Chuyện mạng tuần qua: Từ đám rước kiệu đến cô người mẫu

Năm mới Ất Mùi mới đi được quãng hơn chục ngày mà cộng đồng mạng đã liên tục “dậy sóng,” mới nhất là vụ việc liên quan đến một cô người mẫu-diễn viên bị bắt vì vi phạm pháp luật.
Chuyện mạng tuần qua: Từ đám rước kiệu đến cô người mẫu ảnh 1Đám rước kiệu đâm vào chiếc xe Kia Morning trong đoạn clip lưu truyền trên mạng (Nguồn: YouTube)

Năm mới Ất Mùi mới đi được quãng hơn chục ngày mà cộng đồng mạng đã liên tục “dậy sóng,” mới nhất là vụ việc liên quan đến một cô người mẫu-diễn viên bị bắt vì vi phạm pháp luật. Và cũng giống như vụ chiếc váy màu Vàng-Đen hay Xanh-Trắng, lần này dân mạng cũng chia làm hai phe.

Nhưng điều đáng nói là trong số những người bênh cô người mẫu, không ít người làm vậy chỉ vì tâm lý... ghét công an.

Đành rằng đúng là ngành công an cũng có hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh” như báo chí đã phản ánh. Nhưng nhiều người trong lúc miệng nói muốn chung tay xây dựng xã hội ngày càng văn minh hơn thì lại vẫn đi ủng hộ những hành vi vi phạm pháp luật.

Thế nên, cũng chẳng trách trong dịp Tết vừa rồi, cảnh đi xe máy không đội mũ bảo hiểm nhan nhản trên đường, và nhiều người cứ vô tư vượt đèn đỏ khi không thấy bóng dáng công an.

Do đó, ủng hộ công an xử lý một người nổi tiếng, coi như một án điểm cũng được nhiều người coi là thái độ đề cao tinh thần “thượng tôn pháp luật.”

Dĩ nhiên, trong vụ việc này cũng xuất hiện nhóm ý kiến tạm coi là bên thứ ba, khi cho cho rằng phía cơ quan bảo vệ pháp luật đã có phần nặng tay, với lập luận tại sao có nhiều vụ việc còn nghiêm trọng hơn mà không thấy công an xử lý, hoặc xử lý chậm chạp.

Đơn cử như vụ một bí thư huyện đâm xe gây chết người từng gây ồn ào vài tháng trước, song tới nay vẫn chưa đi đến đâu. Hay như vụ con trai của một vị giám đốc công an tỉnh tham gia ẩu đả trước Tết, nhưng đến sau Tết mới thấy báo chí đề cập.
 
Trong khi đó, với trường hợp của cô người mẫu thì công an lại thực hiện “bắt khẩn cấp” thay vì chỉ phạt hành chính.

Trong chuyện này thì cô người mẫu có thể đổ lỗi do “rượu dẫn đường,” dù có người nói rằng lúc uống rượu mới là lúc con người ta thể hiện bản ngã. Hoặc giả có thể do cô đã nhầm lẫn đời thực với phim ảnh, khi không thoát khỏi cái bóng của nhân vật xã hội đen trong bộ phim đình đám chiếu rạp vài tháng trước.

Nếu một người nhầm lẫn đã khiến cộng đồng mạng “dậy sóng” đến thế thì không hiểu một đám đông nhầm lẫn sẽ gây tác hại đến nhường nào. Dân mạng có một từ rất hay để chỉ trạng thái nhiều người bị kích động trước một vấn đề gì đó, với phản ứng mang tính a dua, lan tỏa, là “lên đồng tập thể”. 

Vì vậy, người ta có thể ví đoạn video đám rước kiệu đâm vỡ cửa kính chiếc xe ôtô lan truyền trên mạng vài ngày qua như một cuộc lên đồng tập thể ngoài đời thực. Trong đó, từ ông chủ tế, những người rước kiệu, đám đông xung quanh lẫn cả nạn nhân, tức chủ chiếc xe, phải quỳ gối lạy Thánh xin kiệu đi đường khác, đều đang nhầm lẫn đời thực với cõi siêu nhiên. Mà trong đó, không hiểu ai là người nhầm lẫn thực sự, ai là người cố tình nhầm lẫn, mượn uy Thánh để trục lợi?

Điều đáng nói là trong tháng Giêng này, trên cả nước có tới cả ngàn lễ hội. Hẳn nhiên là đa phần các lễ hội ấy đều thú vị, đậm đà bản sắc dân tộc, có những nghi thức không đến nỗi quá khích như đoạn video nói trên. 

Song trong cái không gian đậm đặc màu sắc mê tín như thế, có không ít người muốn mưu cầu “lộc Thánh” bằng những hình thức “diễn xướng” không còn phù hợp với thế giới văn minh, nhưng đang được sống dậy dưới cái gọi là “phục dựng truyền thống”.

Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian vẫn hay nói, ranh giới giữa mê tín và dị đoan là rất mong manh. Khi một hình thức diễn xướng dân gian được làm quá lên, tới mức giẫm đạp lên nhau để xin ấn, cầm gậy phang nhau để tranh giành hoa tre hay thậm chí là vác dao cướp phết thì cũng có nghĩa là hình thức diễn xướng đó đã tới mức dị đoan. 

Đến lúc ấy, con người ta cũng không còn phân biệt được thế giới ảo và thế giới thực, với suy nghĩ “trần sao âm vậy”. Chẳng hạn có nhà nghiên cứu từng nói, đốt vàng mã hối lộ thánh cũng là biểu hiện của tâm lý muốn đi lên bằng cửa sau.

Vậy thì cũng đừng trách giới trẻ bây giờ nhầm lẫn giữa thế giới ảo trên mạng với thế giới thực.

Và những cuộc “lên đồng tập thể” vẫn tiếp diễn hàng ngày, như cái cách họ hùa nhau “ném đá” một ông già./.

Lời tòa soạn: Mạng xã hội đã và đang ảnh hưởng đến đời sống xã hội nói chung cũng như báo chí nói riêng, như một kênh thông tin với những mặt tích cực và tiêu cực của nó. Chuyên mục “Chuyện mạng tuần qua” được lập ra nhằm phản ánh khách quan những vấn đề đang được cộng đồng mạng quan tâm, quan điểm trong bài viết không phản ánh quan điểm của tòa soạn.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục