Cuba lên án vụ tấn công Đại sứ quán nước này tại Paris

Lực lượng cứu hỏa thủ đô Paris cho biết các thiết bị gây cháy được ném vào tòa nhà Đại sứ quán Cuba ở quận 15 hôm 26/7, gây thiệt hại nhỏ.
Cuba lên án vụ tấn công Đại sứ quán nước này tại Paris ảnh 1Công nhân sửa chữa những hư hại sau vụ tấn công. (Nguồn: Reuters)

Ngày 27/7, Đại sứ quán Cuba tại thủ đô Paris của Pháp cho biết đã bị tấn công bằng bom xăng, khiến tòa nhà của trụ sở bị hư hại nghiêm trọng song không có nhân viên ngoại giao nào bị thương.

Cuba sau đó cáo buộc đây là vụ “tấn công khủng bố” do Mỹ khuyến khích.

Trước đó, lực lượng cứu hỏa thủ đô Paris cho biết các thiết bị gây cháy được ném vào tòa nhà Đại sứ quán Cuba ở quận 15 hôm 26/7, gây thiệt hại nhỏ.

Lực lượng cứu hỏa đã nhận được tin báo về vụ tấn công sau nửa đêm và các đám cháy đã được dập tắt trước khi lính cứu hỏa đến hiện trường.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Cuba cho biết những kẻ tấn công đã ném 3 quả bom xăng vào tòa nhà vào khoảng 23h45 ngày 26/7 (giờ địa phương), gây hỏa hoạn.

Nhân viên của Đại sứ quán đã nhanh chóng dập tắt ngọn lửa trước khi lính cứu hỏa tới.

Trên tài khoản mạng xã hội Twitter, Đại sứ quán Cuba đã đăng tải những hình ảnh cho thấy tòa nhà bị hư hại kèm tuyên bố lên án vụ tấn công.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Cuba cũng ra tuyên bố khẳng định: “Những đối tượng trực tiếp tiến hành vụ tấn công là những đối tượng kích động bạo lực và thù hận chống lại đất nước của Cuba.” 

[Ngoại trưởng Cuba lên án các lệnh trừng phạt mới của Mỹ]

Về phần mình, trên trang Twitter, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez nêu rõ Cuba “lên án vụ tấn công khủng bố bằng bom xăng nhằm vào Đại sứ quán tại Paris,” đồng thời cho rằng “Chính phủ Mỹ phải chịu trách nhiệm cho các chiến dịch liên tục chống lại đất nước của chúng tôi.”

Ông cáo buộc chiến dịch này của Mỹ đã kích động bạo lực và dẫn đến các vụ tấn công.

Trước đó, trong thông điệp đặc biệt từ Cung điện Cách mạng, Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel Bermudez đã chỉ trích việc Mỹ áp đặt một loạt các biện pháp hạn chế để siết chặt vòng vây kiềm tỏa Cuba, nhất là trong lĩnh vực tài chính và năng lượng, với mục tiêu bóp nghẹt nền kinh tế của đất nước này.

Song song với đó là chiến dịch tuyên truyền quyết liệt với ý đồ hạ uy tín của lãnh đạo Cuba, phá vỡ sự đoàn kết của Đảng Cộng sản Cuba, của chính phủ, nhà nước và nhân dân, kích động bạo loạn xã hội tại đảo quốc này "với cái đích cuối cùng là can thiệp quân sự và can dự công việc nội bộ."

Theo ông Miguel Díaz-Canel, tất cả những yếu tố này đang đẩy Cuba tới tình trạng thiếu hụt hàng hóa nội địa nghiêm trọng, từ "lương thực, thuốc men, nguyên liệu thô và đầu vào cần thiết cho quá trình sản xuất và kinh tế… những thành tố trong cả hoạt động xuất khẩu và hàng hóa phục vụ người dân.”

Cuba đã trải qua 6 thập kỷ dưới lệnh phong tỏa hà khắc của Mỹ. Tuy nhiên, chỉ trong 4 năm cầm quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, lệnh cấm vận của Washington nhằm vào La Habana càng được siết chặt hơn với 240 biện pháp trừng phạt mà tới nay chính quyền của Tổng thống Joe Biden vẫn giữ nguyên.

Từ năm 1982, dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, Mỹ đã liên tục đưa Cuba vào "danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố" cùng với một loạt biện pháp trừng phạt kèm theo.  

Năm 2015, Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama đã đưa Cuba ra khỏi danh sách mà Washington đơn phương soạn thảo hằng năm này, trước khi hai nước tái thiết lập quan hệ ngoại giao.

Đây vẫn được coi là một trong những thành công đối ngoại nổi bật của vị tổng thống gốc Phi đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục