Bình Thuận: Giải tỏa lệnh cấm, tàu thuyền được phép ra khơi trở lại

Ngư dân phải theo dõi chặt chẽ các thông tin về diễn biến của bão số 9, tình hình thời tiết, gió mạnh, sóng lớn trên biển, nhất là diễn biến của gió mùa Đông Bắc để chủ động phòng tránh, ứng phó.
Bình Thuận: Giải tỏa lệnh cấm, tàu thuyền được phép ra khơi trở lại ảnh 1(Ảnh minh họa: Chanh Đa/TTXVN)

Theo tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc Đông Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và suy yếu dần. Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Căn cứ tình hình trên, sáng 20/12, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan giải tỏa lệnh cấm tàu thuyền và phương tiện vận tải, cho chủ phương tiện, tàu thuyền ra biển hoạt động vận tải và đánh bắt hải sản trở lại bình thường.

Tuy nhiên, ngư dân phải theo dõi chặt chẽ các thông tin về diễn biến của bão số 9, tình hình thời tiết, gió mạnh, sóng lớn trên biển, nhất là diễn biến của gió mùa Đông Bắc để chủ động phòng tránh, ứng phó phù hợp, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.

Do tình hình thời tiết ổn định, Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định giải tỏa công tác trực ban (24/24 giờ).

Các sở, ngành liên quan và địa phương lưu ý phân công trực để theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, mưa, lũ, gió mạnh, sóng lớn, sạt lở bờ biển nhằm chủ động trong chỉ đạo điều hành, ứng phó và báo cáo diễn biến bất thường về thiên tai trên địa bàn cho Ủy ban nhân dân tỉnh.

[Các tỉnh, thành phố ứng phó với bão số 9 và sớm phục hồi sản xuất]

Trước đó, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hoàn lưu bão số 9, trong ngày 19/12, một số địa phương ven biển Bình Thuận có gió mạnh, sóng lớn gây ra một số thiệt hại cho người dân, nhất là tại huyện Tuy Phong và đảo Phú Quý.

Các địa phương đang thống kê thiệt hại và huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục, ổn định cuộc sống.

Tại huyện Tuy Phong, ứng phó với bão số 9, huyện đã chỉ đạo các xã ven biển thông tin liên tục cho ngư dân nắm bắt, chủ động phòng tránh đặc biệt việc cấm tàu thuyền ra biển hoạt động, các tàu cá được các đồn Biên phòng kêu gọi, hướng dẫn vào bờ hoặc tìm nơi neo đậu an toàn để tránh bão.

Tuy nhiên, trong quá trình di chuyển vào bờ, do gió mạnh, sóng lớn kết hợp của không khí lạnh và cơn bão số 9, một số tàu cá của ngư dân xã Chí Công đã bị đánh chìm.

Một người chết do thuyền thúng bị lật, 8 chiếc tàu cá của người dân địa phương tại thôn Hà Thủy, xã Chí Công, huyện Tuy Phong bị chìm, hư hỏng. Ước giá trị thiệt hại ban đầu khoảng gần 1,3 tỷ đồng.

Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng cùng với chủ tàu thuyền lập phương án trục vớt các tàu thuyền bị chìm, hư hỏng, kéo lên bờ sửa chữa; đồng thời, xem xét, đề xuất Ủy ban Nhân dân huyện hỗ trợ cho người dân.

Tại huyện đảo Phú Quý, chính quyền địa phương đang thống kê, đánh giá tình hình thiệt hại và nỗ lực khắc phục thiệt hại do bão gây ra. Theo thống kê sơ bộ, hơn 10 lồng bè nuôi trồng thủy hải sản trên biển bị sóng đánh, hư hỏng nặng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục