Chủ tịch AEOI: Chương trình hạt nhân của Iran không “sai lệch"

Chủ tịch Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) nhấn mạnh Iran đã đàm phán với IAEA, đồng thời đưa ra những lời giải thích rõ ràng song một số cá nhân vẫn chỉ trích Tehran thiếu hợp tác.
Chủ tịch AEOI: Chương trình hạt nhân của Iran không “sai lệch" ảnh 1Chủ tịch Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) Mohammad Eslami phát biểu tại Hội nghị Toàn thể IAEA ở Vienna, Áo ngày 26/9/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chủ tịch Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) Mohammad Eslami ngày 1/3 cho biết nước này và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã thảo luận ở cấp chuyên gia và thống nhất về một số vấn đề, đồng thời khẳng định chương trình hạt nhân hòa bình của Tehran không “sai lệch.”

Phát biểu bên lề phiên họp nội các, ông Eslami khẳng định không có sự khác biệt giữa văn bản trả lời các câu hỏi được yêu cầu mà Iran đã gửi IAEA về cách bố trí hệ thống máy ly tâm tại các cơ sở hạt nhân của Tehran.

Liên quan vấn đề đảm bảo an toàn, Chủ tịch AEOI nhấn mạnh Iran đã đàm phán với IAEA, đồng thời đưa ra những lời giải thích rõ ràng, song một số cá nhân vẫn cho rằng Tehran chưa phản hồi trước các yêu cầu của cơ quan giám sát hạt nhân quốc tế này.

Trước đó, IAEA từng chỉ trích phía Tehran thiếu hợp tác với cơ quan này.

Ngoài ra, ông Eslami cũng xác nhận rằng Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi trong vài ngày tới sẽ đến Iran để thảo luận về nhiều chủ đề quan trọng, trong đó có nội dung bảo vệ những thành quả đã đạt được và kết thúc vụ việc vừa nêu.

Quan chức Iran cũng bác bỏ cáo buộc cho rằng nước này đã làm giàu urani lên cấp độ 84% tinh khiết.

Trước đó, hãng tin AFP và Reuters đều đưa tin, trong cuộc thanh sát “ngày 22/1/2023, IAEA đã lấy các mẫu môi trường... tại Nhà máy làm giàu hạt nhân Fordow, và các kết quả phân tích cho thấy sự hiện diện của các hạt urani được làm giàu chứa tới 83,7% U-325.”

Chủ tịch AEOI: Chương trình hạt nhân của Iran không “sai lệch" ảnh 2Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi sẽ tới Iran để thảo luận về các vấn đề hạt nhân. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo báo cáo của IAEA, khi được hỏi về sự hiện diện của những hạt urani này, Iran cho biết “có thể đã xảy ra” “sự dao động ngoài ý muốn” trong quá trình làm giàu urani.

Hãng thông tấn IRNA dẫn lời Người phát ngôn AEOI Behrouz Kamalvandi khẳng định: “Cho đến nay, chúng tôi chưa thực hiện bất kỳ nỗ lực nào để làm giàu (urani) ở mức tinh khiết trên 60%. Sự hiện diện của các hạt làm giàu ở mức trên 60% không đồng nghĩa với việc sản xuất urani làm giàu trên 60%.”

Ông Kamalvandi cũng cho biết Iran và phái đoàn IAEA đã có những cuộc thảo luận mang tính tích cực và hứa hẹn để làm rõ những nghi vấn về chương trình hạt nhân của nước này.

[IAEA phát hiện urani làm giàu gần cấp độ vũ khí tại Iran]

Ngày 22/2, Giám đốc AEOI Mohamad Eslami cho biết các thanh sát viên của IAEA đã tới Tehran để xác minh những vấn đề “chưa sáng tỏ” liên quan hoạt động làm giàu uranium của nước này.

Phát biểu với báo giới, ông Eslami nêu rõ: “Các quan chức IAEA đang ở Tehran, từ hôm qua đã bắt đầu đàm phán, thăm viếng, điều tra... Những vấn đề chưa rõ ràng theo quan điểm của các thanh sát viên đã được giải quyết hoặc đang trong quá trình giải quyết.”

Lần gần nhất Iran được biết đã làm giàu urani tới 60%. Urani được làm giàu đến độ tinh khiết khoảng 90% có thể sử dụng để sản xuất vũ khí hạt nhân.

Chủ tịch AEOI: Chương trình hạt nhân của Iran không “sai lệch" ảnh 3Thiết bị làm giàu urani tại cơ sở hạt nhân Natanz, cách thủ đô Tehran của Iran khoảng 300km về phía Nam. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Bộ Ngoại giao Iran, nước này đã thông báo cho IAEA về việc làm giàu urani lên mức tinh khiết 60% tại cơ sở Fordow vào ngày 17/11/2022 và nội dung liên quan đến phương thức làm giàu urani đã được nộp cho cơ quan này.

Iran bắt đầu đẩy mạnh các hoạt động hạt nhân vào năm 2019, một năm sau khi Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân "Kế hoạch Hành động Toàn diện chung" (JCPOA) - được ký năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) - và khôi phục các lệnh trừng phạt.

Iran luôn khẳng định hoạt động làm giàu urani của nước này phù hợp với một đạo luật đã được Quốc hội Iran thông qua vào tháng 12/2020 để chống lại các biện pháp trừng phạt.

Đạo luật mang tên “Kế hoạch hành động chiến lược” cho phép nước Cộng hòa Hồi giáo thực hiện các bước đi nhằm thu hẹp các hoạt động giám sát của IAEA và đẩy nhanh các hoạt động phát triển hạt nhân vượt quá giới hạn mà JCPOA đặt ra.

Cho đến nay, Iran đã thực hiện 5 bước cắt giảm các nghĩa vụ trong thỏa thuận JCPOA, trong đó có việc từ bỏ các giới hạn áp đặt với lĩnh vực hạt nhân của nước này, gồm cả năng lực và mức độ làm giàu urani./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục