Cách tiếp cận thận trọng của châu Á đối với biến thể Omicron

Phản ứng của các chính phủ ở châu Á-Thái Bình Dương đối với COVID-19 không đồng nhất. Việc duy trì các hạn chế trong đại dịch là thêm một lớp bảo vệ nhằm bù đắp tình trạng vaccine đạt hiệu quả thấp.
Cách tiếp cận thận trọng của châu Á đối với biến thể Omicron ảnh 1Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang eastasiaforum.org, giữa khu vực châu Á-Thái Bình Dương với các nước Bắc Mỹ và Tây Âu có sự khác biệt trong cách ứng phó với làn sóng Omicron của đại dịch COVID-19.

Nếu bạn đã đến thăm nước Mỹ, hẳn có thể bạn nghĩ rằng đại dịch COVID-19 đã kết thúc. Cuộc sống ở nhiều nơi trên khắp nước này dường như đã trở lại bình thường.

Trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 trên khắp nước Mỹ giảm và "làn sóng" biến thể Omicron đạt đỉnh, các bang như California và New Jersey đã dỡ bỏ một số quy định về khẩu trang. Anthony Fauci, Cố vấn y tế chính của Tổng thống Mỹ Joe Biden, nói rằng Mỹ đang nhanh chóng tiến tới giai đoạn COVID-19 trở thành một căn bệnh đặc hữu và nhiều hạn chế sẽ được dỡ bỏ.

Ngược lại, nhiều quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn duy trì hoặc thậm chí tăng cường các biện pháp hạn chế để phòng chống COVID-19. Hong Kong đã cấm hầu hết các hoạt động công cộng và các chuyến bay từ 8 quốc gia.

Trên khắp Nhật Bản, các quán bar và nhà hàng phục vụ rượu được yêu cầu đóng cửa sớm, và Nhật Bản thông báo sẽ tiếp tục cấm gần như tất cả các du khách nước ngoài cho đến cuối tháng 2/2022.

Các quan chức Trung Quốc đã đặt thành phố Tây An, với 13 triệu dân, vào tình trạng phong tỏa vào cuối tháng 12/2021 sau khi phát hiện hơn 2.000 trường hợp nhiễm bệnh ở một khu dân cư, và chính phủ cũng cấm khán giả quốc tế đến tham dự Thế vận hội mùa Đông ở Bắc Kinh.

[Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều nước châu Á]

Thay vì tìm kiếm một chính sách chung trên toàn cầu để đối phó với sự gia tăng của biến thể Omicron và năm thứ 3 của đại dịch COVID-19, các khu vực khác nhau trên thế giới lại thực hiện các cách tiếp cận hoàn toàn khác nhau.

Các chính phủ Bắc Mỹ và Tây Âu dường như đang quay trở lại các hoạt động “bình thường” (hoặc ít nhất cũng coi COVID-19 là bệnh thông thường), trong khi các chính phủ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn duy trì hoặc tái áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt trước đây để hạn chế sự lây lan của COVID-19 ở trong nước, chẳng hạn như hạn chế tập trung nơi công cộng, đưa ra thời gian cách ly bắt buộc và các hạn chế (nếu không muốn nói là cấm hoàn toàn) đối với người du lịch nước ngoài đến đất nước họ.

Sự khác biệt giữa các cách tiếp cận này xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau.
Không thể phân tích cách các chính phủ châu Á-Thái Bình Dương đang phản ứng với COVID-19 mà không nhìn lại kinh nghiệm xử lý trước đây của họ về các bệnh hô hấp do virus gây ra. Dịch SARS năm 2002 và 2003 đã tàn phá hàng loạt quốc gia châu Á.

Trung Quốc, Singapore, Việt Nam, Hàn Quốc và Thái Lan đều phải đối mặt với những hậu quả nặng nề từ sự bùng phát dịch bệnh này - hoặc do số ca mắc, hoặc do các ảnh hưởng tàn khốc về kinh tế. Hàn Quốc cũng từng trải qua đợt bùng phát Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) - một căn bệnh do virus Corona gây ra giống như SARS và COVID-19 - vào năm 2015, giúp chính phủ Hàn Quốc có kinh nghiệm trong việc ngăn chặn loại dịch bệnh này.

Kinh nghiệm này không những giúp các chính phủ nắm được cách phản ứng hiệu quả với COVID-19, mà còn có thể khiến người dân sẵn lòng tuân thủ các quy định hạn chế.

Khu vực này cũng đã gặt hái được thành công lớn trong việc ngăn chặn COVID-19. Đó là động lực mạnh mẽ để điều chỉnh các chính sách nhằm duy trì thành công đó. Ở một số nơi, các nhà lãnh đạo có thể coi sự tồn tại chính trị của họ phụ thuộc vào việc hạn chế sự lây lan của biến thể Omicron.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã giành được chức vụ cao nhất trong chính phủ sau khi người tiền nhiệm của ông là Yoshihide Suga bị mất tín nhiệm do những đánh giá tiêu cực về phản ứng của ông đối với đại dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, sự gia tăng của biến thể Omicron ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng xuất hiện muộn hơn so với ở Bắc Mỹ và Tây Âu. Điều này đã tạo cơ hội để các chính phủ ở khu vực này rút ra những bài học về cách ứng phó hiệu quả với biến thể Omicron.

Cuối năm 2021, chính phủ Nhật Bản cho rằng việc áp dụng lại các hạn chế để ngăn ngừa COVID-19 là rất quan trọng nhằm giảm thiểu các ca lây nhiễm.

Cuối cùng, có một số bằng chứng cho thấy vaccine Sinovac và Sinopharm - đã được sử dụng rộng rãi trong khu vực - không hiệu quả bằng các loại vaccine khác trong việc chống lại biến thể Omicron.

Hơn 30 quốc gia ở châu Á ban đầu đã mua vaccine của Sinovac và Sinopharm hoặc nhận chúng dưới dạng tài trợ như một phần trong "chính sách ngoại giao vaccine" của Trung Quốc.

Tuy nhiên, các quốc gia như Thái Lan, Indonesia và Malaysia đã ngừng sử dụng các loại vaccine do Trung Quốc sản xuất hoặc đã nhận các mũi tiêm tăng cường từ các nhà sản xuất khác do lo ngại về hiệu quả của vaccine Sinovac và Sinopharm.

Việc duy trì các hạn chế trong đại dịch COVID-19 là một cách để cung cấp thêm một lớp bảo vệ nhằm bù đắp cho tình trạng vaccine đạt hiệu quả thấp.
Phản ứng của các chính phủ ở châu Á-Thái Bình Dương đối với COVID-19 không đồng nhất.

Các kinh nghiệm khác nhau khiến các chính phủ áp dụng các biện pháp phòng ngừa khác nhau, theo đó, nhiều chính phủ sẵn sàng tăng cường các hạn chế để giảm thiểu số ca nhiễm COVID-19. Mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng sự khác biệt này là do văn hóa, nhưng nhìn chung, có khá nhiều yếu tố tiềm ẩn đằng sau đó./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục