Bảo tồn tại chỗ, nguyên trạng Di tích tế lễ Trời-Đất thời Lý

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý với đề xuất bảo tồn tại chỗ, nguyên trạng Di tích tế lễ Trời-Đất của các Hoàng đế đầu thời Lý của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
Bảo tồn tại chỗ, nguyên trạng Di tích tế lễ Trời-Đất thời Lý ảnh 1Kiến trúc vòng tròn đồng tâm của trung tâm khu di tích tâm linh thời Lý (Ảnh: Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam)

Liên quan đến phương án bảo tồn Di tích tế lễ Trời-Đất của các Hoàng đế đầu thời Lý tại lô E khu vực khảo cổ học Vườn Hồng (Hà Nội), Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 10576/VPCP-KGVX gửi Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Xây dựng.

Công văn nêu rõ: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý với đề xuất bảo tồn tại chỗ, nguyên trạng Di tích tế lễ Trời-Đất của các Hoàng đế đầu thời Lý (được phát hiện tại lô E, Khu vực khảo cổ học Vườn Hồng) của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng phương án bảo vệ, khai quật khảo cổ học tại khu vực này.

Mặt khác, các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng phương án bảo tồn và phát huy giá trị di tích phù hợp với Quy hoạch tổng thể mặt bằng Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 696/QĐ-TTg ngày 8/6/2012), báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Trước đó, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã có Văn bản số 2116/KHXH (ngày 10/11/2014) báo cáo Thủ tướng Chính phủ về niên đại, giá trị và đề xuất phương án bảo tồn di tích tâm linh đặc biệt này.

Di tích này được xác định là “Di tích tế lễ Trời-Đất của các Hoàng đế đầu thời Lý,” có quy mô, cấu trúc đặc biệt với vật liệu xây dựng bằng gỗ và đá.

Theo đó, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đề nghị đề Thủ tướng cho phép trước mắt bảo tồn nguyên trạng di tích này trong phạm vi diện tích tối thiểu khoảng 400m2 (không tính diện tích có thể sẽ khai quật thêm ở phía Tây Bắc của di tích).

Trong thời gian các chuyên gia nghiên cứu phương án bảo tồn khả thi, Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) sẽ tạm thời lấp đất che phủ hết cọc gỗ của di tích.

Bảo tồn tại chỗ, nguyên trạng Di tích tế lễ Trời-Đất thời Lý ảnh 2Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý với đề xuất bảo tồn tại chỗ, nguyên trạng Di tích tế lễ Trời-Đất của các Hoàng đế đầu thời Lý (Ảnh: Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam)

Cùng với việc bảo tồn nguyên trạng Di tích tế lễ Trời-Đất của các Hoàng đế đầu thời Lý, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam kiến nghị: Việc nghiên cứu xây dựng phương án bảo tồn nguyên trạng kiến trúc tâm linh này cần được xem xét trong sự kết nối với phương án nghiên cứu và bảo tồn tổng thể khu Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long.

Từ đó, các nhà khoa học đề xuất việc khai quật mở rộng kiến trúc tâm linh với diện tích khoảng 200m2 nhằm làm rõ kết cấu mặt bằng tổng thể của kiến trúc.

Đề xuất trên được đưa ra dựa trên việc xác định giá trị của khu di tích này. Các nhà chuyên môn xác định đây là một bộ phận quan trọng trong cấu trúc tổng thể của Hoàng thành Thăng Long thời Lý nói riêng và của khu Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long nói chung.

“Hiện nay, do chưa được khai quật, nghiên cứu tổng thể và chi tiết nên nhiều giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt của khu di sản này chưa được làm rõ,” đại diện Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết./.

Ngày 29/10/2014, Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã có văn bản số 400/KCH báo cáo Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam về việc xâm hại di tích tâm linh đặc biệt tại lô E khu vực khảo cổ học Vườn Hồng (Hà Nôi).

Văn bản của Viện Khảo cổ học chỉ rõ, trong quá trình thi công xây dựng gara ngầm khu vực có kiến trúc tâm linh đặc biệt, do không phối hợp với Viện Khảo cổ học, thiếu sự giám sát chặt chẽ của Ban quản lý dự án, thi công trong điều kiện bản vẽ điều chỉnh thiết kế và biện pháp thi công chưa được phê duyệt nên nhà thầu thi công đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến di tích như: tập kết vật liệu, vật tư, xả rác thải sinh hoạt, xả bùn bentonize vào trong khu vực di tích.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục