Bốn nhân tố châm ngòi cho các vụ đánh bom ở Thái Lan

Các vụ đánh bom ở Yala bắt nguồn từ bốn nguyên nhân, gồm cả việc thách thức Tư lệnh quân khu 4 mới bổ nhiệm Walit Rojanapakdee.
Bốn nhân tố châm ngòi cho các vụ đánh bom ở Thái Lan ảnh 1Hiện trường một vụ đánh bom ở Thái Lan. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Báo The Nation ngày 8/4 dẫn lời một quan chức thuộc cơ quan an ninh quốc gia Thái Lan cho biết, các vụ đánh bom ở Yala trong hai ngày qua có thể bắt nguồn từ 4 nguyên nhân, bao gồm cả việc thách thức Tư lệnh quân khu 4 mới bổ nhiệm Walit Rojanapakdee.

Vụ đánh bom liên hoàn chiều Chủ nhật (6/4) tại quận Muang, trung tâm tỉnh Yala, làm 1 người chết và 14 người khác bị thương, xảy ra chỉ vài giờ sau khi Đại tướng Walit tới thăm Cộng đồng phật tử Khuhamuk cũng thuộc quận này.

Đây là chuyến công vụ đầu tiên của ông Walit, với tư cách người đứng đầu lực lượng quân đội phụ trách khu vực miền Nam.

Một trong chuỗi các vụ tấn công nói trên là vụ đánh bom xe cạnh cửa hàng nội thất Raja đường Sirorote. Phương thức tấn công này đã không xuất hiện ở quận trung tâm tỉnh Yala trong 2 năm qua, khi quân đội thiết lập “vùng an toàn” giữa đường Ruammit và Jongrak ngày 31/3/2012.

Hiện trường vụ nổ chỉ cách Trung tâm chỉ huy an ninh nội địa vùng 4, huyện Yarang vài kilômét.

Bên cạnh việc thách thức lực lượng an ninh, các cuộc tấn công còn thể hiện phản ứng của phiến quân trước các hoạt động tăng cường an ninh của cơ quan chức năng trong tháng 3.

Đối với phiến quân, tháng 3 đã trở thành biểu tượng với nhiều lễ kỷ niệm, như ngày thành lập tổ chức Mặt trận cách mạng dân tộc (BRN) 13/3, hay kỷ niệm 2 năm vụ đánh bom xe ở Hat Yai và Yala ngày 31/3.

Nhân tố thứ ba là các biện pháp an ninh đã bị lơi lỏng hơn trước. Lực lượng chức năng đã quá mệt mỏi sau một tháng siết chặt an ninh, chưa kể một số bị điều động lên Bangkok vì biểu tình. Tình báo hoạt động không hiệu quả, đánh bom vẫn xảy ra dù đã có cảnh báo về các vụ nổ trước tết Songkran ở Yala.

Thứ tư, các vụ đánh bom có thể nhằm mục đích gây hoang mang cho quần chúng, khiến họ tin rằng phiến quân Hồi giáo có thể gây ra các vụ tấn công bạo lực ở bất cứ đâu và vào bất cứ lúc nào.

Một nguồn tin an ninh khác nhận định, các vụ nổ ở các khu vực thương mại và các vụ tấn công vào dân thường ở Yala còn cho thấy lực lượng phiến quân đã quay lưng hoàn toàn với chính phủ.

Điều này có thể liên quan tới tuyên bố của BRN đăng trên Youtube tháng 12/2013, rằng họ sẽ không tham gia đàm phán hòa bình với chính phủ Thái Lan nữa.

[Phe "Áo đỏ" dọa phát động chiến dịch biểu tình mới]

Trong năm 2013, khi quá trình đàm phán được tiến hành, các vụ tấn công chủ yếu nhằm vào lực lượng an ninh và công chức nhà nước, số vụ tấn công vào mục tiêu dân sự giảm đáng kể./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục