Bình Dương thành lập 162 trạm y tế lưu động, hỗ trợ F0 tại nhà

Các trạm y tế hiện đang hỗ trợ cho hàng nghìn F0 đang điều trị tại nhà, riêng trong ngày 22/11 đã hỗ trợ thêm cho hơn 800 trường hợp mắc COVID-19 đang điều trị tại nhà.
Bình Dương thành lập 162 trạm y tế lưu động, hỗ trợ F0 tại nhà ảnh 1Người dân chờ khám sàng lọc và kết hợp tiêm vaccine tại phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN)

Đến nay, tỉnh Bình Dương đã thành lập 162 trạm y tế lưu động phủ khắp các huyện, thị và tại nhiều khu công nghiệp.

Các trạm y tế hiện đang hỗ trợ cho hàng nghìn F0 đang điều trị tại nhà, riêng trong ngày 22/11 đã hỗ trợ thêm cho hơn 800 trường hợp mắc COVID-19 đang điều trị tại nhà.

Ngoài chăm sóc F0, các Trạm y tế lưu động còn hướng dẫn, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc tại nhà; sơ cứu, chuyển viện các trường hợp nặng; tiêm vaccine và làm test nhanh…

Mới đây, Sở Y tế đã ban hành quy chế tổ chức, hoạt động và mối quan hệ của Trạm Y tế lưu động trong khu, cụm công nghiệp trong trạng thái bình thường mới.

[Dịch COVID-19: Bình Dương có 7.368 ca F0 đang điều trị tại nhà]

Sở Y tế khuyến khích Trạm Y tế lưu động trong khu, cụm công nghiệp hình thành theo phương thức xã hội hóa, một cơ sở y tế tư nhân tự chịu trách nhiệm về thành lập và tổ chức hoạt động. Nhân lực mỗi trạm do một số bác sỹ hoặc y sỹ đa khoa phụ trách chính với 5 đến 7 thành viên khác tham gia.

Tất cả cán bộ trạm đều được tập huấn những kiến thức cơ bản về quy trình chăm sóc sức khỏe cho người nhiễm COVID-19 tại doanh nghiệp. Chế độ làm việc theo ca, đảm bảo ca trực cấp cứu 24/7 để đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh cho người lao động trong khu, cụm công nghiệp.

Trạm y tế lưu động có trách nhiệm đánh giá kết quả điều trị F0 tại doanh nghiệp trình Ban Quản lý các Khu công nghiệp cấp giấy chứng nhận hoàn thành cách ly y tế cho những trường hợp nếu có nhiễm COVID-19 tại doanh nghiệp.

Tính đến chiều 22/11, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 9.897 bệnh nhân mắc COVID-19 đang điều trị; trong đó 7.140 bệnh nhân đang điều trị tại nhà và 2.757 bệnh nhân điều trị tại các cơ sở y tế.

Đáng quan tâm, có đến 249 bệnh nhân đang điều trị tầng 3; trong đó có 27 ca thở oxy dòng cao, 157 ca thở ôxy qua mặt nạ và ôxy mũi.

Ghi nhận của của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương cho thấy, trong 24 giờ qua, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có 688 ca mắc mới qua xét nghiệm RT-PCR và đã có đầy đủ các thông tin dịch tễ. Số ca mắc toàn tỉnh tăng 0,7% so với ngày 21/11.

Các địa phương có số mắc tăng là thị xã Bến Cát, thành phố Dĩ An và thành phố Thủ Dầu Một. Trong số đó, khu phong tỏa  chiếm đến 66,3%, qua sàng lọc cộng đồng 12,5% và phát hiện qua thăm khám ở các cơ sở y tế.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương sau khi tỉnh trở về trạng thái “bình thường mới” được gần 2 tháng với mọi hoạt động phục hồi nhanh về kinh tế-xã hội, sinh hoạt của người dân trở lại bình thường. Tuy nhiên, số ca mắc COVID-19 hiện ghi nhận hơn 600 ca/ngày.

Tỉnh Bình Dương xác định tiếp tục phòng, chống dịch COVID-19 vẫn phải thích ứng, linh hoạt và an toàn trong thời gian dài; theo đó, không được chủ quan, lơ là và cần hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp trong điều kiện cộng đồng còn dịch bệnh; tiếp tục áp dụng các biện pháp cơ bản phòng chống dịch trong trạng thái “bình thường mới.”

Tỉnh khuyến cáo người dân chấp hành đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại các nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; hạn chế tụ tập đông người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục