Chiếc điện thoại nối dài nhịp học tập ở xóm phao sông Hồng

“Mẹ ơi thế là con được học online giống các bạn rồi hả mẹ? Thế là con cũng học Zoom hả mẹ?" bé Tùng Linh và Hiếu Nghĩa reo lên, mừng rỡ khi nhận được chiếc điện thoại có thể vào mạng học trực tuyến.
Chiếc điện thoại nối dài nhịp học tập ở xóm phao sông Hồng ảnh 1Bức thư mạnh thường quân - bé Hải Anh (trái) viết gửi kèm món quà ý nghĩa và thư cảm ơn của Tùng Linh (phải). (Ảnh: SCDI)

Những ngày cuối tháng Chín, mạng xã hội chia sẻ một bức thư tay được viết nắn nót với nội dung: "Chào bạn, tớ tên là Nguyễn Hải Anh, năm nay tớ 7 tuổi. Tớ ở Bắc Ninh. Mẹ tớ nói, bạn không có điện thoại để học Zoom, nên tớ và mẹ gửi tặng bạn chiếc điện thoại này. Mong bạn học thật tốt!" Đi kèm với bức thư một chiếc iPhone cùng sạc, sim 4G và thẻ nạp điện thoại khiến ai nấy đều xúc động.

Người may mắn được nhận món quà là bé Bùi Tùng Linh, học sinh lớp 4 ở trường Tiểu học Nghĩa Dũng (Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội). Để tỏ lòng cảm kích, cậu bé cũng cẩn thận hồi âm trong bằng lá thư được viết nắn nót bằng mực tím: “Anh sẽ cố gắng học thật tốt, anh sẽ giữ gìn chiếc điện thoại em tặng cho anh.”

Chắp cánh tinh thần hiếu học

Buổi sáng mùa thu, ngôi nhà bồng bềnh nằm trên mép sông Hồng vang lên tiếng trả lời bài học. Hôm nay, Tùng Linh (lớp 4) và em trai Hiếu Nghĩa (lớp 3) đều học Toán, Tiếng Việt cùng hai môn Thể dục và Âm nhạc.

Gọi là “bồng bềnh” vì nơi hai anh em đang sinh sống là ngôi nhà nổi dưới chân cầu Long Biên. Ngôi nhà được chắp vá từ những tấm cót tre, gia cố bằng bạt nhựa bọc xung quanh để chống mưa, gió. "Móng" là những thùng phuy rỗng được kết lại nhằm duy trì trạng thái nổi cho căn nhà. Xóm phao này vốn là nơi tập trung của hàng chục hộ gia đình nghèo đến từ các tỉnh, thành tới Hà Nội để mưu sinh nhưng thu nhập quá thấp không đủ tiền để thuê nhà trên mặt đất.

Chiếc điện thoại nối dài nhịp học tập ở xóm phao sông Hồng ảnh 2Nhà phao trên sông Hồng của hai anh em Tùng Linh (trái), Hiếu Nghĩa. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Vừa hết giãn cách, chị Thu Trang – mẹ của hai anh em quay lại với công việc tạp vụ tại các tiệm Spa nhỏ, song buổi đi, buổi nghỉ. Chồng chị bị tật ở chân, không thể làm việc nặng mà cũng chưa thể mở lại quán nước nên cứ đến giờ học của hai con, anh phải bế cậu út ra ngoài chơi để không làm ồn.

Đưa ánh mắt về phía con tàu rẽ sóng phía xa, chị Trang bảo rằng từ những đợt nghỉ học do giãn cách COVID-19 đầu tiên cho đến trước khi có điện thoại, mọi cuộc học online với cô giáo trên lớp của Tùng Linh, Hiếu Nghĩa đều trở thành học offline với mẹ.

“Hàng ngày tôi nhận tin nhắn cô giao bài cho các con trong sách giáo khoa, sách bài tập” chị kể và giơ ra chiếc điện thoại feature (điện thoại phổ thông) cũ kỹ không thể kết nối mạng. “Có nhiều bài không biết dạy thế nào trong khi con không được nghe giảng nên tôi phải gọi điện trực tiếp để nhờ cô giáo.”

Thế rồi, vào một ngày cuối tháng Chín, gia đình chị Trang nhận được thông báo sẽ có "mạnh thường quân" tặng thiết bị cho con học trực tuyến thông qua chương trình “Cùng em đến trường” của Trung tâm hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI). Mừng mừng tủi tủi, anh chị như trút được gánh nặng bấy lâu nay về việc học của con mình.

Chiếc điện thoại nối dài nhịp học tập ở xóm phao sông Hồng ảnh 3Hiếu Nghĩa cặm cụi làm bài tập tiếng Việt. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

“Mẹ ơi, thế là con được học online giống các bạn rồi hả mẹ? Thế là con cũng học Zoom hả mẹ?” là những câu hỏi dồn dập kèm tiếng hò reo, không nén được thái độ hào hứng của hai anh em khi nhận được món quà quý giá, trong đó có một chiếc do bạn nhỏ 7 tuổi ở Bắc Ninh gửi tặng. Bởi lẽ, suốt thời gian dài không có điện thoại, hai anh em nơm nớp lo sau này không theo kịp bài học, học kém hơn các bạn thì không được lên lớp.

Chiếc bàn học của Hiếu Nghĩa đã gãy đôi mấy hôm nay vì cũ, mủn nhưng cậu bé chẳng quá bận tâm bởi từ khi có điện thoại, những bài dạy của cô giáo được liền mạch hơn, những bài tiếng Việt, phép nhân có nhớ không làm khó Nghĩa nhiều như trước.

Dù không ai quản nhưng ngày nào cũng vậy, Tùng Linh và Hiếu Nghĩa tự giác mở máy điện thoại để vào học Zoom đúng giờ. “Bọn con cứ tự học, tự làm bài tập thế này thì bố mẹ không phải lo lắng,” Tùng Linh vừa nói, hai tay nhanh nhẹn xếp sách thành một chồng cho gọn gàng. Trên chiếc bàn học, Tùng Linh đặt một hộp nhỏ để gác chiếc điện thoại khỏi đổ xuống.

Khó khăn vẫn chồng chất

Hai chiếc điện thoại dù đã giảm gánh nặng, nhưng vẫn chưa ngớt nỗi lo với gia đình chị Trang. Trước kia, khi học bán trú trên lớp, tiền ăn của hai anh em tốn trên dưới 3 triệu đồng - gần như toàn bộ thu nhập hàng tháng của chị. Số tiền trang trải cuộc sống dựa vào quán nước của anh...

Vừa qua, thành phố giãn cách nên suốt từ tháng Năm tới tháng Chín, hai vợ chồng không có việc làm, những xu cuối cùng tích cóp được cũng phải bỏ ra chi tiêu. Hết tiền, họ sống dựa vào nguồn hỗ trợ của các nhóm thiện nguyện.

Chiếc điện thoại nối dài nhịp học tập ở xóm phao sông Hồng ảnh 4Hai anh em Tùng Linh, Hiếu Nghĩa ở sân chơi từ ống, lốp cũ do các nhóm thiện nguyện tạo ra. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

“Trước dịch, chúng tôi được một số nhóm từ thiện lo một phần tiền học cho các con, thi thoảng có các nhóm thiện nguyện cho gạo, cho mì tôm. Hai vợ chồng tôi thì ăn gì cũng xong, nhưng tôi vẫn phải lo để có rau, thịt cho các cháu. Thế nhưng, mỗi khi được cho sữa, các anh lớn không uống mà nhường lại hết cho đứa út chưa đầy hai tuổi,” chị Trang ngậm ngùi.

Cả nhà sống lênh đên trên sông, nguồn điện ít ỏi của gia đình đến từ hai tấm pin năng lượng Mặt Trời nhỏ trên mái, sạc cả ngày mới đủ tích trữ đủ cho buổi đêm. Cực nhọc và nguy hiểm nhất vẫn là vào mùa mưa bão, gió to nước lớn. Nhiều hôm mất điện, cả nhà lại ôm nhau trong căn nhà tạm tối thui, nghe tiếng nước vỗ ì oạp...

Ngồi nhìn các con hồn nhiên nô đùa, chị Trang bảo chỉ mong hết dịch để hai vợ chồng có thể đi làm, kiếm thu nhập chu cấp cho các con ăn học.

“Khi Hà Nội trở lại trạng thái bình thường tôi sẽ đi tìm thêm việc để cải thiện thu nhập, cho các con bữa cơm có thịt, đi học cho bằng bạn bằng bè. Chỉ có cho con học, chúng tôi mới mong thoát khỏi cái nghèo,” chị Trang hy vọng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục