''Cần đánh giá lại các công ty tài chính để hạn chế tín dụng đen''

Đại biểu Bùi Văn Phương cho rằng cần phải đưa ra hình thức để người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn tín dụng chính thức một cách tốt nhất nhằm tránh rơi vào đường cùng tìm đến tín dụng đen.
''Cần đánh giá lại các công ty tài chính để hạn chế tín dụng đen'' ảnh 1Đại biểu Bùi Văn Phương trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong ngày 4-5/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, phòng chống tham nhũng năm 2019.

Bên lề Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Bùi Văn Phương cho rằng công tác phòng chống tham nhũng và xử lý nạn tín dụng đen với tinh thần quyết tâm quyết liệt cao, không khoan nhượng, không có vùng cấm đã có tác động lan tỏa.

- Ông đánh giá thế nào về việc đấu tranh phòng chống tội phạm trong thời gian qua của các cơ quan chức năng?

Ông Bùi Văn Phương: Điều rất đáng mừng là việc đấu tranh phòng chống tội phạm trong thời gian qua đã có nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là phòng chống tội phạm trong lĩnh vực ma túy, tín dụng đen và tham nhũng. Ba vấn đề này theo tôi có những kết quả hết sức đáng mừng và cũng được người dân cũng ghi nhận.

Ví dụ như phòng chống tham nhũng với tinh thần quyết liệt, không khoan nhượng, không có vùng cấm cũng như kết quả xử lý trong thời gian qua có tác động lan tỏa rất mạnh.

[Trấn áp tội phạm, đẩy nhanh điều tra và xét xử án kinh tế, tham nhũng]

Có một thời gian dài công tác phòng chống tham nhũng bị lỏng lẻo, đó là do một bộ phận cán bộ đã đứng trên luật pháp. Sau khi các cơ quan chức năng xử lý một loạt vụ việc đã đưa ra bài học rằng trong một Nhà nước pháp quyền không ai được sống ngoài pháp luật. Đây là điều tác động rất lớn.

Trong lĩnh vực tín dụng đen, thời gian vừa qua các cơ quan tư pháp, công an đã bắt giữ rất nhiều vụ việc, đó là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt tội phạm lĩnh vực này “sa lưới.”

Hiện các ngân hàng cho vay từ 8-12% mà các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong khi tín dụng đen lại cho vay với mức lãi suất rất cao khiến việc kinh doanh không có hiệu quả. Theo tôi đây là kẽ hở lớn.

- Vậy theo ông, giải pháp nào để hạn chế tín dụng đen đang hoành hành?

Ông Bùi Văn Phương: Tôi kiến nghị Nhà nước phải xem xét lại việc cho ra đời hàng loạt công ty tài chính, mặc dù điều kiện kinh doanh của các công ty này là kinh doanh có điều kiện nhưng họ vẫn ngang nhiên dán tờ rơi khắp nơi một cách công khai.

Cũng có người cho rằng xử lý những doanh nghiệp này rất khó vì họ không để lại hồ sơ nhưng theo tôi cơ quan chức năng vẫn nên đi thị sát và với vai trò là người đi vay sẽ biết những công ty này cho vay lãi suất bao nhiêu và bằng những mánh khóe nào. Tôi cho rằng phải tập trung làm mạnh mẽ vấn đề này thì mới giải quyết được triệt để.

- Ông đánh giá thế nào về mô hình các công ty cho vay tiêu dùng hiện nay?

Ông Bùi Văn Phương: Hiện nay các công ty cho vay tiêu dùng đang nở rộ mà không thể quản lý được. Theo tôi, Chính phủ nên đánh giá lại mô hình này, đặc biệt là công ty cho vay hỗ trợ tiêu dùng, công ty cho vay hỗ trợ học sinh sinh viên, cho vay cầm đồ… mà bản chất đằng sau là cho vay nặng lãi.

Tôi cũng đề nghị Chính phủ đánh giá lại hiệu quả của mô hình kinh doanh này có thực sự tác động đến phát triển kinh tế xã hội, có đem lại việc làm cho người lao động, có tác động đến tăng trưởng kinh tế hoặc có đóng góp cho ngân sách Nhà nước hay không hay lại là nơi dung dưỡng để cho các hình thức tội phạm ẩn nấp.

Nếu các công ty này không thực sự đem lại hiệu quả về kinh tế, xã hội thì Nhà nước cần phải siết chặt, cần phải đánh giá lại giữa cái được và cái mất để có thể đưa ra một kết luận chính xác.

Mặt nữa, tôi cũng kiến nghị, cần phải đưa ra các hình thức để người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn tín dụng chính thức một cách tốt nhất nhằm tránh rơi vào đường cùng tìm đến tín dụng đen.

- Thưa ông, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Agribank xây dựng đề án với nguồn vốn 5.000 tỷ đồng, trong đó có hỗ trợ cho vay tín chấp gấp đôi với bình thường. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại việc giải ngân vẫn còn hạn chế, theo ông đây có phải là giải pháp tốt hay không?

Ông Bùi Văn Phương: Tôi cho rằng, đề xuất của Ngân hàng Nhà nước nâng mức tín dụng cho vay tín chấp đối với người dân là hình thức rất phù hợp trong điều kiện hiện nay.

Tuy nhiên, cần phải đánh giá kỹ lại xem các đối tượng này có đúng là những người cần vay để phát triển kinh tế, hỗ trợ học tập hay không hay đây là những thành phần sẽ trở thành mầm mống cho tội phạm? Bởi vì chính hiện tượng trộm cắp, cướp giật cũng từ đây mà ra.

Hiện có một số thanh niên ham chơi, không chịu lao động, chỉ cần nghĩ đến chuyện vay tiền một cách dễ dãi, khi có tiền lại sa đà vào cờ bạc. Vì vậy các ngân hàng nên kiểm soát chặt chẽ vấn đề này để nguồn tín dụng được đến đúng người, đúng việc.

- Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục