Cảnh báo các nước Đông Nam Á về việc thải rác nhựa ra biển

Giới chuyên gia cảnh báo Đông Nam Á là khu vực có những quốc gia thải rác nhựa ra biển nhiều nhất, mục tiêu các nước này đặt ra nhằm bảo vệ môi trường vẫn chưa đủ.
Cảnh báo các nước Đông Nam Á về việc thải rác nhựa ra biển ảnh 1Rác thải phủ đầy mặt sông Pasig ở Manila, Philippines ngày 3/6 vừa qua. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Nhân Ngày Môi trường thế giới (5/6), giới chuyên gia cảnh báo Đông Nam Á là khu vực có những quốc gia thải rác nhựa ra biển nhiều nhất, ngoài ra những mục tiêu mà chính phủ các nước khu vực này đặt ra nhằm bảo vệ môi trường vẫn chưa đủ.

Theo số liệu của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, mỗi năm khoảng 8 triệu tấn rác nhựa thải ra đại dương, đe dọa sự sống của các sinh vật biển thậm chí còn đi vào chuỗi thực phẩm của con người.

Báo cáo năm 2015 của Tổ chức Bảo vệ Đại dương và Trung tâm McKinsey về Doanh nghiệp và Môi trường cho biết 5 quốc gia châu Á - bao gồm Trung Quốc và một số số nước Đông Nam Á, đã thải ra tới 60% rác nhựa trên biển.

Theo báo cáo, tại những quốc gia này đang bùng nổ nhu cầu về các sản phẩm tiêu dùng song thiếu cơ sở hạ tầng xử lý rác thải để đối phó với sự gia tăng của các loại túi đựng làm từ nhựa.

Theo các chuyên gia, các nước trong khu vực Đông Nam Á đã có nhận thức về mức độ tác hại của rác thải nhựa và có những bước đi nhằm giảm lượng rác nhựa thải ra môi trường nhưng vẫn chưa đủ mạnh mẽ.

Từ khi năm quyền năm 2014, Chính phủ Thái Lan đã đưa xử lý rác thải trở thành ưu tiên của chương trình nghị sự với các chính sách giảm sử dụng túi nilon, chai lọ nhựa tại các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp, đưa ra lệnh cấm đồ nhựa tại các điểm du lịch.

[Philippines nỗ lực làm sạch con kênh bị ô nhiễm rác thải nhựa ở Manila]

Với mục tiêu tái chế 60% rác thải nhựa vào năm 2021, chính phủ nước này cũng xem xét đánh thuế đối với túi nhựa.

Các quốc gia còn lại cũng đưa ra những mục tiêu tham vọng về giảm rác thải nhựa. Chính phủ Indonesia đã cam kết dành 1 tỷ USD mỗi năm để giảm 70% lượng rác thải nhựa trên biển trước năm 2025.

Tại Philippines, dù vẫn chưa có lệnh cấm sử dụng túi nilong trên toàn quốc song chính quyền một số địa phương đã bắt đầu kiểm soát việc sử dụng túi nhựa.

Một số trung tâm thương mại cũng đã thay thế túi nilon bằng túi giấy, đồng thời khuyến khích khách hàng sử dụng các loại túi có thể tái sử dụng.

Ở Malaysia, các quan chức chính phủ cho biết sẽ sớm đề xuất lệnh cấm sử dụng túi nhựa.

Nhà hoạt động vì đại dương của tổ chức Greenpeace ở Đông Nam Á, Anchalee Pipattanawattanakul kêu gọi khu vực này cần chiến lược chung về vấn đề rác thải nhựa.

Theo bà, cho dù ASEAN đã nhận thức về vấn đề này, nhưng chưa có kế hoạch hành động mạnh mẽ nhằm giảm việc sử dụng nhựa.

Giám đốc phụ trách các sáng kiến quốc tế của Tổ chức Bảo vệ Đại dương Susan Ruffo cho rằng đây không chỉ là trách nhiệm của chính phủ, mà các doanh nghiệp, tổ chức xã hội dân sự và công dân đều có trách nhiệm giải quyết vấn đề rác thải nhựa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục