Chỉ rõ những bất cập của Kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia năm 2018

Việc giao cho địa phương thực hiện từ khâu tổ chức thi đến chấm thi là chưa phù hợp, là kẽ hở phát sinh tiêu cực; chất lượng đề thi còn nhiều bất cập...
Chỉ rõ những bất cập của Kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia năm 2018 ảnh 1Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ giải trình làm rõ vấn đề đại biểu nêu tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Việc giao cho địa phương thực hiện từ khâu tổ chức thi đến chấm thi là chưa phù hợp, là kẽ hở phát sinh tiêu cực; chất lượng đề thi còn nhiều bất cập...

Đây là những hạn chế được chỉ rõ trong Báo cáo kết quả khảo sát về Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2018 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vừa được đưa ra tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Giao cho địa phương các khâu tổ chức thi là chưa phù hợp

Theo Báo cáo, tại Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động xây dựng quy chế, ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức tập huấn và chuẩn bị phần mềm phục vụ cho kỳ thi. Các bộ, ngành đã phối hợp và lập kế hoạch cụ thể để triển khai trong toàn hệ thống.

Tuy nhiên, kết quả giám sát cho thấy trong công tác chỉ đạo, triển khai tổ chức thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn một số hạn chế. Cụ thể, trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, dù đã có quy chế, tuy nhiên trong công tác chỉ đạo, quản lý tổ chức thi chưa gắn kết mật thiết với chính quyền của địa phương; nhất là trong công tác kiểm tra, giám sát ở từng khâu của các quy trình tổ chức thi và chấm thi.

Bên cạnh đó, quy trình tổ chức thi được đánh giá là chặt chẽ, quy chế thi rõ ràng; nhưng khi kết quả thi Trung học Phổ thông được sử dụng để xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng thì việc giao cho địa phương thực hiện từ khâu tổ chức thi đến chấm thi là chưa phù hợp.

[Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải trình về một số vấn đề 'nóng']

Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo tại một số địa phương, đã không bám sát quy chế, trong tham mưu và tổ chức thi, chưa chủ động xây dựng hoặc đề xuất giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn tình trạng tiêu cực, gian lận trong thi cử, có Sở vi phạm vào quy chế quản lý, tổ chức thi, chấm thi.

Đáng chú ý, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ thanh tra cắm chốt chưa nhận thức, thực hiện đúng vai trò, nhiệm vụ của mình, thậm chí vi phạm nghiêm trọng quy chế thi, để lại hậu quả nặng nề cho xã hội.

Chất lượng đề thi còn bất cập

Về đề thi, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đánh giá, đây là vấn đề đóng vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt với Kỳ thi Trung học Phổ thông ở quy mô toàn quốc và kết quả Kỳ thi phục vụ đồng thời hai mục tiêu là xét công nhận tốt nghiệp Trung học Phổ thông và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Việc xây dựng đề thi đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đặc biệt đầu tư; đề thi qua từng năm được Bộ bám sát lộ trình, mục tiêu, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông. Bộ cũng sớm công bố đề thi tham khảo, để có tính chất định hướng cho giáo viên, học sinh trong dạy học và ôn tập.

Phổ điểm chung năm 2018 cho thấy tính phân hóa rõ rệt, tạo thuận lợi cho xét tuyển đại học. Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương đã chú trọng công tác bảo mật đề thi và các tài liệu liên quan đến kỳ thi theo quy định đối với tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước. Theo đánh giá chung, các khâu tiếp nhận, bảo quản đề thi gốc, in sao đề thi và vận chuyển đề thi tới các điểm thi được nhiều địa phương giám sát chặt chẽ, cơ bản bảo đảm an toàn, bí mật.

Tuy nhiên, trên thực tế, cách thức xây dựng ngân hàng câu hỏi đề thi của Bộ chưa đảm bảo các tiêu chí về chuẩn hóa (quy trình triển khai thực tế chưa được thẩm định, giám sát và đánh giá độc lập về tính khách quan, khoa học khi đây là những yêu cầu với việc ra đề thi cấp quốc gia). Phần lớn ngân hàng câu hỏi dựa trên nguồn là mẫu đề thi của các trường Trung học Phổ thông trên cả nước, vì vậy, khó đáp ứng yêu cầu đặt ra vì đây chưa phải là ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa.

Mặt khác, hình thức thi trắc nghiệm khá mới ở một số môn, kinh nghiệm làm đề thi trắc nghiệm của đội ngũ giáo viên các trường chưa nhiều. Chất lượng đề thi ở một số môn còn bất cập: Mức độ khó, dễ của từng đề trong mỗi môn thi, độ chênh nhau quá lớn giữa năm sau với năm trước nên kết quả thi chưa phản ánh chính xác, công bằng về năng lực của một bộ phận học sinh. Điều đó cho thấy sự chuẩn hóa của ngân hàng đề thi chưa bảo đảm; quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chưa đủ minh bạch đối với xã hội.

Thêm vào đó, chất lượng đề thi trắc nghiệm khách quan ở một số môn thi chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Trong đề thi có nhiều câu hỏi không yêu cầu học sinh phải tư duy, suy luận hay sáng tạo mà chủ yếu đòi hỏi nhớ hoặc vận dụng ở cấp độ thấp.

Chỉ rõ những bất cập của Kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia năm 2018 ảnh 2Thí sinh chuẩn bị làm bài thi môn Toán tại điểm thi Trường Trung học Phổ thông Lê Quý Đôn (Đắk Lắk). (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Ngoài ra, yêu cầu sử dụng đồng thời kết quả kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia để xét tốt nghiệp Trung học Phổ thông và để xét tuyển sinh vào Cao đẳng, Đại học gây nhiều khó khăn cho việc xây dựng đề thi. Hai mục tiêu này đặt chung trong một đề thi tạo ra những bất cập rất khó khắc phục: phù hợp mục tiêu này thì quá khó hoặc quá dễ với mục tiêu kia. Kết quả đã thể hiện trong hai kỳ thi năm 2017 và 2018.

Rút kinh nghiệm trong quản lý, chỉ đạo tổ chức thi

Theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, từ thực tiễn ba năm triển khai, kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia đã và đang đặt ra nhiều vấn đề, cần được tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa và hoàn thiện. Theo đó, việc gộp hai kỳ thi (thi Trung học Phổ thông và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng) thành kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia là một chủ trương lớn, cần tổng kết, luật hóa để có căn cứ pháp lý rõ ràng (Luật Giáo dục hiện hành chỉ quy định về kỳ thi Trung học Phổ thông để xét tốt nghiệp Trung học Phổ thông).

Chủ trương tổ chức kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia với hai mục tiêu (2 trong 1) vẫn chưa được khẳng định, gây khó khăn cho khâu xây dựng đề thi chuẩn hoá, trực tiếp ảnh hưởng tới chất lượng kỳ thi. Đây là lý do dẫn tới đề thi năm quá dễ, năm quá khó, không thể hiện tính “chuẩn hóa” trong đánh giá chất lượng giáo dục Trung học Phổ thông mà mục tiêu kỳ thi đặt ra.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nhấn mạnh phương thức thi trắc nghiệm khách quan có nhiều ưu điểm nhưng vẫn có một số hạn chế nhất định (như khó đánh giá năng lực tư duy suy luận, khái quát và sáng tạo của học sinh); chứa đựng yếu tố may rủi (xác suất đúng 25% ở mỗi câu hỏi); cần nghiên cứu khi áp dụng với một số môn học, nhất là môn toán trong điều kiện khả năng biên soạn câu hỏi chưa đáp ứng chuẩn mực chung.

Đặc biệt, việc giao cho các Sở Giáo dục và Đào tạo tự tổ chức chấm thi chỉ phù hợp với yêu cầu công nhận kết quả tốt nghiệp Trung học Phổ thông, không phù hợp với việc tuyển sinh Cao đẳng, Đại học. Đây chính là kẽ hở để phát sinh tiêu cực, sai phạm nghiêm trọng tại các địa phương, ảnh hưởng tới chất lượng tuyển sinh của các trường Cao đẳng, Đại học.

Ngoài ra, theo quy chế, điểm xét tốt nghiệp gồm: cộng điểm trung bình thi Trung học Phổ thông quốc gia và điểm trung bình cả năm lớp 12, chia 2. Cách tính tạo ra nghịch lý: điểm thi Trung học Phổ thông quốc gia thấp, nhưng kết quả tốt nghiệp lại cao. Điều này đang được dư luận xã hội đặt câu hỏi: Điểm học bạ hay điểm thi Trung học Phổ thông sẽ phản ánh đúng chất lượng giáo dục phổ thông? Nếu điểm học bạ đóng vai trò quyết định kết quả xét tốt nghiệp thì có cần tổ chức kỳ thi Trung học Phổ thông? Nếu bỏ kỳ thi Trung học Phổ thông sẽ có ảnh hưởng tiêu cực nào tới hoạt động dạy và học?

Từ bất cập này, Ủy ban kiến nghị Quốc hội tăng cường giám sát tối cao, giám sát chuyên đề về chất lượng và hiệu quả quản lý nhà nước của Chính phủ, chính quyền địa phương trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; trong đó đặc biệt chú ý về việc tổ chức Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia.

Chính phủ chỉ đạo tổng kết, đánh giá một cách nghiêm túc về những thành công, những hạn chế của thi Trung học Phổ thông quốc gia; chuẩn bị tổ chức kỳ thi theo chương trình giáo dục phổ thông mới (dự kiến bắt đầu từ năm 2024).

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiêm túc xem xét lại vai trò, trách nhiệm của Bộ, chính quyền địa phương trong các khâu coi thi và chấm thi; trách nhiệm của lãnh đạo một số Hội đồng thi; trách nhiệm của các cán bộ, giảng viên của các trường Đại học, Cao đẳng trong việc phối hợp tổ chức thi tại địa phương, nhất là trách nhiệm của bộ phận làm công tác thanh tra, giám sát. Cùng với việc xem xét trách nhiệm của thanh tra, cần rà soát công tác tập huấn thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo; từ đó rút kinh nghiệm trong quản lý, chỉ đạo tổ chức thi trong các năm tiếp theo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục