Chìa khóa thành công trong chương trình giảm nghèo của Việt Nam

Việt Nam đã đặt mục tiêu cho chương trình giảm nghèo quốc gia trong giai đoạn 2021-2025, với mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều trên toàn quốc từ 1-1,5%.
Chìa khóa thành công trong chương trình giảm nghèo của Việt Nam ảnh 1Một hộ gia đình trồng cây ăn quả đem lại thu nhập ổn định ở bản Tà Lèng, xã Tà Lèng, tỉnh Điện Biên. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)

Hội thảo trực tuyến với chủ đề “Chiến lược giảm nghèo thành công của Việt Nam” do Hội hữu nghị Canada-Việt Nam tổ chức tại Toronto cuối tuần qua đã thu hút sự quan tâm của gần 50 chuyên gia và học giả tham dự.

Những người dự hội thảo chủ yếu tập trung thảo luận về kết quả cũng như bài học kinh nghiệm của Việt Nam trong công cuộc xóa nghèo quốc gia.

Các đại biểu tham dự cũng đã thảo luận về các chương trình và chính sách của Việt Nam đã thực hiện nhằm xóa nghèo và nâng cao mức sống cũng như chất lượng cuộc sống của người dân.

Đây là hội thảo thứ hai nằm trong chuỗi sự kiện đã được Hội hữu nghị Canada-Việt Nam lên kế hoạch nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Canada (1973-2023).

Việt Nam đã đặt mục tiêu cho chương trình giảm nghèo quốc gia trong giai đoạn 2021-2025, với mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều trên toàn quốc từ 1-1,5%, đặc biệt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 3% và các huyện nghèo là từ 4-5%. Việt Nam cũng đạt mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm nghèo đói trước thời hạn đề ra.

Phát biểu tại hội thảo, ông Philip Fernandez, thay mặt cho Hội hữu nghị Canada-Việt Nam đánh giá cao thành công của Việt Nam trong công tác giảm nghèo.

[Việt Nam có vai trò quan trọng trong chiến lược khu vực của Canada]

Ông cho rằng kết quả mà Việt Nam đã đạt được là không thể phủ nhận, phản ánh chính sách và tầm nhìn coi người dân là trung tâm của Chính phủ Việt Nam.

Ông Philip Fernandez dẫn lời của Đại diện Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam Ramla Khalidi cho rằng Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế và Chương trình phát triển Liên hợp quốc đánh giá cao về thành tích giảm nghèo và phát triển nhân lực. Kinh nghiệm giảm nghèo của Việt Nam là những bài học quý giá cho các quốc gia đang phát triển.

Ngoài ra, Việt Nam cũng thành công trong việc đối phó với đại dịch COVID-19 thông qua chương trình tiêm chủng vaccine và điều này tạo cơ hội cho sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong năm 2022, trong đó có sự hồi phục đáng kể về tiêu dùng trong nước của các hộ gia đình nghèo và cận nghèo.

Hội hữu nghị Canada-Việt Nam được coi là cầu nối nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Trong năm nay, hội đã đặt ra chương trình với rất nhiều sự kiện nhằm kỷ niệm 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, trong đó đáng chú ý nhất là hai sự kiện diễn ra vào tháng Năm và tháng Chín.

Trong tháng Năm, nhân kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, hội dự kiến sẽ tổ chức hội thảo với chủ đề “Hồ Chí Minh trong chính sách đối ngoại”; trong tháng Chín là hội thảo có chủ đề “Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam: Về cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục