Bộ GD-ĐT: Năm học 2020-2021 thực hiện thành công nhiệm vụ kép

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm học vừa qua, dù có nhiều khó khăn nhưng toàn ngành đã nỗ lực để vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch, vừa đảm bảo nhiệm vụ năm học.
Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên ngành giáo dục và đào tạo triển khai dạy chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu với lớp 1. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên ngành giáo dục và đào tạo triển khai dạy chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu với lớp 1. (Ảnh: PV/Vietnam+)

2020-2021 là một năm học nhiều khó khăn do diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh thành, học sinh đã có khoảng thời gian không thể đến trường. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của toàn ngành, năm học đã đạt được mục tiêu kép: Vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch, vừa đảm bảo nhiệm vụ năm học.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đã chia sẻ như vậy tại Hội nghị tổng kết tổng kết năm học 2020-2021 được tổ chức sáng nay, 28/8.

Nỗ lực vượt khó

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, trong năm học vừa qua, trước sự bùng phát trở lại của dịch bệnh, toàn ngành giáo dục đã chủ động, kịp thời điều chỉnh kế hoạch năm học. Bộ đã hướng dẫn cha mẹ chăm sóc giáo dục trong thời gian trẻ ở nhà, hướng dẫn tinh giản nội dung chương trình giáo dục phổ thông học kỳ II đảm bảo những nội dung cốt lõi, nền tảng. Các nhà trường vận dụng linh hoạt hình thức dạy học trực tuyến, điều chỉnh quy định đánh giá cuối năm học.

“Điều này thể hiện sự nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn của toàn ngành Giáo dục, nhằm thực hiện tốt phương châm ‘tạm dừng đến trường, không dừng học’, hoàn thành mục tiêu kép, vừa tham gia tích cực trong phòng, chống dịch bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, vừa hoàn thành kế hoạch năm học, bảo đảm chất lượng giáo dục,” Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.

Từ những nỗ lực đó, ngành đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục hoàn thiện thể chế, nhằm tháo gỡ những “nút thắt,” tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo theo yêu cầu của Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương như nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên; bổ sung loại trường tư thục không vì lợi nhuận; tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành các nghị định, đề án, kế hoạch về phát triển giáo dục...

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, Bộ đã chủ động điều chỉnh phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông thành hai đợt, xét đặc cách tốt nghiệp cho những thí sinh không thể dự thi vì dịch bệnh và đề nghị các trường đại học điều chỉnh phương án tuyển sinh nhằm bảo đảm quyền lợi và tiếp cận công bằng cho học sinh.

Công tác triển khai chương trình, sách giáo khoa mới đối với lớp 1 hoàn thành đúng kế hoạch, đảm bảo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình. Cơ sở vật chất của các nhà trường cũng đã được tăng cường. Năm học 2020-2021, cả nước có 593.808 phòng học (tăng 3.504 phòng so với năm học trước), trong đó phòng học kiên cố chiếm tỉ lệ 70,5%.

Bộ GD-ĐT: Năm học 2020-2021 thực hiện thành công nhiệm vụ kép ảnh 1Học sinh phải học và thi trực tuyến trong năm học 2020-2021. (Ảnh: PM/Vietnam+)

Trong giáo dục đại học có cải thiện rõ rệt với 5 cơ sở lọt vào tốp các đại học tốt nhất thế giới theo các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín, vượt mục tiêu năm 2025 của Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Số lượng công bố quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học gia tăng nhanh chóng.

Những 'nút thắt' cần gỡ sớm

Đánh giá cao những kết quả đạt được nhưng Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho hay trong năm học vừa qua, ngành vẫn còn những tồn tại, hạn chế.

Trước hết là những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Việc học sinh mầm non phải ở nhà trong thời gian dài ảnh hưởng đến nền nếp, thói quen thực hiện chế độ sinh hoạt theo yêu cầu phát triển của độ tuổi.

Học sinh phổ thông phải học trực tuyến, học qua truyền hình trong thời dừng đến trường vì dịch bệnh nên chất lượng dạy và học bị ảnh hưởng. Điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, năng lực sử dụng công nghệ thông tin của một bộ phận giáo viên, kỹ năng tự học của một bộ phận học sinh, sinh viên và phát triển nguồn học liệu số phục vụ dạy và học trực tuyến chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là ở những nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số, gây ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

Về hệ thống trường lớp, việc sắp xếp lại các cơ sở giáo dục ở một số địa phương chưa phù hợp. Còn tình trạng thiếu trường, lớp ở một số khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng sâu, vùng xa. Mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học chưa được quy hoạch tổng thể và lâu dài, thiếu khả năng liên kết vùng để tạo sự dịch chuyển của lực lượng lao động giữa các địa phương.

[Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: 'Trước mắt chúng ta là một năm học đầy thử thách']

Về đội ngũ, tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên mầm non, phổ thông ở một số địa phương vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện chương trình và kế hoạch dạy học. Chất lượng đội ngũ không đồng đều, còn khoảng cách lớn giữa các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn và các vùng thuận lợi. Một bộ phận giáo viên chưa theo kịp được yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục; chưa sử dụng thành thạo giải pháp dạy học trực tuyến để quản lý lớp học, tổ chức các hoạt động học tập.

Về ngân sách, tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho toàn ngành giáo dục năm 2021 chỉ đạt khoảng 17,3% chi ngân sách cả nước, chưa đạt tỷ lệ theo quy định. Tỷ lệ chi cho con người (chi lương, các khoản theo lương) còn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng chi thường xuyên tại các trường. Việc mua sắm bổ sung thiết bị theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn chậm.

Trong trong giáo dục đại học, cất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa bám sát vào nhu cầu của thị trường lao động, nhất là lao động trong các ngành kinh tế mới, kinh tế số. Nhiều chương trình giảng dạy phải thay đổi phần thực hành, thực tập cho phù hợp với hoàn cảnh dịch bệnh. Một số cơ sở đào tạo không hoàn thiện được chương trình đào tạo thực hành, đặc biệt là khối ngành sức khỏe (một số bệnh viện không thể cho sinh viên đến thực hành như đã cam kết), nhóm ngành nghệ thuật (sinh viên không thể đến cơ sở đào tạo để học tập trực tiếp). Việc triển khai tự chủ đại học nhiều nơi còn lúng túng.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên hầu hết các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế về giáo dục đều bị ảnh hưởng, nhiều hoạt động không tổ chức được. Nhiều lưu học sinh đã hoàn thành khóa đào tạo nhưng khó khăn trong việc về nước. Nhiều học sinh, sinh viên đã được các cơ sở giáo dục và đào tạo ở nước ngoài tiếp nhận nhưng chưa thể sang học tập./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục