến tình hình Libya.
Quan chức Liên hợp quốc đánh giá cao vai trò của Ai Cập trong việc giúp giải quyết cuộc khủng hoảng Libya, nhất là các nỗ lực thúc đẩy một giải pháp hòa bình thông qua đối thoại. Hai bên cũng bày tỏ hy vọng Ai Cập và Liên hợp quốc tiếp tục phối hợp nhằm duy trì đoàn kết và độc lập của Libya.
Theo kế hoạch, Đặc phái viên Liên hợp quốc cũng sẽ gặp Tổng thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul-Gheit trong chuyến thăm và làm việc 2 ngày tại Ai Cập.
Hiện Libya đang bị tàn phá do cuộc tranh giành quyền lực giữa hàng chục nhóm vũ trang khác nhau, sau khi cố lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ hồi năm 2011.
Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được Liên hợp quốc ủng hộ đã được thành lập và hoạt động tại Tripoli từ tháng 3/2016, song đến nay vẫn chật vật trong việc xác lập quyền lãnh đạo trên cả nước./.