Bộ trưởng TN-MT: ''Mỗi gia đình cần phải quản lý rác thải của mình''

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng chất thải nông thôn cần coi là một dạng tài nguyên, do đó dần dần cũng nên gắn trách nhiệm mỗi hộ gia đình, mỗi gia đình, cá nhân cần phải quản lý rác thải của mình.
Bộ trưởng TN-MT: ''Mỗi gia đình cần phải quản lý rác thải của mình'' ảnh 1Rác thải nông thôn ùn ứ xuất hiện ngày càng phổ biến ở các vùng quê. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Đề cập đến giải pháp tháo gỡ khó khăn cũng như giải quyết tình quá tải lượng rác thải nông thôn hiện nay, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng cần xác định rác thải, chất thải rắn ở đô thị và nông thôn là một dạng tài nguyên chứ không phải chỉ chôn lấp; tiến tới mục tiêu thu gom xử lý chứ không phải thải bỏ.

Đặc biệt, phải gắn trách nhiệm rằng mỗi hộ gia đình, mỗi cá nhân cần phải quản lý chất thải của mình. Như vậy, việc phân loại là yêu cầu bắt buộc, một tiêu chí đánh giá.

Quá tải rác thải nông thôn

Cùng với tốc độ phát triển và sức ép gia tăng dân số, chất thải rắn sinh hoạt cũng ngày một tăng, trong khi việc thu gom, xử lý còn bất cập với hơn 75% là chôn lấp, đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, đặc biệt là môi trường nông thôn.

Đơn cử như tại Bắc Ninh - tỉnh có diện tích đất tự nhiên nhỏ nhất cả nước, những năm qua đang chịu áp lực lớn bởi các hoạt động phát triển gây ô nhiễm môi trường. Theo số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh (năm 2019), tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 870 tấn/ngày đêm và mỗi năm tăng thêm 10%; môi trường khu vực nông thôn chịu tác động của hoạt động chăn nuôi, lượng vỏ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng...

Hay như tại Tuyên Quang, khối lượng chất thải rắn, chất thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn phát sinh trên địa bàn mỗi ngày khoảng 202 tấn. Dự báo đến năm 2025, dân số tỉnh này tăng trên 713.000 người, khi đó khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát thải là 285 tấn/ngày. Nếu tỷ lệ thu gom rác thải tại đô thị đạt trên 96% thì tại khu vực nông thôn, tỷ lệ này chỉ đạt khoảng 30% (tương đương 60,6 tấn/ngày).

Mặc dù lượng rác thải lớn, song trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hiện chỉ có 11 đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn, chất thải sinh hoạt khu vực nông thôn. Do thiếu phương tiện, thời gian thu gom không đồng nhất nên tình trạng chất thải rắn, chất thải sinh hoạt vẫn tồn đọng trong khu dân cư. Minh chứng là hầu hết ở các thôn phải từ 2-3 ngày, thậm chí có nơi 5 ngày mới thu gom một lần, dẫn đến ô nhiễm môi trường...

Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng chất thải sinh hoạt nông thôn trong cả nước chiếm khoảng 32.000 tấn/ngày, trong khi tỷ lệ thu gom còn thấp. Đến nay đã có khoảng 50% các xã trong toàn quốc thành lập tổ thu gom chất thải sinh hoạt. Tuy nhiên, việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt một số ít do công ty dịch vụ môi trường thực hiện, còn lại phần lớn là do các hợp tác xã, tổ, đội tự quản thu gom đảm nhiệm với chi phí thu gom thỏa thuận với người dân, song mức thu rất thấp.

['Mớ bòng bong đấu thầu tập trung': Hà Nôi nguy cơ "thất thủ" vì rác thải]

Với số tiền trên, kinh phí chi trả cho công tác thu gom chất thải mới chỉ đáp ứng được một phần, không đủ để chi trả cũng như duy trì cho hoạt động vận chuyển.

Ngay cả thành phố Hà Nội, công tác thu gom rác thải nông thôn ở các huyện ngoại thành cũng có rất nhiều bất cập, mà căn nguyên sâu xa nhất là từ chính sách đấu thầu, được những người làm môi trường gọi nôm na là “ma trận đấu thầu rác thải!”

Chia sẻ với phóng viên VietnamPlus, một số người dân ở huyện Đông Anh cho rằng từ năm 2017 đến năm 2020, họ vẫn đóng tiền dịch vụ thu gom rác theo quy định, chủ trương “làm sạch đường làng, ngõ xóm, đảm bảo vệ sinh môi trường,” thế nhưng hàng ngày vẫn phải tự mang rác đi đổ và vẫn phải ngửi mùi ô nhiễm.

Bộ trưởng TN-MT: ''Mỗi gia đình cần phải quản lý rác thải của mình'' ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trong khi đó, về phía doanh nghiệp, do mức giá dịch vụ “thu không đủ bù chi” - mức 3.000 đồng/nhân khẩu/tháng đối với các huyện ngoại thành, nên doanh nghiệp thu gom chỉ có thể làm theo diện tích km kê khai, đăng ký trong bài thầu; thậm chí một số doanh nghiệp xã hội hóa rơi vào cảnh “ôm” nợ, phải bỏ cuộc khiến nhiều nơi quá tải rác.

Gắn trách nhiệm, coi rác là tài nguyên

Không chỉ khó khăn trong công tác thu gom rác, việc xử lý rác ở nông thôn cho đến nay vẫn còn bất cập, thậm chí nhiều nơi quá tải do quý đất chôn lấp hạn chế…

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay 75% lượng chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được xử lý bằng công nghệ chôn lấp, 16% được xử lý tại các nhà máy chế biến sản xuất phân compost và 13% được xử lý bằng phương pháp đốt. Thế nhưng, các công nghệ xử lý chất thải tại các vùng nông thôn đều đang bộc lộ hạn chế và chưa giải quyết được triệt để vấn đề xử lý chất thải rắn tại địa phương.

Đáng nói, tại một số vùng nông thôn, còn tồn tại những lò đốt cỡ nhỏ cấp xã, không đáp ứng yêu cầu tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia Quy chuẩn Việt Nam về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, công suất còn nhỏ hơn 300kg/giờ. Bên cạnh đó, có một số lò đốt mặc dù đáp ứng theo Quy chuẩn Việt Nam nhưng khi áp dụng thì trình độ vận hành của các công nhân không đảm bảo yêu cầu tuân thủ về kỹ thuật...

Trong khi đó, theo cảnh báo của Tổng cục Môi trường, tại nhiều địa phương, chất thải rắn sinh hoạt vẫn bị đổ bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường, cảnh quan. Đặc biệt, tại nhiều thôn, xã chưa có quy hoạch xây dựng các bãi chôn lấp chất thải tập trung, chưa có quy định chỗ tập kết rác thải, nhiều bãi chôn lấp chất thải ở nông thôn vẫn hình thành tự phát, thậm chí có nguy cơ trở thành những điểm ô nhiễm tồn lưu.

Vì thế, Tổng cục Môi trường khuyến nghị các địa phương cần rà soát lại các điểm lưu giữ chất thải sinh hoạt nông thôn; khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể, lộ trình phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương để chấm dứt việc sử dụng các lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, các bãi chôn lấp không đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường hiện nay; tiến tới áp dụng các công nghệ tốt, hiện đại, thân thiện với môi trường.

Góp thêm giải pháp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng mặc dù Chương trình nông thôn mới - mục tiêu đặt ra đã đi trước được một số năm, tuy nhiên nếu đánh giá về góc độ môi trường thì đây là chương trình mang tính tích hợp. Vì vậy, trong quá trình triển khai, Ban chỉ đạo cũng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phải tiếp tục xây dựng, nâng cao hơn các tiêu chí môi trường đối với nông thôn, tiếp cận đúng với cách thức quản lý về môi trường.

“Ví dụ bây giờ nói tới vấn đề quá tải lượng rác thải và năng lực xử lý rác thải, trong Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, chúng tôi đã đặc biệt lưu ý để chế định những quy định này. Chúng tôi xác định rác thải, chất thải nông thôn thì cần phải coi là một dạng tài nguyên chứ không phải chỉ chôn lấp. Vì thế cần tiến tới mục tiêu cao hơn trước là thu gom và xử lý chứ không phải thải bỏ,” ông Hà nhấn mạnh.

Vấn đề thứ hai được ông Hà nhắc tới là từ thay đổi “coi rác là tài nguyên,” dần dần cũng nên gắn trách nhiệm mỗi hộ gia đình, mỗi cá nhân cần phải quản lý rã thải của mình. Như vậy, việc phân loại là yêu cầu bắt buộc, là một tiêu chí đánh giá.

Đối với từng loại rác khác nhau, theo ông Hà, hiện nay đang phân thành 3 loại rác. Đó là rác hữu cơ, chất thải rắn và rác có thể tái xử dụng.

“Theo đánh giá, ở nông thôn cơ bản 70% rác thải là hữu cơ - đây cũng là nguồn có thể làm phân bón hết sức quan trọng để bổ sung chất hưu cư cho đất. Vấn đề hiện nay chỉ còn là đầu tư công nghệ và nâng cao ý thức của người dân,” ông Hà nói và nhấn mạnh rằng nếu làm làm tốt việc “coi rác là tài nguyên” chắc chắn sẽ giảm ô nhiễm.

Đối với rác thải nguy hại không sử dụng được, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có những quy định để người dân có trách nhiệm thu gom và Nhà nước phải có trách nhiệm đưa chất thải đó đến những nơi đủ điều kiện để xử lý.

“Với những sản phẩm phụ sau khi thu hoạch, chúng ta càng phải xem đó là tài nguyên, chúng ta hoàn toàn có thể thu gom để lại làm nguyên liệu chăn nuôi, trồng nấm… Do đó đòi hỏi sự tham gia của Nhà nước cần cung cấp những hiểu biết về công nghệ, tri thức, đặc biệt là làm sao để người dân - họ là chủ thể, họ nhận thức được cái gì có lợi, cái gì có hại cho chính họ thì sẽ không làm,” ông Hà chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục