Ngày 27/6, Bộ Y tế thông tin, Bộ trưởng Bộ Y tế vừa ký ban hành Chỉ thị về tăng cường chăm sóc sức khỏe trẻ em nhằm giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi.
Trong Chỉ thị, Bộ Y tế nêu rõ năm 2022 và 2023 tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi đều đạt vượt mức Chính phủ giao, tuy nhiên, tình trạng sức khỏe và tử vong ở trẻ sơ sinh, dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi tại vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cao gấp 2-3 lần so với các vùng thành thị, đồng bằng (theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2022).
Tốc độ giảm tử vong trẻ em trên toàn quốc có xu hướng chậm lại, trong 5 năm qua trung bình mỗi năm chỉ giảm được 0,22‰.
Anh: Bệnh ho gà bùng phát mạnh làm nhiều trẻ sơ sinh tử vong
Từ tháng 1-3/2024 nước Anh đã ghi nhận 2.793 trường hợp mắc ho gà, tăng gần 3,3 lần so với 858 trường hợp trong cả năm 2023, đáng chú ý đã có 5 trẻ sơ sinh tử vong do mắc bệnh này.
Theo Bộ Y tế, tử vong trẻ em dưới 5 tuổi của Việt Nam (18,9‰) cao gấp 2,4 lần Thái Lan (8‰- nguồn UNICEF), mặt khác, việc thực hiện các can thiệp chuyên môn nhằm giảm tử vong trẻ sơ sinh tại các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện có chiều hướng giảm.
Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu giám đốc Sở Y tế tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố ban hành Chỉ thị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố về tăng cường chăm sóc sức khỏe trẻ em nhằm giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi tập trung vào các nội dung như tăng cường bố trí ngân sách địa phương, kết hợp với hỗ trợ của Trung ương, lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn hợp pháp khác để tập trung thực hiện các giải pháp can thiệp, các chỉ tiêu giảm tử vong trẻ em tại Quyết định 1493 của Thủ tướng.
Đặc biệt, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có chuyên ngành sản, nhi củng cố, nâng cao năng lực xử trí cấp cứu và hồi sức sơ sinh; thực hiện rộng rãi các can thiệp chuyên môn về chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ thường/mổ đẻ, chăm sóc trẻ bằng phương pháp Kangaroo theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế; Tăng cường triển khai khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em, trong đó có sử dụng rộng rãi, hiệu quả sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em phiên bản giấy và phiên bản điện tử- là công cụ theo dõi liên tục và quản lý sức khỏe trẻ em.
Bộ Y tế cũng nhắc các địa phương tăng cường triển khai tiêm chủng các vaccine cho các đối tượng thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng đảm bảo đạt tỷ lệ, an toàn, hiệu quả; Chỉ đạo chính quyền các cấp, các Sở, ban, ngành liên quan đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp giảm Tử vong trẻ em do dịch bệnh, đuối nước, tai nạn thương tích, tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm, thiên tai...
Các tỉnh cần tăng cường công tác truyền thông, đa dạng các hình thức và phương tiện truyền thông phù hợp, hiệu quả tại địa phương về chăm sóc sức khỏe trẻ em; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, kết nối các nền tảng cơ sở dữ liệu về sức khỏe để quản lý sức khỏe trẻ em.
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố cần tăng cường giám sát các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập, ngoài công lập trên địa bàn trong việc thực hiện các giải pháp, các can thiệp chuyên môn về chăm sóc, cấp cứu sơ sinh, chăm sóc sức khỏe trẻ em.
Đối với các cơ sở khám chữa bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu thiết lập, vận hành hệ thống "Báo động đỏ" nội viện và liên viện về sản khoa và nhi khoa trong xử trí cấp cứu, hồi sức sơ sinh, trẻ em tại bệnh viện và cấp cứu ngoại viện theo hướng nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả.
Các cơ sở khám chữa bệnh chú trọng cấp cứu ngạt sơ sinh, hồi sức sơ sinh tại phòng sinh; nếu tiên lượng vượt quá khả năng chuyên môn, cần chuyển tuyến phù hợp, kịp thời. Trong trường hợp đang xử trí cấp cứu nếu chuyển tuyến không đảm bảo an toàn có thể hội chẩn trực tuyến với tuyến trên để được hỗ trợ…/.