Các nhà máy thủy điện ở Thừa Thiên-Huế chủ động xả lũ

Chiều 25/7, tại Thừa Thiên​-Huế có mưa vừa đến rất to, một số tuyến đường ở thành phố Huế như Tố Hữu, Hùng Vương, Lê Hồng Phong, Phan Chu Chu Trinh, Bến Nghé... bị ngập từ 0,2-0,4m.
Các nhà máy thủy điện ở Thừa Thiên-Huế chủ động xả lũ ảnh 1Ngập lụt trên tuyến đường Bến Nghé, thành phố Huế. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Chiều 25/7, tại Thừa Thiên​-Huế có mưa vừa đến rất to, một số tuyến đường ở thành phố Huế như Tố Hữu, Hùng Vương, Lê Hồng Phong, Phan Chu Chu Trinh, Bến Nghé... bị ngập từ 0,2-0,4m.

Đáng chú ý, mực nước các hồ chứa thủy lợi Tả Trạch, hồ thủy điện Bình Điền, Hương Điền, A Lưới tuy đang ở ngưỡng cho phép nhưng đề phòng mưa lũ kéo dài các nhà máy thủy điện chủ động xả lũ với lưu lượng từ 62m3/s đến 74m3/s.

Cùng với việc kêu gọi tất cả tàu thuyền vào bờ trú ẩn an toàn, các địa phương trong tỉnh còn sắp xếp cho phương tiện của các địa phương khác neo đậu tại cửa Thuận An.

Tại thành phố Huế, lực lượng thi công dự án cải thiện môi trường nước thành phố tăng cường biển cảnh báo tại 23 điểm thi công dở dang để đảm bảo an toàn giao thông vào ban đêm.

Đường Bùi Thị Xuân trên tổng chiều dài khoảng 500m, có 3 điểm thi công của dự án cải thiện môi trường nước chưa kịp hoàn trả mặt bằng.

[Bão số 4 đổ bộ vào đất liền các tỉnh Hà Tĩnh-Quảng Trị, gió giật mạnh]

Mặt đường đang thi công, bị rào chắn vốn đã hẹp, cộng với nước ngập đã làm cho các phương tiện đang lưu thông ra giữa đường, chen chúc nhau. Nhiều phương tiện xe môtô bị chết máy, phải dắt bộ.

Người dân chật vật qua lại các đoạn đường thi công dở dang do các phương tiện không phân biệt được đâu là đường và hố sâu. Một số vị trí như tại ngã 3 đường Đội Cung-Lê Lợi việc thi công che chắn gần hết 1/2 chiều ngang đường nên vào giờ cao điểm đường bị tắc nghẽn.

Đoạn cầu tạm trước đường Dương Văn An bị ngập sâu, người dân ở hai bên đường không dám ra ngoài...

Tỉnh Thừa Thiên-Huế chuẩn bị phương án di dời 29.350 hộ tại các điểm xung yếu ven biển và miền núi thuộc các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Phong Điền, Quảng Điền, A Lưới và Nam Đông; đồng thời, chỉ đạo các địa phương ứng trực 24/24 đề phòng các hiện tượng bất thường vào ban đêm.

Các công trình đang thi công trong mùa mưa bão, khi có bão phải ngừng thi công, đơn vị thi công có phương án chằng chống đảm bảo an toàn.

Ngoài kiểm tra an toàn hồ đập ở những hồ có dung tích lớn, cơ quan chức năng của tỉnh khẩn trương kiểm tra các trụ điện cao thế, hệ thống ăngten, các trạm BTS viễn thông, các biển quảng cáo, cây xanh có thể ảnh hưởng hạ tầng đô thị; thường xuyên cập nhật tình hình và cảnh báo theo từng loại hình thiên tai cho các ngành, địa phương và nhân dân để chủ động các phương án phòng ngừa, ứng cứu, tìm kiếm kịp thời.

Thời gian này, hơn 25.570 ha lúa hè thu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế bắt đầu trổ bông đại trà nên mưa bão sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Nhiều diện tích nuôi cá lồng trên sông Bồ và đầm phá Tam Giang-Cầu Hai được di chuyển vào nơi tránh trú nhưng việc thay đổi môi trường nuôi, nhất là môi trường đầm phá bị ngọt hóa cũng là điều bất lợi bởi cá nuôi lồng dễ bị chết.​

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 4, tỉnh Quảng Trị đang tập trung triển khai nhiều phương án để ứng phó, nhằm giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất khi bão đổ bộ vào đất liền.

Theo báo cáo của các địa phương, đơn vị, tính đến 15 giờ ngày 25/7, các huyện ven biển Quảng Trị như: Gio Linh, Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, huyện đảo Cồn Cỏ và thành phố Đông Hà trong tỉnh Quảng Trị đã sơ tán 1.296 hộ với 3.983 người đến nơi an toàn để tránh bão.

Tỉnh đã hoàn tất công tác kêu gọi 2.290 tàu thuyền của tỉnh với 6.825 người và 59 tàu ngoại tỉnh với 402 người vào trú tránh an toàn ở các vị trí neo đậu, trú ẩn trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn 11 tàu của tỉnh với 140 người vào neo đậu, tránh trú ở các tỉnh khác; hướng dẫn 4 tàu còn lại của tỉnh với 32 người di chuyển tránh xa khu vực ảnh hưởng của bão và đang hoạt động ở khu vực biển Đà Nẵng.

Tất cả tàu thuyền của tỉnh đều đảm bảo an toàn về người. Hiện nay, tàu QT 98888 TS với 11 người bị hỏng bánh lái trên biển, thả trôi tự do ở vùng biển cách cửa biển Đà Nẵng 135 hải lý về phía Đông; tàu QB 91045 TS đã đến tiếp cận để lai dắt tàu.

Ngoài ra, hai tàu vỏ sắt cách tàu bị nạn 20 hải lý đang chạy đến hỗ trợ. Vùng biển tàu bị nạn có gió Nam cấp 4, nằm ngoài vùng nguy hiểm và ảnh hưởng của bão số 4.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã ban hành Công điện khẩn số 12/CĐ-UBND chỉ đạo quyết liệt công tác triển khai phòng, chống bão, trong đó chú trọng việc sắp xếp tàu thuyền đảm bảo an toàn tại các bến, không cho người ở lại trên tàu thuyền tại các nơi neo đậu, trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản; triển khai lực lượng chốt chặn không cho người qua lại ở các khu vực nguy hiểm như bến đò, vùng sạt lở đất, lũ quét, ngầm tràn mất an toàn.

Cùng với đó, các địa phương chủ động kiểm tra, rà soát các hồ chứa (đặc biệt là các hồ đập vừa và nhỏ, các hồ đập đã xảy ra sự cố, đang thi công); bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư để chủ động xử lý khi có sự cố, bảo đảm an toàn cho người và tài sản; chủ động vận hành các công trình tiêu thoát nước, xả lũ theo đúng quy trình, đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du; đình chỉ các cuộc họp không cần thiết để tập trung cho công tác chỉ huy, chỉ đạo phòng, chống bão số 4.

Các địa phương, đơn vị trong tỉnh triển khai quyết liệt các phương án phòng, chống bão, ngập lụt đã lập, huy động lực lượng, phương tiện ứng cứu, cắt tỉa cành cây, chằng chống nhà cửa và sơ tán dân...

Địa bàn Quảng Trị đang có mưa to đến rất to, lượng mưa đo được ở một số vùng trên 100mm, như Thạch Hãn 171mm, Cửa Việt 145mm, Đông Hà 126mm. Mực nước các sông đang dưới báo động 1./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục