Các hãng sản xuất ôtô Nhật Bản vật lộn tại thị trường Hàn Quốc

Các hãng xe Nhật Bản đang gặp vô vàn khó khăn tại thị trường Hàn Quốc khi tâm lý bài hàng Nhật của người Hàn vẫn chưa chấm dứt, cùng với đó là những tác động từ dịch bệnh COVID-19.
Các hãng sản xuất ôtô Nhật Bản vật lộn tại thị trường Hàn Quốc ảnh 1Nissan đã phải "tháo chạy" khỏi thị trường Hàn Quốc do kinh doanh bết bát. (Ảnh: Reuters)

Nhiều nguồn thạo tin ngày 28/6 cho biết các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản đang phải chịu một cuộc khủng hoảng kéo dài ở Hàn Quốc, khi căng thẳng thương mại giữa hai nước láng giềng vẫn còn âm ỉ trong khi dịch COVID-19 chưa hoàn toàn được kiểm soát.

Báo cáo kiểm toán của Honda cho thấy lợi nhuận hoạt động của tập đoàn này tại Hàn Quốc đã giảm mạnh xuống còn 1,98 tỷ won (1,64 triệu USD) trong khoảng thời gian từ tháng 4/2019-3/2020. Con số trên “lao dốc” từ mức 19,6 tỷ won (16,2 triệu USD) ghi nhận cùng kỳ năm trước.

Doanh thu của Honda cũng giảm 23% xuống còn 363 tỷ won (303,1 triệu USD) vào cùng giai đoạn. Doanh số bán xe của Honda tại Hàn Quốc cũng giảm 73% xuống còn 1.323 chiếc trong giai đoạn từ tháng 1-5/2020 so với cùng kỳ một năm trước đó.

Trong khi đó, Nissan đã quyết định rút khỏi Hàn Quốc sau 16 năm hoạt động, trong bối cảnh doanh số bán sụt giảm mạnh mẽ do tâm lý bài hàng Nhật của người Hàn Quốc chưa chấm dứt, đi cùng với những tác động của dịch COVID-19. Theo các số liệu, Nissan và thương hiệu cao cấp Infiniti đã ghi nhận doanh số bán lần lượt giảm 38% và 71% xuống còn 1.041 và 222 chiếc trong năm tháng đầu năm 2020.

Một nhà sản xuất Nhật Bản khác là Toyota và thương hiệu xe hạng sang Lexus cũng ghi nhận tình hình hoạt động ảm đạm giảm kéo dài, với doanh số bán xe giảm lần lượt 57% và 64% trong giai đoạn trên.

Căng thẳng giữa Hàn Quốc và Nhật Bản "nóng lên" từ hồi tháng 7/2019, Nhật Bản đã thắt chặt quy định về xuất khẩu các vật liệu công nghệ quan trọng cho việc sản xuất chất bán dẫn và màn hình sang Hàn Quốc. Khoảng một tháng sau, Nhật Bản cũng đã loại Hàn Quốc khỏi danh sách những quốc gia được ưu đãi trong các thủ tục thương mại.

Hàn Quốc coi các động thái này là sự trả đũa đối của Tokyo với các phán quyết của Tòa án Tối cao nước này hồi năm 2018. Khi đó, Tòa án Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho các nạn nhân nước này bị ép buộc lao động trong thời chiến./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục