Bão Biparjoy đổ bộ miền Tây Ấn Độ, hơn 180.000 người phải sơ tán

Trước khi bão đổ bộ, gió mạnh và sóng lớn hoành hành ở khu vực ven biển Ấn Độ và Pakistan trong nhiều giờ với sức gió giật lên tới 180 km/h và di chuyển với vận tốc từ 125-135km/h.
Bão Biparjoy đổ bộ miền Tây Ấn Độ, hơn 180.000 người phải sơ tán ảnh 1Sóng biển dâng cao trước khi bão Biparjoy đổ bộ tại thành phố cảng Karachi (Pakistan) ngày 14/6/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tối 15/6, Cơ quan Khí tượng Ấn Độ thông báo bão Biparjoy đã đổ bộ vào bang Gujaray, miền Tây nước này với vận tốc gió 125km/h, sức gió giật lên tới 140km/h. Trước đó, hơn 180.000 người ở Ấn Độ và Pakistan đã được lệnh sơ tán để tránh cơn bão mạnh này.

Riêng tại Ấn Độ, chính quyền bang Gujarat xác nhận đã bố trí nơi tránh trú bão cho hơn 100.000 người sau khi họ sơ tán khỏi các khu vực ven biển và vùng trũng thấp. Trong khi đó, tại Pakistan, Bộ trưởng Biến đổi Khí hậu Sherry Rehman cho biết khoảng 82.000 người đã được di dời tới nơi tạm trú.

Trước khi bão đổ bộ, gió mạnh và sóng lớn hoành hành ở khu vực ven biển Ấn Độ và Pakistan trong nhiều giờ với sức gió giật lên tới 180 km/h và di chuyển với vận tốc từ 125-135km/h.

Trong chiều 15/6, những tuyến đường trũng thấp bắt đầu ngập sau nhiều giờ mưa như trút trong khi gió mạnh gây hạn chế tầm nhìn. Hầu như tất cả các cửa hàng đã đóng cửa. Người dân chen chúc ở một số ít địa điểm còn mở cửa để mua thực phẩm và nước uống.

[Ấn Độ sơ tán người dân khỏi các khu vực ven biển để tránh bão Biparjoy]

Các nhà khí tượng học Ấn Độ cảnh báo cơn bão này có thể tàn phá các ngôi nhà, làm đứt đường dây điện khi đổ bộ. Theo Trung tâm cảnh báo bão của Mỹ, dự báo mắt bão đổ bộ vào bờ biển bang Gujarat của Ấn Độ trước khi di chuyển theo hướng Đông Bắc vào tỉnh Sindh của Pakistan.

Khả năng gió mạnh và sóng dâng cao tới 4m sẽ phá hủy nhiều đoạn thuộc bờ biển dài 325km giữa siêu đô thị Karachi ở Pakistan và khu định cư ven biển Gujarat ở thành phố Mandvi của Ấn Độ.

Cơ quan Khí tượng Ấn Độ đánh giá cơn bão "rất nghiêm trọng" này sẽ có thể "phá hủy hoàn toàn" các ngôi nhà tranh bằng rơm và bùn truyền thống.

Trận bão này được dự báo có gây thiệt hại trên diện rộng, bao gồm phá hủy mùa màng, làm cong hoặc bật gốc các cột điện, gây gián đoạn thông tin liên lạc cũng như làm hoạt động giao thông đường sắt và đường bộ.

Năm ngoái, nhiều khu vực tại Pakistan cũng đã ngập lụt nặng nề trong đợt thiên tai nghiêm trọng, khiến 1/3 diện tích nước này chìm trong biển nước, làm hư hại 2 triệu ngôi nhà và hơn 1.700 người thiệt mạng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục