Bầu cử tổng thống Mỹ không làm thay đổi cục diện quan hệ Trung-Mỹ

Chuyên gia nhận định khó có thay đổi lớn trong quan hệ giữa hai cường quốc này dưới thời chính quyền của ông Joe Biden, người gần như chắc chắn sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Bầu cử tổng thống Mỹ không làm thay đổi cục diện quan hệ Trung-Mỹ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

Nhật báo Mainichi (Nhật Bản) số ra ngày 12/11 đăng bài bình luận của ông Akihiko Tanaka, Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách sau đại học của Nhật Bản, phân tích một số yếu tố quan trọng hình thành cục diện quan hệ Trung-Mỹ, trong đó đưa ra nhận định khó có thay đổi lớn trong quan hệ giữa hai cường quốc này dưới thời chính quyền của ông Joe Biden, người gần như chắc chắn sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Theo tác giả Tanaka, mối quan hệ Mỹ-Trung đã có sự thay đổi lớn dưới thời Tổng thống Donald Trump. Mỹ đã từ bỏ chính sách can dự và phát động một cuộc chiến thương mại bằng cách tăng thuế, bao vây các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc và có lập trường cứng rắn với sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc tại Biển Đông và nhiều khu vực khác.

Thực tế cho thấy tính năng động của nền chính trị thế giới đã có sự biến đổi từ năm 2016.

Về bản chất, nhân tố chủ yếu quyết định tính năng động của nền chính trị quốc tế hiện nay là cục diện chính trị thế giới đã có sự thay đổi lớn và sẽ còn tồn tại trong khoảng thời gian tương đối dài.

Cụ thể, có ba nhân tố như sau:

Thứ nhất, nguồn lực kinh tế và khoa học công nghệ của Trung Quốc đã tăng nhanh chóng, kéo theo sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tính theo sức mua tương đương đã vượt qua Mỹ, trong khi sức mạnh công nghệ của Trung Quốc cũng đứng đầu thế giới ở một số lĩnh vực mũi nhọn.

[Sức ép kinh tế - biện pháp gây áp lực "ưa thích" của Mỹ và Trung Quốc]

Sự thay đổi lớn nhất trong hệ thống chính trị thế giới suốt 30 năm qua chính là sự thay đổi mạnh mẽ của Trung Quốc.

Chính phủ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tạo thêm động lực mới cho sự thay đổi này và đương nhiên không liên quan nhiều đến bầu cử tổng thống Mỹ.

Thứ hai, chủ nghĩa quyền uy tại Trung Quốc được củng cố.

Nếu nền kinh tế Trung Quốc yếu kém, sức mạnh khoa học công nghệ hạn chế thì chủ nghĩa quyền uy của Trung Quốc khó tạo nên sự thay đổi đối với đời sống chính trị thế giới.

Hơn nữa, nếu Trung Quốc là một quốc gia theo chủ nghĩa tư bản thì chẳng qua chỉ là một hiện tượng nổi lên như trường hợp của Nhật Bản những năm 1980.

Tuy nhiên, Trung Quốc, với chủ nghĩa quyền uy có thể đe dọa Mỹ cũng như có thể uy hiếp các nước láng giềng bằng sức mạnh kinh tế và sức mạnh công nghệ.

Các doanh nghiệp phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc sẽ suy nghĩ và hành động cùng Chính phủ Trung Quốc, trong khi các nước không đứng cùng phe với nước này phải đối diện với nhiều bất lợi về mặt thương mại giống như trường hợp của Australia gần đây.

Thứ ba, năng lực quân sự và sức mạnh công nghệ của Mỹ vẫn đứng đầu thế giới. Ở thời điểm hiện tại, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ sẽ thất bại nếu đối đầu với Trung Quốc trên hai mặt trận này.

Tuy nhiên, Mỹ đã từ bỏ chính sách can dự để củng cố quyết tâm không xem nhẹ sự trỗi dậy của Trung Quốc tránh phải chuốc lấy thất bại sau này.

Các nhân tố kể trên không phải chỉ xuất hiện trong giai đoạn ông Trump nắm quyền.

Trên thực tế, Chính quyền Trump đã nhận thức rõ hơn về các mối đe dọa từ sự gia tăng sức mạnh kinh tế và công nghệ của Trung Quốc và sự củng cố của chủ nghĩa quyền uy trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc đang thúc đẩy chính sách đối ngoại cứng rắn của Trung Quốc.

Từ đó, Mỹ đi đến quyết định từ bỏ chính sách can dự. Cách tiếp cận của ông Trump có thể khác với tư duy truyền thống của các đời tổng thống Mỹ trước đây nhưng về cơ bản không phải do Chính quyền Trump sản sinh ra mà là sự thay đổi tất yếu do môi trường chính trị thế giới mang lại.

Trong trường hợp ông Biden đắc cử, với xu thế quan hệ Trung-Mỹ hiện nay, Mỹ sẽ khó có sự lựa chọn nào khác ngoài hành động theo cấu trúc quan hệ được hình thành dưới thời Chính quyền Trump.

Đa số dư luận dự đoán quan hệ Trung-Mỹ dưới thời Chính quyền Biden sẽ không nằm ngoài cục diện căng thẳng như hiện nay. Tất nhiên, cấu trúc cơ bản không thay đổi nhưng cách tiếp cận có thể thay đổi.

Tiến trình "tan băng" hay "nới lỏng" có thể sẽ xuất hiện như trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh.

Cụ thể, Chính quyền Biden có thể sẽ coi trọng hơn mối quan hệ với các đồng minh phương Tây, quay lại Hiệp định Paris của Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu và có thể hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, có thể sẽ xuất hiện tiến trình điều chỉnh trong quan hệ Trung-Mỹ nhưng cấu trúc cạnh tranh và đối lập gần như bất biến và không dễ dàng thay đổi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục