Sau khai mạc Phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, các đại biểu đã cho ý kiến một số vấn đề còn có ý kiến khác của dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) và dự án luật Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi)
Dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) đã được Quốc hội xem xét, thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 7. Sau Kỳ họp, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan khẩn trương, tích cực nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.
So với dự thảo Chính phủ trình, nhiều nội dung các điều, khoản đã được chỉnh lý, bổ sung. Cơ bản các ý kiến phát biểu tại Phiên họp tán thành với nội dung tiếp thu, chỉnh lý đối với dự án luật.
Về tên gọi, cơ bản các ý kiến đồng tình với với nội dung giải trình như trong báo cáo. Tên gọi Dân quân tự vệ kế thừa hiện hành và đã được ghi trong Hiến pháp, trong các nghị quyết của Đảng và các quy định trong hệ thống pháp luật và Dân quân tự vệ được hiểu là một lực lượng, trong đó dân quân và tự vệ được tổ chức ở các đơn vị, địa phương cho phù hợp.
Về vị trí, chức năng của Dân quân tự vệ, nội dung này đã được chỉnh lý tương đối cơ bản, đưa xuống thành Điều 3, sau giải thích từ ngữ. Đây là quy định rất quan trọng, là gốc rễ để thiết kế các nội dung của luật.
Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật có vấn đề đặt ra đó là khoản 1 của Điều 2 và Điều 27 của Luật Quốc phòng đều quy định về vị trí, chức năng của Dân quân tự vệ. Vậy có cần thiết phải đặt ra quy định ở Điều 3 nữa hay không. Vấn đề này cần làm rõ để tránh trùng lặp.
Về tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp, đây là nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm, phát biểu nhiều trong thảo luật tại Kỳ họp thứ 7 và tại Phiên họp thứ 35, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng rất quan tâm, cho ý kiến về vấn đề này. Điều 17 của dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng chặt chẽ, cụ thể hơn.
Vấn đề tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp cũng đã được tổng kết, đánh giá và cho rằng đây là nội dung còn nhiều tồn tại hạn chế. Các điều kiện để tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp mặc dù được chỉnh lý nhưng vẫn còn khá chung chung và nội dung giải trình cũng còn chưa rõ.
Do đó, nội dung này cũng cần làm rõ thêm. Nội dung này liên quan đến Điều 36, quy định về kinh phí bảo đảm cho tự vệ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập được tính vào các khoản chi được trừ khi xác định chịu thuế của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập. Đây là vấn đề cần phải bàn bạc, thống nhất kỹ. Về nguyên tắc thì mục đích bảo đảm quốc phòng-an ninh luôn phải được ưu tiên.
Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường, việc yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp, nhất là khối tư nhân, khối đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư, chi phí cho việc tổ chức, hoạt động của lực lượng tự vệ phải được tính toán kỹ, hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và nhà nước, không thể ép buộc.
[Họp Quốc hội: Đảm bảo chế độ, chính sách cho dân quân tự vệ]
Vấn đề đưa vào chi phí được trừ khi tính thuế cần phải thống nhất với pháp luật về thuế, bảo đảm công bằng, công khai. Với tính chất trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị vấn đề này cần nghiên cứu kỹ thêm, có ý kiến chính thức của cơ quan quản lý thuế, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề bảo đảm thống nhất, khách quan…
Mục tiêu của luật này đó là phải giải quyết hài hòa, hợp lý giữa việc xây dựng lực lượng dân quân tự vệ với bản chất là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác vững mạnh, rộng khắp, chú trọng biên giới, hải đảo nhưng phải tinh gọn trong tổ chức bộ máy, giảm số người hoạt động không chuyên trách, nâng cao hiệu quả, tránh dàn trải nguồn lực.
Việc xây dựng lực lượng dân quân tự vệ phải bám sát tình hình, xu hướng của công tác quân sự, quốc phòng, đặc thù trong công tác xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay.
Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam
Dự án Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7. Sau Kỳ họp, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan khẩn trương, tích cực nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.
So với dự thảo Chính phủ trình, nhiều nội dung các điều, khoản đã được chỉnh lý, bổ sung, thêm 2 chương và 12 điều. Qua phát biểu, thảo luận, kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với nhiều nội dung tiếp thu, chỉnh lý của dự thảo luật, trong thời gian ngắn sau kỳ họp, cơ quan thẩm tra đã phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tích cực nghiên cứu chỉnh sửa, làm rõ và bổ sung mới nhiều nội dung.
Về bố cục, việc bổ sung một số điều, mục và 2 chương mới (Chương IV và VI) là phù hợp nhằm cụ thể, chi tiết thêm các nội dung của dự thảo luật. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát kỹ quy định của Chương VI về cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Đây là chương hoàn toàn mới và với quy định này thì hiện có nhiều loại cơ sở dữ liệu: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân, cơ sở dữ liệu về hộ tịch và bây giờ thêm Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất, nhập cảnh.
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh cơ bản là cần thiết, tuy nhiên cần rà soát, đánh giá kỹ nhất là về tính liên thông, việc kết nối, dử dụng chung giữa các cơ quan; đánh giá kỹ những vấn đề liên quan đến chi phí, con người, bộ máy. Vấn đề này đề nghị tiếp tục được làm rõ.
Về các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh, đây là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Các ý kiến tại Phiên họp cũng tập trung đề cập, làm rõ. Quy định này đã được tiếp thu, chỉnh lý tương đối cơ bản, làm rõ thêm nhiều nội dung.
Yêu cầu đặt ra đó là quy định về việc tạm hoãn phải bảo đảm chặt chẽ, vừa phục vụ cho công tác quản lý nhưng cũng tránh làm ảnh hưởng, xâm phạm đến quyền của công dân.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng đề nghị tiếp tục rà soát kỹ về các nội dung liên quan đến giải thích từ ngữ, các nguyên tắc xuất cảnh, nhập cảnh, về trình tự cấp hộ chiếu, giấy thông hành, các trường hợp chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh, việc quản lý, sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh, tiếp tục làm rõ thêm tính khả thi của việc triển khai các quy định liên quan đến việc cấp hộ chiếu gắn chip điện tử, tính khả thi trong việc kết nối hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam…
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị sau phiên họp, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn chỉnh hai dự thảo luật, gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn chỉnh trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8./.