Chống hàng giả, hàng lậu: Hiệu quả nằm ở khâu thực thi pháp luật

Công cụ đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả đã có, tuy nhiên hiệu quả phải nằm ở khâu thực thi ccủa các lực lượng bảo vệ pháp luật.
Chống hàng giả, hàng lậu: Hiệu quả nằm ở khâu thực thi pháp luật ảnh 1Hàng giả bị lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội thu giữ (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

"Công cụ đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả đã có, tuy nhiên hiệu quả phải nằm ở khâu thực thi của các lực lượng bảo vệ pháp luật."

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Văn Cẩn, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo chống buôn lậu và hàng giả Trung ương (Ban 389) tại cuộc tọa đàm "Chống hàng giả: Cần sự quyết liệt của nhiều ngành" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 9/4.

Theo quy định, hiện có 6 lực lượng chủ công trong công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, gồm: biên phòng, hải quan, công an, cảnh sát biển, thuế, quản lý thị trường.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Cẩn cho biết, do thiếu sự phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các lực lượng trên nên hàng giả, hàng lậu vẫn diễn biến phức tạp.

Minh họa ý kiến trên, ông Cẩn cho biết, mỗi năm lực lượng Quản lý thị trường phát hiện hơn 17.000 vụ nhưng chủ yếu chỉ xử phạt hành chính? trong khi luật quy định rất rõ, giá trị lô hàng từ 30 triệu trở lên là có dấu hiệu của tội hình sự.

"Ban chỉ đạo nhận thấy tình hình bắt giữ chưa tương xứng với thực tế, hàng giả tại các thị trường trung tâm thậm chí lưu thông trên đường nhưng lực lượng chức năng và cơ quan địa bàn chưa thực sự vào cuộc," ông Cẩn nói.

Theo lý giải của ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), việc sản xuất buôn bán hàng giả thường diễn ra nhỏ lẻ, làm theo từng công đoạn riêng biệt, nên để làm một vụ việc lớn là rất khó.

Ông này cũng đề xuất nâng cấp thêm trang thiết bị cho lực lượng này nhằm phát hiện kịp thời hàng giả, hàng lậu cũng như thống nhất sự quản lý từ Trung ương xuống địa phương.

"Hiện Cục Quản lý thị trường không thể chỉ đạo trực tiếp các Chi Cục Quản lý thị trường ở địa phương, điều này đang làm giảm hiệu quả chống buôn lậu và hàng giả," ông Tín nói.

Từ phía các cơ quan chức năng đã vậy, ngay cả đối với các doanh nghiệp, là chủ sở hữu của sản phẩm cũng còn khá nhiều bất cập trong công tác chống hàng giả, hàng nhái.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tich Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, nhiều doanh nghiệp hiện vẫn còn khá e ngại khi công bố các thông tin về sản phẩm bị làm giả của mình, dẫn đến gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng.

“Các doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy trong vấn đề này. Công tác chống giả là việc cần làm chung của toàn xã hội,” ông Hùng nói.

Trước thực tế trên, tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Cẩn cho biết, tới đây Chính phủ sẽ hoàn thiện hơn nữa các khung pháp lý, qua đó giúp lực lượng chức năng có thể phát huy hiệu quả đấu tranh chống hàng giả, hàng lậu.

Cụ thể, theo quy định mới, việc vận chuyển hàng hóa nhập khẩu nếu không có giấy tờ hải quan sẽ coi như hàng lậu (không cần phải chờ 72 giờ để doanh nghiệp xuất trình như quy định cũ), và hàng hóa sẽ bị xử lý ngay lập tức.

Bên cạnh đó, ông Cẩn cũng cho biết, Chính phủ sẽ trang bị cho lực lượng hải quan và biên phòng nhiều thiết bị thử nhanh giúp phát hiện hàng giả ngay tại các cửa khẩu biên giới.

Theo thống kê của Ban chỉ đạo 389 Trung ương, năm 2014 lực lượng liên ngành chống buôn lậu và gian lận thương mại của cả nước đã bắt giữ hơn 21.645 vụ hàng giả.

Để tăng hiệu quả trong lĩnh vực này, Văn phòng Ban chỉ đạo 389 cho biết, sẽ giám sát các vụ việc bắt giữ hàng giả, hàng lậu ở các địa phương, nếu thấy có dấu hiệu hình sự sẽ yêu cầu chuyển hồ sơ lên cấp cao hơn để thụ lý, tránh tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục