Quốc tế đánh giá cao dấu ấn Việt Nam trong cuộc chiến COVID-19

Bài 4: Quốc tế đánh giá cao dấu ấn Việt Nam trong cuộc chiến COVID-19

Thời gian qua, Việt Nam đã khẳng định được vị thế, vai trò trên trường quốc tế khi có nhiều nỗ lực, thành quả giúp đỡ cộng đồng quốc tế cũng như nước xung quanh như Lào.
Bài 4: Quốc tế đánh giá cao dấu ấn Việt Nam trong cuộc chiến COVID-19 ảnh 1Điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 trong tình trạng nặng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Từ cuối tháng 4 đến nay, Việt Nam đang ở trong làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ tư với mức độ nhanh, mạnh, có số lượng ca nhiễm mới và tử vong tăng cao hơn so với ba đợt bùng phát trước.

Tuy nhiên, nếu xét trên bình diện toàn cầu thì những con số về số ca nhiễm mới cũng như là số tử vong của Việt Nam vẫn còn ở mức rất thấp.

Việt Nam đã thực hiện bài bản các biện pháp để phòng, chống dịch COVID-19, có khả năng dành giường bệnh hồi sức tích cực để tiếp nhận bệnh nhân nặng.

Không chỉ những nỗ lực một mặt kiềm chế dịch bệnh và điều trị các ca bệnh trong nước, Việt Nam đã khẳng định được vị thế, vai trò trên trường quốc tế khi có nhiều nỗ lực, thành quả giúp đỡ cộng đồng quốc tế cũng như nước xung quanh như Lào.

Việt Nam - Điểm đến quan trọng và tiềm năng

Vừa qua, lãnh đạo và đại diện Liên hợp quốc ở các cấp khác nhau bày tỏ sự cảm kích trước thiện chí và tinh thần đoàn kết quốc tế của Việt Nam đồng thời đánh giá cao năng lực chuyên môn, khả năng đóng góp ngày càng lớn của ngành y tế Việt Nam đối với công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân, mở rộng hợp tác quốc tế.

Vào ngày 30/4/2021, theo đề nghị của Liên hợp quốc, Việt Nam đã tiếp nhận và điều trị khẩn cấp thành công cho một bệnh nhân là nhân viên Liên hợp quốc nhiễm COVID-19 đang công tác tại một nước trong khu vực trong tình trạng bệnh chuyển biến nặng theo cơ chế MEDEVAC (cấp cứu khẩn cấp bệnh nhân là nhân viên Liên hợp quốc ra nước ngoài).

Bài 4: Quốc tế đánh giá cao dấu ấn Việt Nam trong cuộc chiến COVID-19 ảnh 2Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN. (Ảnh: Việt Đức/Vietnam+)

Bệnh nhân được đưa đến Việt Nam bằng máy bay riêng do Nhóm công tác sơ tán y tế khẩn cấp của Liên hợp quốc thực hiện.

Sau quá trình điều trị tích cực theo quy trình cách ly chặt chẽ, nhờ năng lực chuyên môn và sự tận tình của các y, bác sỹ Việt Nam, bệnh nhân đã bình phục, được xuất viện và rời Việt Nam ngày 15/6/2021.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam tiếp nhận và điều trị một bệnh nhân là nhân viên Liên hợp quốc theo cơ chế MEDEVAC.

Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam đánh giá đây là một cột mốc mới, thành tựu ghi dấu ấn trong hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc. Ông cũng khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực, với tư cách là một quốc gia có thể tiếp nhận và điều trị bệnh nhân ở các nước đến theo tiêu chuẩn, chất lượng quốc tế.

“Điều này rất có ý nghĩa, giúp chúng tôi tiếp tục thảo luận với Chính phủ Việt Nam về việc đưa đất nước các bạn trở thành điểm đến quan trọng và tiềm năng cho những trường hợp MEDEVAC trong tương lai, với quan điểm xem xét từng trường hợp cụ thể và giữa bối cảnh COVID-19,” ông Kamal Malhotra cho hay.

Nghĩa cử này một lần nữa khẳng định truyền thống nhân văn của dân tộc Việt Nam, thiện chí và cam kết đóng góp của Việt Nam vào hợp tác quốc tế để chung tay ứng phó với dịch COVID-19.

Biểu tượng sinh động cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại

Nói về những đóng góp của đoàn chuyên gia Việt Nam hỗ trợ Lào chống dịch, Phó Thủ tướng Kikeo Khaykhamphithoune, Trưởng Ban quốc gia phòng chống COVID-19 Lào đánh giá cao sự giúp đỡ kịp thời và hiệu quả của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Không chỉ hỗ trợ tiền và các thiết bị y tế cho Lào, Việt Nam đã còn cử đoàn chuyên gia sang hỗ trợ bạn trong thời điểm nước này đang phải đối phó với đợt bùng phát COVID-19 nghiêm trọng.

Bài 4: Quốc tế đánh giá cao dấu ấn Việt Nam trong cuộc chiến COVID-19 ảnh 3Phó Thủ tướng Lào Kikeo Khaykhamphithoune (giữa) cùng các quan chức chụp ảnh lưu niệm với Đoàn chuyên gia y tế Việt Nam. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Phó Thủ tướng Kikeo Khaykhamphithoune khẳng định trong thời gian công tác tại Lào, các chuyên gia y tế Việt Nam đã cùng với đội ngũ y, bác sỹ của Lào làm việc tích cực, khẩn trương tại các bệnh viện, cơ sở xét nghiệm, cơ sở cách ly kiểm soát dịch COVID-19 tại Thủ đô Viêng Chăn và các tỉnh Trung và Nam Lào, nơi đang có dịch bùng phát.

“Đoàn đã hỗ trợ phía Lào khảo sát, đánh giá tình hình và hướng dẫn các giải pháp kiểm soát, dập dịch, quản lý ca bệnh, công tác quản trị điều hành, bảo đảm vệ sinh tại các cơ sở điều trị cho người bệnh COVID-19 ở các bệnh viện tuyến trung ương, địa phương, bệnh viện dã chiến và trung tâm cách ly cấp tỉnh… Sự hỗ trợ của đoàn công tác Bộ Y tế Việt Nam đã giúp Lào có thể ứng phó, kiểm soát được sự lây lan của dịch COVID-19…,” Phó Thủ tướng Lào Kikeo Khaykhamphithoune phân tích.

Phó Thủ tướng Kikeo khẳng định đây là biểu tượng sinh động cho thấy mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước đang ngày càng tăng cường và không ngừng phát triển.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại khu vực đang diễn biến hết sức phức tạp, sự hỗ trợ kịp thời của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, đặc biệt là của đoàn chuyên gia y tế Việt Nam, không chỉ giúp Lào ứng phó và kiểm soát tốt hơn làn sóng lây nhiễm COVID-19 lần hai, mà những tư vấn, đề xuất của đoàn còn giúp nước bạn có những chuẩn bị tốt nhất, phù hợp với điều kiện hiện có của Lào để có thể đối phó hiệu quả hơn với một làn sóng dịch mới có thể xảy ra.

Trên thực tế, những bác sỹ, nhân viên y tế được cử sang nước bạn Lào đã hỗ trợ bạn trên tinh thần giúp bạn như giúp mình. Việc Việt Nam giúp Lào kiểm soát tốt dịch cũng là hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam tại quốc gia anh em này.

Hai năm qua, Việt Nam đã có những bài học quý báu trong phòng chống dịch như truy vết, cách ly, cách ly tập trung, cách ly tại nhà, phong tỏa, giãn cách xã hội. Thực tế đã chứng minh thông qua đại dịch, Việt Nam đã thể hiện rất rõ tinh thần tương thân tương ái, đặt sức khỏe của người dân không chỉ người Việt mà còn mang tính cộng đồng quốc tế và việc nâng tầm chất lượng dịch vụ y tế để không để bất kỳ ai bị bỏ lại phía sau./.

Xem toàn bộ các bài:

Bài 1: Chiến binh áo trắng Việt Nam tại Lào: ‘Đuổi’ COVID-19 từ con số 0

Bài 2: Những bước chân không mệt mỏi cùng nước bạn chống 'giặc COVID'

Bài 3: ‘Chiến binh áo trắng’ trở về an toàn từ những ‘chiến địa’ ác liệt nhất

Bài 4: Quốc tế đánh giá cao dấu ấn Việt Nam trong cuộc chiến COVID-19

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục