Ngày 3/11, Ngân hàng HSBC Việt Nam và Công ty Markit Economics công bố Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã giảm từ mức 51,7 điểm trong tháng Chín xuống còn 51 điểm trong tháng Mười nhưng vẫn báo hiệu có sự cải thiện chung về điều kiện hoạt động trong lĩnh vực sản xuất. Các điều kiện kinh doanh đã cải thiện hơn trong suốt 14 tháng qua.
Điều kiện kinh doanh của ngành sản xuất tại Việt Nam cải thiện trong tháng Mười nhờ sản lượng và đơn đặt hàng mới tăng. Các nhà sản xuất ở Việt Nam có số lượng đơn đặt hàng mới tăng tháng thứ hai liên tiếp nhờ kim ngạch xuất khẩu mới tăng với tốc độ nhanh nhất trong 6 tháng qua.
Số lượng đơn đặt hàng mới nhiều hơn nên trong tháng Mười các công ty phải tăng sản xuất tháng thứ mười ba liên tiếp, mặc dù tốc độ tăng không lớn.
Yêu cầu về sản lượng tăng lên là nhân tố chính dẫn đến việc làm tăng tháng thứ hai liên tiếp. Hơn nữa, tốc độ tạo việc làm cũng tăng nhanh nhất cho đến thời điểm này năm nay. Năng lực tăng thêm này cho phép các nhà sản xuất giải quyết lượng công việc tồn đọng, với số lượng công việc chưa thực hiện giảm tháng thứ sáu liên tiếp.
Thời gian giao hàng của nhà cung cấp đã rút ngắn trong tháng Mười, kết thúc thời kỳ kéo dài thời gian giao hàng trong suốt bảy tháng. Theo các chuyên gia của HSBC, các nhà cung cấp đã có thể đáp ứng tốt yêu cầu về giao hàng nhanh do có đủ lượng hàng trong kho.
Bà Trịnh Nguyễn, chuyên gia kinh tế của HSBC bình luận: "Chỉ số PMI tháng Mười cho thấy lĩnh vực sản xuất tiếp tục tăng trưởng nhờ đơn hàng xuất khẩu cao hơn, làm nổi bật khả năng cạnh tranh của ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động của Việt Nam. Chỉ số việc làm đã tăng mạnh, một dấu hiệu tích cực về triển vọng của nhà sản xuất cho nhu cầu trong tương lai. HSBC hy vọng lĩnh vực này sẽ tiếp tục tăng tốt hơn nhờ nhu cầu bên ngoài."