Nhằm đạt được một giải pháp toàn diện cho cuộc khủng hoảng tại Libya, ngày 14/8, Liên đoàn Arab (AL) cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với Liên hợp quốc để thúc đẩy đối thoại chính trị tại quốc gia Bắc Phi này.
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, trong cuộc gặp với Đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Libya Ghassan Salame tại Cairo (Ai Cập), Trợ lý Tổng Thư ký AL, Đại sứ Hossam Zaki cho hay AL ủng hộ mọi nỗ lực giúp mang lại sự ổn định và hòa bình tại Libya.
AL cũng cam kết sẽ tăng cường phối hợp với Liên hợp quốc để thúc đẩy việc hoàn tất các điều khoản của thỏa thuận Sakhirat được ký kết năm 2015 dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc.
Theo đó, thỏa thuận này thúc đẩy các bên đối địch tại Libya hướng tới một tiến trình chuyển giao quyền lực hòa bình và thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc.
[Ai Cập phối hợp với LHQ giải quyết cuộc khủng hoảng Libya]
Trong khi đó, Văn phòng Tổng Thư ký AL cho biết Đặc phái viên Liên hợp quốc Salame đã đánh giá vai trò tích cực của AL trong việc hỗ trợ các giải pháp giúp giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở Libya.
Quan chức Liên hợp quốc khẳng định mong muốn thúc đẩy hợp tác chung liên quan đến vấn đề Libya trong khuôn khổ Nhóm Bộ tứ bao gồm Liên hợp quốc, AL, Liên minh châu Phi (AU) và Liên minh châu Âu (EU).
Trong thời gian tới, Đặc phái viên Liên hợp quốc về Libya sẽ tới thăm trụ sở của AL nhằm tăng cường phối hợp và thảo luận về cuộc khủng hoảng Libya.
Hiện đất nước Libya đang bị tàn phá do cuộc tranh giành quyền lực giữa hàng chục nhóm vũ trang khác nhau, sau khi cố lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ hồi năm 2011.
Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được Liên hợp quốc ủng hộ đã được thành lập và hoạt động tại Tripoli từ tháng 3/2016, song đến nay vẫn chật vật trong việc xác lập quyền lãnh đạo trên cả nước./.
Các nước láng giềng nhóm họp thảo luận về khủng hoảng Libya
Cuộc họp giữa các nước láng giềng của Libya nhằm ủng hộ giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại quốc gia này dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc.