Algeria, Ai Cập, Italy họp bàn lối thoát cho khủng hoảng Libya

Bộ trưởng ba nước Algeria -Ai Cập- Italy đã họp tại thủ đô Algiers nhằm đánh giá tình hình Libya trong khuôn khổ phối hợp công tác giữa ba nước để tìm kiếm lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị.
Algeria, Ai Cập, Italy họp bàn lối thoát cho khủng hoảng Libya ảnh 1Khói bốc lên tại một khu vực ở Libya trong ngày 16/10. (Nguồn: AFP)

Ngày 2/11 tại thủ đô Algiers, cuộc họp cấp Bộ trưởng giữa ba nước Algeria-Ai Cập-Italy đã diễn ra với nội dung chính là đánh giá tình hình Libya trong khuôn khổ phối hợp công tác giữa ba nước này nhằm tìm kiếm lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia Bắc Phi này.

Theo phóng viên TTXVN tại Algeria, cuộc họp trên diễn ra tại trụ sở Bộ Ngoại giao Algeria với sự tham dự của Bộ trưởng nước chủ nhà đặc trách các vấn đề Maghreb, Liên minh châu Phi và Liên đoàn các quốc gia Arab Abdelkader Messahel cùng Ngoại trưởng hai nước Ai Cập và Italy là Sameh Choukry và Paolo Gentiloni.

Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Algeria nêu rõ bộ trưởng các nước tập trung xem xét tình hình Libya và tìm kiếm các giải pháp nhằm thúc đẩy thực hiện thành công tiến trình đối thoại giữa các phe phái tại Libya dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc nhằm thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc với hy vọng đưa quốc gia Bắc Phi này thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.

Bên cạnh đó, các bộ trưởng cũng đánh giá những tác động của tình hình bất ổn về chính trị và an ninh tại Libya đến các nước láng giềng và trong khu vực. Cuộc họp lần này nằm trong khuôn khổ những nỗ lực nhằm đạt được sự đồng thuận giữa các phe phái đối địch tại Libya.

Hồi tháng 10 vừa qua, các nước phương Tây và Arab đã ra tuyên bố chung hối thúc các phe phái ở Libya thông qua "ngay lập tức" thỏa thuận chính trị do Liên hợp quốc đề xuất hôm 9/10 vừa qua về việc thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc, trong đó có sự tham gia của các bên đối địch ở Libya. Tuy nhiên, giữa Quốc hội được quốc tế công nhận (HOR) và Đại hội Nhân dân toàn quốc (GNC - cơ quan lập pháp cũ của nước này) vẫn tồn tại nhiều bất đồng.

Libya rơi vào hỗn loạn kể từ cuộc chính biến lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Muammer Gaddafi năm 2011 và nước này hiện có 2 chính phủ và hai quốc hội tồn tại song song. Theo kế hoạch chuyển tiếp tại Libya, HOR được dân bầu hồi tháng 6/2014 để thay thế GNC. Tuy nhiên, Liên minh Hồi giáo vũ trang Fajir Libya (Bình minh Libya) đã ủng hộ GNC và lập chính phủ tự xưng đặt tại thủ đô Tripoli, còn chính phủ được quốc tế công nhận phải dời đến thành phố cảng Tobruk ở miền Đông Libya.

Từ tháng 9/2014, Liên hợp quốc đã làm trung gian cho một loạt vòng đối thoại giữa các phe phái đối địch, song các cuộc đụng độ vẫn tiếp diễn bất chấp một thỏa thuận ngừng bắn đã được các bên nhất trí./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục