Cơ quan Môi trường châu Âu hối thúc giảm phụ thuộc vào thuốc trừ sâu

Thuốc trừ sâu được sử dụng rộng rãi không chỉ trong ngành nông nghiệp, mà còn trong cả ngành lâm nghiệp, dọc các tuyến đường bộ và đường sắt cũng như ở các khu vực đô thị như công viên công cộng...
Cơ quan Môi trường châu Âu hối thúc giảm phụ thuộc vào thuốc trừ sâu ảnh 1Trái cây được bày bán tại một khu chợ ở Turin, Italy. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) đã kêu gọi các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) giảm sử dụng thuốc trừ sâu trong bối cảnh doanh số mặt hàng này vẫn duy trì ở mức đáng lo ngại dù loại hóa chất này gây ô nhiễm và có liên quan đến một số căn bệnh mãn tính và gây mất đa dạng sinh học. 

Trong báo cáo được công bố ngày 26/4, EEA dẫn dữ liệu của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết từ năm 2011 đến năm 2020, doanh số bán thuốc trừ sâu tại 27 nước thuộc EU vẫn tương đối ổn định ở mức 350.000 tấn/năm.

Tại 11 nước thành viên EU, doanh số bán thuốc trừ sâu đã giảm từ năm 2011 đến năm 2020, trong đó giảm mạnh nhất là ở Cộng hòa Séc, Bồ Đào Nha và Đan Mạch.

Tuy nhiên, Latvia và Áo có tốc độ tăng mạnh nhất về doanh số bán thuốc trừ sâu, trong khi mức tăng nhanh nhất về số lượng thuốc trừ sâu được ghi nhận ở Đức và Pháp.

Thuốc trừ sâu được sử dụng rộng rãi không chỉ trong ngành nông nghiệp, mà còn trong cả ngành lâm nghiệp, dọc các tuyến đường bộ và đường sắt cũng như ở các khu vực đô thị như công viên công cộng, khu vui chơi của trẻ em và vườn tược.

Để bảo vệ sức khỏe và môi trường, EU có những yêu cầu nghiêm ngặt về việc phê duyệt các hoạt chất thuốc trừ sâu. Các hoạt chất được đánh giá lại định kỳ để đảm bảo rằng các chất vẫn đáp ứng các yêu cầu để được phê duyệt.

[Liên minh châu Âu đánh giá lại thuốc trừ sâu Glyphosate]

Trong năm 2020, nhiều hơn loại thuốc trừ sâu được phát hiện vượt ngưỡng gây lo ngại tại 22% các khu vực được giám sát ở sông, hồ trên toàn châu Âu.

Cụ thể, thuốc diệt côn trùng imidacloprid và thuốc diệt cỏ metolachlor có lượng tồn dư cao nhất trên khắp châu Âu, chủ yếu ở miền Bắc Italy và Đông Bắc Tây Ban Nha. 

Trong nước ngầm, lượng tồn dư thuốc diệt cỏ atrazine đáng báo động dù hóa chất này đã bị cấm sử dụng từ năm 2007. 

Glyphosate được sử dụng rộng rãi như một chất diệt cỏ. Từ lâu đã có nhiều sự quan tâm và thảo luận về việc sử dụng Glyphosate và tác dụng của Glyphosate đối với môi trường và sức khỏe con người. Glyphosate được xem xét lại lần cuối vào năm 2017 trong khoảng thời gian 5 năm, tức là cho đến năm 2022.

Cũng theo báo cáo, việc con người tiếp xúc với thuốc trừ sâu hóa học, chủ yếu qua thực phẩm cũng như qua không khí ở những vùng thâm canh nông nghiệp, có liên quan đến sự phát triển của bệnh tim, các bệnh về hô hấp và thần kinh, cũng như ung thư.

EEA bày tỏ lo ngại tất cả các loại thuốc trừ sâu được theo dõi…đều được phát hiện ở trẻ em với nồng độ cao hơn so với người lớn.

Trong nghiên cứu được thực hiện ở Tây Ban Nha, Latvia, Hungary, Séc và Hà Lan từ năm 2014 đến 2021, giới chức y tế đã phát hiện ít nhất hai loại thuốc trừ sâu trong cơ thể của 84% người tham gia khảo sát.

Không chỉ gây hại trực tiếp đến sức khỏe của con người, ô nhiễm thuốc trừ sâu cũng đang làm mất đa dạng sinh học trên khắp lục địa, gây ra sự sụt giảm đáng kể quần thể côn trùng và đe dọa vai trò quan trọng của các loài này trong sản xuất lương thực.

Một nghiên cứu của Đức được trích dẫn trong báo cáo cho thấy số lượng côn trùng bay trong các khu bảo tồn đã giảm 76% trong 27 năm. Nghiên cứu cũng xác định thuốc trừ sâu là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm này.

Các hệ thống sản xuất lương thực hiện đại dựa vào lượng lớn thuốc trừ sâu hóa học để đảm bảo số lượng và năng suất cây trồng ổn định, đồng thời duy trì an ninh lương thực.

Theo EEA, 83% đất nông nghiệp được thử nghiệm trong một nghiên cứu năm 2019 có chứa dư lượng thuốc trừ sâu.

Trước thực trạng trên, EEA kêu gọi 27 thành viên của EU giảm thiểu sự phụ thuộc vào thuốc trừ sâu, chuyển đổi sang các mô hình nông nghiệp thay thế, như nông nghiệp sinh thái.

Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và Liên minh châu Âu (EU) mới đây đã có thông tin cảnh báo các doanh nghiệp sản xuất bún, phở, bánh đa… từ gạo tại Việt Nam cần nâng cao kiểm soát chất lượng khi Ủy ban châu Âu (EC) đã tiếp nhận hồ sơ theo dõi các sản phẩm bún, bánh đa từ gạo có chứa hoạt chất 2-chloroethanol (dư lượng thuốc trừ sâu).

Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, việc EC đang lập hồ sơ theo dõi dư lượng 2-chloroethanol có trong sản phẩm bún, phở, bánh đa nhập khẩu từ Việt Nam là rất quan trọng.

Nếu doanh nghiệp Việt Nam không quản lý tốt dư lượng, nhiều khả năng EC sẽ đưa vào diện kiểm tra an toàn thực phẩm như mỳ ăn liền. Điều này có tác động rất lớn đến xuất khẩu mặt hàng thực phẩm chế biến của Việt Nam bởi EU là thị trường lớn với sản phẩm này.

Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Nauy, Latvia vừa khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý đến dư lượng thuốc trừ sâu được cho phép (MRL) trong sản phẩm gạo để không bị ảnh hưởng tới xuất khẩu bởi phía EU, nhất là Na Uy đang tăng cường kiểm tra các lô gạo xuất khẩu, trong đó có Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục