Chuyển đổi kép: Lối thoát cho khủng hoảng khí hậu và tăng trưởng bền vững

Chuyển đổi số là động lực quan trọng để thúc đẩy sự thành công chuyển đổi xanh. Theo đó, xu hướng chuyển đổi kép là tất yếu và cộng đồng doanh nghiệp cần nắm bắt để tận dụng các cơ hội kinh doanh mới.

Việt Nam đã triển khai nhiều chiến lược quan trọng về tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu, đạt được những kết quả nhất định. (Ảnh: Vietnam+)
Việt Nam đã triển khai nhiều chiến lược quan trọng về tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu, đạt được những kết quả nhất định. (Ảnh: Vietnam+)

Việt Nam và thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng khí hậu nghiêm trọng, đòi hỏi phải có những hành động quyết liệt vì một tương lai xanh, an toàn và bền vững. Đây là chủ đề chính của Hội thảo thường niên về Phát triển bền vững và Lễ công bố đặc san cùng chủ đề “Tiên phong Chuyển đổi kép vì một Việt Nam xanh hơn” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 12/11.

Sự “giao thoa” về chuyển đổi kép

Các đánh giá chung tại hội thảo nhận định những năm gần đây, Việt Nam đang nổi lên như là một nhân tố năng động trong nền kinh tế toàn cầu với chuyển đổi số. Chuyển đổi xanh đang đóng vai trò là chất xúc tác quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển của đất nước. Sự chuyển đổi này là xu hướng tất yếu và không thể đảo ngược. Đây cũng là chiến lược quan trọng cho sự phát triển bền vững nền kinh tế.

Ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư nhấn mạnh đến sự giao thoa giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh tạo nên sức mạnh tổng hợp hỗ trợ lợi ích của cả hai. Trong đó, chuyển đổi số vừa là phương tiện hiện đại hóa nền kinh tế, vừa cung cấp các công cụ mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng xanh. Trong khi, các hoạt động xanh có thể thúc đẩy việc áp dụng các giải pháp số bền vững.

Vì vậy, ông Minh cho rằng việc thúc đẩy tăng trưởng xanh thông qua chuyển đổi số sẽ mang đến cho Việt Nam cơ hội đặc biệt, để đạt được sự phát triển bền vững, nâng cao năng suất lao động và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên để có những kết quả như kỳ vọng, cộng đồng doanh nghiệp-một trong những chủ thể chính của tiến trình này, cần có nhận thức cao về trách nhiệm đồng thời tiên phong, tích cực hành động đổi mới sáng tạo.

Khẳng định tính cấp thiết của chuyển đổi kép, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung chia sẻ Việt Nam đã triển khai nhiều chiến lược quan trọng về tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu, đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh vẫn diễn ra riêng lẻ, chưa tận dụng tối đa tiềm năng.

vnp_1.JPG
Việc thúc đẩy tăng trưởng xanh thông qua chuyển đổi số sẽ mang đến cho Việt Nam cơ hội đặc biệt, để đạt được sự phát triển bền vững. (Ảnh: Vietnam+)

Thứ trưởng dẫn chứng báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2023 về xu hướng Chuyển đổi kép chỉ ra sự liên hệ giữa công nghệ số và công nghệ xanh. Trong giai đoạn 2017-2021, Việt Nam nắm giữ 15% trong tổng số 493 bằng sáng chế xanh tại các thị trường mới nổi, xếp sau Malaysia (51%) và Thái Lan (20%). Trong khi về các công nghệ chuyển đổi số, Việt Nam chỉ chiếm 8% trong tổng số 537 bằng sáng chế của các nền kinh tế đang phát triển, xếp sau Malaysia (58%), Philippines (16%) và Thái Lan (11%). Trên cơ sở đó, Ngân hàng Thế giới khuyến nghị chuyển đổi số là động lực quan trọng để thúc đẩy sự thành công chuyển đổi xanh. Do đó, xu hướng chuyển đổi kép là xu hướng tất yếu mà cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam cần nắm bắt để tận dụng các cơ hội kinh doanh mới cũng như mang lại lợi ích bền vững cho xã hội và môi trường.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh một số vấn đề liên quan đến chuyển đổi kép. Trong đó, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao là nền tảng tiên quyết. Bên cạnh đó, chuyển đổi kép phải lấy con người làm trung tâm, đảm bảo công bằng và giảm thiểu tác động đến nhóm dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, quá trình này cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Thêm vào đó, các bên cũng cần cập nhật, nắm bắt xu thế thế giới và tăng cường hợp tác quốc tế.

Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cũng đề nghị các doanh nghiệp FDI cần hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình chuyển đổi kép. Cuối cùng, ông nhấn mạnh chuyển đổi số và chuyển đổi xanh cần hỗ trợ lẫn nhau: “Chuyển đổi số giúp chuyển đổi xanh nhanh hơn, nhưng bản thân công nghệ số cũng cần xanh hơn để giảm tiêu thụ năng lượng.”

Tối ưu hóa sáng kiến từ nội bộ

Ông Craig Richard Bradshaw, Tổng Giám đốc Masan High-Tech Materials, chia sẻ kinh nghiệm về chiến lược phát triển bền vững kết hợp đổi mới sáng tạo. Công ty đã phát triển công nghệ cao với hơn 105 bằng sáng chế, được Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận là "Doanh nghiệp Công nghệ cao." Masan High-Tech Materials hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ, trường đại học, viện nghiên cứu trong chương trình “Đổi mới sáng tạo vì cuộc cách mạng năng lượng” do Chính phủ Đức tài trợ. Bên cạnh đó, công ty thúc đẩy chương trình cải tiến liên tục, đổi mới sản xuất kinh doanh, tạo giá trị bền vững.

Để đạt được kết quả này, ông Craig cho biết Masan High-Tech Materials luôn khuyến khích cán bộ, nhân viên chủ động đề xuất các sáng kiến nhằm nâng cao hiệu suất và chất lượng sản phẩm, các sáng kiến liên quan đến chuyển đổi xanh và sản xuất xanh, bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu Net Zero.

“Các giải thưởng như Kaizen Awards và Innovation Awards được tổ chức định kỳ thường niên để phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo từ trong nội bộ, ghi nhận và áp dụng vào thực tế những sáng kiến cải tiến quy trình, tiết kiệm năng lượng và tối ưu hóa tài nguyên, đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Từ đó, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao về trách nhiệm môi trường từ khách hàng và đối tác,” ông Craig nói.

Đánh giá về xu hướng chuyển đổi kép trong khối doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam, ông Trường Bùi, Tổng giám đốc Công ty Roland Berger (Công ty Tư vấn quản lý toàn cầu về chuyển đổi, đổi mới trong mọi ngành công nghiệp và cải thiện hiệu suất của Đức) cho biết Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy năng lượng tái tạo thông qua thỏa thuận mua bán điện trực tiếp (DPPA). Đây là bước quan trọng hướng tới thị trường điện cạnh tranh. Điều này cho phép các nhà sản xuất lựa chọn nhà cung cấp năng lượng xanh và đáp ứng nhu cầu bền vững toàn cầu ngày càng tăng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp FDI đang đón đầu xu hướng số hóa, tích hợp các công nghệ tiên tiến (như AI và tự động hóa) để nâng cao hiệu quả.

vnp_4.JPG
Chiến lược chuyển đổi kép của Việt Nam sẽ là động lực mới cho tăng trưởng kinh tế-xã hội bền vững. (Ảnh: Vietnam+)

“Các công ty FDI hàng đầu như Samsung là minh chứng cho quá trình chuyển đổi kép này, kết hợp sử dụng năng lượng tái tạo với chuyển đổi kỹ thuật số. Những nỗ lực này phù hợp với mục tiêu kinh tế của Việt Nam, định vị quốc gia này là điểm đến hàng đầu của FDI tập trung vào tính bền vững và đổi mới,” ông Trường nói.

Theo ông Trường, chiến lược chuyển đổi kép của Việt Nam sẽ là động lực mới cho tăng trưởng kinh tế-xã hội bền vững. Quá trình chuyển đổi xanh sẽ giảm thiểu tác động môi trường của quá trình công nghiệp hóa, đảm bảo tính bền vững lâu dài và tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường toàn cầu đồng thời chuyển đổi kỹ thuật số sẽ thúc đẩy đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và mở ra các cơ hội thị trường mới.

“Bằng cách tích hợp các ưu tiên kép này, Việt Nam củng cố vị thế là điểm đến ưa thích của dòng vốn FDI chất lượng cao, thể hiện cam kết rõ ràng về phát triển kinh tế bền vững và dựa trên công nghệ. Cách tiếp cận chiến lược này cũng sẽ giúp Việt Nam nâng cao chuỗi giá trị toàn cầu, củng cố hơn nữa lợi thế cạnh tranh của mình trên thị trường quốc tế,” ông Trường nói.

Để thu hút FDI, ông Trường khuyến nghị Việt Nam khuyến khích đầu tư xanh, tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, hợp lý hóa khung pháp lý, thúc đẩy quan hệ đối tác công-tư, và tập trung phát triển kỹ năng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục