‘Chiến binh áo trắng’ trở về an toàn từ những ‘chiến địa’ ác liệt nhất

Bài 3: ‘Chiến binh áo trắng’ về an toàn từ ‘chiến địa’ ác liệt nhất

15 ngày làm việc không mệt mỏi, các y bác sỹ tranh thủ thời gian để cùng xem xét, rà soát hồ sơ bệnh án của bệnh nhân COVID-19 đang điều trị để góp ý và đưa ra được phương án tối ưu nhất.
Bài 3: ‘Chiến binh áo trắng’ về an toàn từ ‘chiến địa’ ác liệt nhất ảnh 1Đoàn chuyên gia Việt Nam khảo sát về hệ thống hồi sức và cấp cứu tại Lào. (Ảnh: PV/Vietnam+)

15 ngày làm việc không mệt mỏi, vượt qua hàng trăm km đường rừng, đường bộ, giúp Lào xét nghiệm, điều trị, thiết lập hệ thống hồi sức tích cực, xây dựng bệnh viện dã chiến chống lại COVID-19, 18 cán bộ y tế, bác sỹ, điều dưỡng viên của Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Tiến sỹ Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) - Trưởng đoàn công tác có những chia sẻ để hiểu rõ hơn về những công việc của đoàn chuyên gia Việt tại đất nước Triệu voi.

Tranh thủ thời gian nghỉ ngơi để đi thực địa

- Những ngày sang nước bạn hỗ trợ trong công tác phòng chống dịch có những khó khăn gì thưa ông?

Tiến sỹ Vương Ánh Dương: Sau khi nhận nhiệm vụ là trưởng đoàn công tác, tôi vừa vinh dự vừa lo lắng. Chúng tôi cũng đã thảo luận bàn bạc và cùng xác định nhiệm vụ chính cũng như những mục tiêu dự kiến sẽ đạt được trong chuyến đi này.

Ở thời điểm ấy, chúng tôi thấy tự tin hơn nhận được sự chỉ đạo sát sao, thường xuyên, liên tục của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn và Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh.

Bên cạnh đó, điều mà chúng tôi băn khoăn nhất đó là những kinh nghiệm của Việt Nam sẽ được nước bạn Lào đón nhận như thế nào khi đồng thời tại thời điểm ấy phía bạn cũng đã và đang nhận sự hỗ trợ trực tiếp của một số Đoàn chuyên gia của Tổ chức Quốc tế và các nước trong khu vực.

[Bài 1: Chiến binh áo trắng Việt Nam tại Lào: ‘Đuổi’ COVID-19 từ con số 0]

Tôi cũng rất băn khoăn làm sao để phát huy tối đa sức mạnh của mỗi thành viên trong đoàn, phát huy tinh thần làm việc tập thể khi các thành viên có thể cùng một lĩnh vực nhưng lại ở các đơn vị khác nhau, các vùng miền khác nhau để cùng đạt được mục tiêu của đoàn công tác và kỳ vọng của phía bạn.

- Ông đánh giá thế nào về công tác phòng chống dịch của Lào?

Tiến sỹ Vương Ánh Dương: Có thể nói công tác phòng chống dịch từ Trung ương đến địa phương tại Lào rất quyết liệt, huy động được sự vào cuộc đồng bộ hệ thống chính trị, các ban, ngành và chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo điều hành đồng bộ, xuyên suốt.

Bài 3: ‘Chiến binh áo trắng’ về an toàn từ ‘chiến địa’ ác liệt nhất ảnh 2Tiến sỹ Vương Ánh Dương - ngoài cùng bên phải. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bộ Y tế Lào đã có sự phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các đơn vị, bảo đảm lồng ghép chặt chẽ và nghiêm ngặt trong quản lý điều trị ca bệnh COVID-19. Các đơn vị được phân công nhiệm vụ đang thực hiện nghiêm túc và hiệu quả.

- Trong thời gian đi thực địa để khảo sát và làm việc tại Lào, đoàn đã có những hoạt động thiết thực gì giúp bạn phòng, chống dịch COVID?

Tiến sỹ Vương Ánh Dương: Chỉ trong thời gian rất ngắn, đoàn đi mỗi tỉnh từ 2-3 ngày làm việc trực tiếp tại thực địa. Chúng tôi đã tận dụng tối đa thời gian, phân chia đoàn, thậm chí tận dụng cả những thời gian ngoài giờ hành chính, cuối tuần để đi được thêm những cơ sở mà chúng tôi cho là cần thiết để tham mưu cho phía bạn.

[Bài 2: Những bước chân không mệt mỏi cùng nước bạn chống 'giặc COVID']

Đoàn cũng tranh thủ, tận dụng thời gian tối đa để có thể tổ chức các buổi hội nghị tập huấn, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn trong công tác dịch tễ, xét nghiệm, vệ sinh môi trường và công tác chẩn đoán, điều trị, hồi sức cấp cứu ca bệnh COVID-19.

Tại mỗi tỉnh, đoàn tới làm việc tại các làng/xã có tỷ lệ nhiễm COVID-19 cao; trung tâm cách ly tập trung; đơn vị xét nghiệm; bệnh viện dã chiến; bệnh viện điều trị; trạm y tế xã; quầy thuốc... Chúng tôi đã cố gắng tìm ra được những điểm mạnh đang triển khai, những điểm chưa phù hợp để đưa ra khuyến nghị, đề xuất.

Tại tất cả các bệnh viện chúng tôi đều đưa ra được một danh mục những điểm cần cải thiện tại các khoa, phòng. Chúng tôi cũng phác thảo lên khung sơ đồ bố trí lối đi, phân luồng, cách ly, lên danh mục thuốc, trang thiết bị hay kỹ thuật chuyên môn mà mỗi bệnh viện cần củng cố để đảm đương nhiệm vụ được giao điều trị ca bệnh nhẹ, hay ca bệnh nặng, hay cấp cứu ngoại khoa, sản khoa cho người cách ly/ ca bệnh dương tính...

Bài 3: ‘Chiến binh áo trắng’ về an toàn từ ‘chiến địa’ ác liệt nhất ảnh 3Khảo sát hệ thống Ro và chạy thận nhân tạo tại một số cơ sở y tế ở Lào. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chúng tôi cũng tranh thủ thời gian để cùng xem xét, rà soát hồ sơ bệnh án của bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại bệnh viện để góp ý và đưa ra được phương án tối ưu nhất.

Đơn cử như tại Savannakhet, khi chúng tôi đến, tỉnh bạn dự kiến 2 bệnh viện để chuyển đổi công năng thành bệnh viện chuyên để điều trị ca bệnh COVID-19. Tuy nhiên qua khảo sát thực tế các cơ sở đó, chúng tôi thấy chưa phù hợp và phải chủ động đề xuất đi tiếp các cơ sở khác. Trong suốt một ngày khảo sát, chúng tôi thấy bệnh viện OuthoumPhone có cơ sở phù hợp để có thể chuyển đổi công năng thành bệnh viện chuyên để điều trị ca bệnh COVID-19 trong tình trạng nặng.

Chúng tôi cũng tham mưu cho Bộ Y tế Lào để tìm ra được những cơ sở khám chữa bệnh có thể cải thiện, tăng cường để trở thành những đơn vị ICU hiện đại, thực hiện kỹ thuật cao trong điều trị ca bệnh COVID-19 nặng và nguy kịch.

Đoàn cũng đưa ra những sự khác nhau trong việc triển khai thực hiện biện pháp phòng chống dịch giữa các cơ sở y tế, giữa các tỉnh và kiến nghị trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành mang tính hệ thống của Bộ Y tế.

Lào chống dịch tương đồng với Việt Nam

- Theo ông, hoạt động phòng chống dịch của Lào có khác biệt gì với Việt Nam?

Tiến sỹ Vương Ánh Dương: Đây là điều mà chúng tôi rất lo ngại trước khi lên đường. Liệu các chiến lược và kế hoạch hành động phòng chống dịch của bạn có quá khác xa so với Việt Nam hay không, nếu có thì liệu những kinh nghiệm của Việt Nam đưa sang có thể phù hợp để khuyến cáo cho bạn hay không?

Điều này đã nhanh chóng giải tỏa ngay sau buổi đầu tiên gặp mặt với đại diện tỉnh Champasak và Bộ Y tế Lào. Chỉ sau 15 phút nghe bạn giới thiệu về hệ thống y tế và kế hoạch hành động phòng chống dịch, các chiến lược và biện pháp đã và sẽ đưa ra, chúng tôi đã thấy về cơ bản có thể nói 2 nước Việt-Lào có nhiều điểm tương đồng trong công tác chống dịch.

Bài 3: ‘Chiến binh áo trắng’ về an toàn từ ‘chiến địa’ ác liệt nhất ảnh 4Các buổi thảo luận, tập huấn kinh nghiệm về phòng chống COVID-19 diễn ra tại Lào. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Lào cũng thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quốc gia và các cấp tỉnh, huyện, xã tương ứng với đầy đủ các Bộ, ban, ngành liên quan để chỉ đạo xuyên suốt, toàn diện mọi hoạt động phòng, chống dịch. Khi chúng tôi trao đổi với cán bộ là trưởng làng, công an và quân đội khu vực cho thấy nhiều điểm tương đồng trong phòng chống dịch với Việt Nam. Đặc biệt là sự phối hợp các cấp chính quyền trong phòng chống dịch.

Sự khác biệt có thể chỉ là mức độ nông, sâu của mỗi biện pháp mà hai quốc gia đang triển khai, hay năng lực để triển khai biện pháp đó có khác nhau mà thôi.

Như trong công tác dịch tễ, giám sát, truy vết khi phát hiện ca bệnh dương tính, hiện tại Lào vẫn sử dụng hệ thống y tế là chủ yếu và dựa vào sự tham gia tự nguyện của người dân trong cả công tác truy vết dịch tễ và công tác xét nghiệm. Việc áp dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 chưa cao đặc biệt trong công tác truy vết, quản lý kết quả xét nghiệm…

Trong công tác thu dung, quản lý điều trị, năng lực chuyên môn các cơ sở khám chữa bệnh của Lào mới dừng lại ở khả năng điều trị cấp cứu cơ bản, kiểm soát hô hấp bằng thở máy xâm nhập. Ở Lào chưa có những can thiệp ở mức sâu hơn cho các tình trạng nặng như viêm phổi ARDS, cơn bão Cytokine, chưa có thiết bị tim phổi nhân tạo (ECMO), lọc máu liên tục, các xét nghiệm hỗ trợ theo dõi điều trị hồi sức nâng cao ở cả tuyến Trung ương và tỉnh để điều trị những ca bệnh rất nặng.

Bài 3: ‘Chiến binh áo trắng’ về an toàn từ ‘chiến địa’ ác liệt nhất ảnh 5Đoàn công tác đã hoàn thành "sứ mệnh" và an toàn trở về. (Ảnh: PV/Vietnam+)

- Trở về Việt nam 15 ngày “biệt phái” tại nước bạn và sau 21 ngày cách ly tập trung tại Hà Tĩnh, điều gì khiến ông vui nhất?

Tiến sỹ Vương Ánh Dương: Việc tổ chức hệ thống ngành y tế giữa hai bên, văn hoá, ngôn ngữ và phong cách làm việc... là những vấn đề chúng tôi ít nhiều nghĩ đến trước khi lên đường.

Sau những điều băn khoăn trên, thì tâm nguyện của mỗi chúng tôi là mong sao anh em có sức khỏe tốt, không ai bị nhiễm SARS-CoV-2 trước cũng như trong suốt quá trình làm việc tại nước bạn.

Trước buổi gặp báo cáo Phó Thủ tướng Lào, chúng tôi đã trải qua tất cả những điểm có nguy cơ cao của tâm dịch như cộng đồng có tỷ lệ mắc cao nhất, bệnh viện dã chiến nơi thu dung điều trị ca bệnh dương tính và đặc biệt là các bệnh viện khác nơi có rất nhiều bệnh nhân nặng có thể có triệu chứng liên quan đến COVID-19 mà chưa được sàng lọc một cách kỹ lưỡng. Do các bệnh viện này không thu dung điều trị các bệnh nhân dương tính nên chúng tôi không thể mặc đồ phòng hộ cá nhân ngoài khẩu trang và dung dịch sát khuẩn tay như các đồng nghiệp đang làm việc tại đây.

Trong thời gian ở nước bạn, chúng tôi đã đề xuất và được phía bạn cho làm xét nghiệm 2 lần. Thật may mắn, cả đoàn đều âm tính.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

Xem toàn bộ các bài:

Bài 1: Chiến binh áo trắng Việt Nam tại Lào: ‘Đuổi’ COVID-19 từ con số 0

Bài 2: Những bước chân không mệt mỏi cùng nước bạn chống 'giặc COVID'

Bài 3: ‘Chiến binh áo trắng’ trở về an toàn từ những ‘chiến địa’ ác liệt nhất

Bài 4: Quốc tế đánh giá cao dấu ấn Việt Nam trong cuộc chiến COVID-19

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục