Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng đã làm dấy lên những quan ngại trên toàn cầu về nguy cơ nổ ra một cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Nhìn ở góc độ vĩ mô, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dự báo còn có thể châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại toàn cầu. Nếu cuộc chiến thương mại toàn cầu xảy ra, sẽ ảnh hướng tới tăng trưởng kinh tế thế giới, ước tính tương đương 1 đến 3% trong vài năm tới.
Một số chuyên gia lưu ý riêng đối với các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc là một những mối quan ngại lớn nhất, giữa bối cảnh Mỹ và Trung Quốc hiện là hai đối tác thương mại hàng đầu của nhiều nước thành viên ASEAN.
Điểm nóng từ những bất đồng
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã trở nên “nóng” hơn sau khi hồi cuối tháng Ba, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ áp thuế lên tới 50 tỷ USD đối với lượng hàng hóa nhập từ Trung Quốc, để đòi lại sự công bằng trong hoạt động thương mại giữa hai nước. Mỹ cho rằng nước này đang chịu thua thiệt do Trung Quốc "cưỡng ép" các công ty và doanh nghiệp của Mỹ chuyển giao công nghệ và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Về phía Trung Quốc, mặc dù khẳng định không muốn một cuộc chiến thương mại, nhưng Bắc Kinh cũng có động thái đáp trả với một danh mục các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Mỹ như đậu nành, ôtô và máy bay hạng nhẹ sẽ chịu mức thuế nhập khẩu cao hơn khi vào thị trường Trung Quốc.
Tình hình càng trở nên căng thẳng khi đầu tháng Tư, Tổng thống Mỹ Trump cảnh báo các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc phải chịu các mức thuế bổ sung lên tới 100 tỷ USD.
Phản ứng lại, Bắc Kinh đã quyết định áp đặt các biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với cao lương nhập khẩu từ Mỹ, sau khi xác định mặt hàng nông sản nhập khẩu này gây tổn hại hoạt động sản xuất và buôn bán trong nước.
Trong nỗ lực tháo gỡ bất đồng về thương mại, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tiến hành đàm phán thương mại. Trong cuộc tham vấn hai ngày 3-4/5 vừa qua tại Bắc Kinh, phái đoàn thương mại Mỹ do Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu và phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu đã tập trung thảo luận về một loạt những khiếu nại của Mỹ về các hoạt động thương mại của Trung Quốc.
[Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng phụ thuộc lẫn nhau về mặt kinh tế]
Dù không đạt được bước đột phá và còn bất đồng khá lớn trong một số nội dung, song việc Mỹ và Trung Quốc đạt được sự đồng thuận trong các vấn đề kinh tế và thương mại tại cuộc tham vấn được đánh giá là kết quả tích cực, trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại toàn cầu.
Hiện bất đồng lớn nhất vẫn chủ yếu tập trung vào yêu cầu của Mỹ muốn Trung Quốc cắt giảm thặng dư thương mại với Mỹ 200 tỷ USD vào năm 2020, đồng thời giảm thuế đối với tất cả các sản phẩm xuống mức không cao hơn mức Mỹ áp đặt đối với các mặt hàng của Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh cho rằng đề xuất này là không công bằng.
Theo kế hoạch, ông Lưu Hạc, Phó Thủ tướng và là cố vấn kinh tế hàng đầu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tới Mỹ trong những ngày tới nhằm tiếp tục thảo luận những bất đồng thương mại giữa hai nước.
Tác động về kinh tế
Theo giới phân tích, một cuộc chiến thương mại toàn cầu, nếu xảy ra, sẽ tạo một cú sốc tiêu cực đối với tăng trưởng của kinh tế thế giới. Các chuyên gia kinh tế nhận định chiến tranh thương mại là một tổng thể các biện pháp trả đũa mà mục tiêu là tác động nhiều nhất tới đối thủ cho tới khi đối tượng suy sụp và từ bỏ theo đuổi chiến tranh. Không bao giờ có người thắng trong một cuộc chiến thương mại. Đàm phán và thỏa hiệp luôn là những giải pháp tốt hơn.
Bộ phận dự báo và phân tích kinh tế (EIU) của The Economist nhận định từ đầu năm 2018, chính sách thương mại đang trở thành nguy cơ lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Mức độ leo thang của sự thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ cũng như tác động của nó đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ phụ thuộc vào phản ứng của một số đối tác thương mại chủ chốt của Mỹ, trong đó đáng lưu ý là Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc.
[ZTE sụp đổ sẽ đẩy cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung lên nấc thang mới?]
Thêm vào đó, làn sóng mới về chủ nghĩa bảo hộ sẽ khiến thế giới khó ứng phó trước những nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu trong tương lai, xét từ khía cạnh thuế nhập khẩu tăng làm giảm sức chi tiêu của người tiêu dùng.
Mới đây, 41 thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về những căng thẳng thương mại đang ngày càng gia tăng và những nguy cơ xuất phát từ sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ.
Tuyên bố nhấn mạnh quan ngại của các nước thành viên trước sự gia tăng những căng thẳng thương mại cũng như những nguy cơ đối với hệ thống thương mại đa phương và thương mại thế giới. Văn kiện này đồng thời kêu gọi các nước thành viên WTO tránh thực thi các biện pháp bảo hộ cũng như những hành động làm leo thang căng thẳng.
Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo từng cảnh báo mặc dù thế giới có thể đạt nhịp độ tăng trưởng mạnh trong năm 2018 và 2019, song tiến bộ quan trọng này có thể nhanh chóng bị tổn hại nếu các chính phủ chỉ dựa vào các chính sách thương mại hạn chế, đặc biệt các biện pháp trả đũa thương mại leo thang không thể kiểm soát nổi.
Cảnh báo hậu quả
Trước quan hệ căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế thế giới, nhiều chuyên gia kinh tế đã lên tiếng cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra. Theo một ước tính, nếu chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump không thể giải quyết tất cả những bất đồng thương mại với Trung Quốc trong "cuộc chiến" thuế quan, Mỹ sẽ để mất gần 455.000 việc làm và khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm giảm 49,2 tỷ USD trong hai năm tới đây.
Còn đối với Trung Quốc, theo báo cáo của tổ chức The Conference Board Mỹ, một cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ gây bất lợi trực tiếp hơn cho Trung Quốc.
Nhìn ở một khía cạnh khác, một số nhà phân tích cho rằng tình thế "bên bờ vực" chiến tranh thương mại là nằm trong chủ ý của Mỹ để từ đó Washington có lợi thế mặc cả hơn trong các cuộc đàm phán.
Theo các nhà phân tích này, không phải ngẫu nhiên Mỹ đồng ý tham vấn với Trung Quốc ngay trước thời điểm tuyên bố lùi việc áp đặt thuế lần lượt là 25% và 10% đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) thêm 30 ngày (cho tới ngày 1/6), đồng thời đề xuất với các đồng minh chủ chốt khả năng hoãn thực thi quyết định trong các cuộc đàm phán sắp tới.
Các nhà phân tích dự đoán động thái trên là tín hiệu của Tổng thống Trump muốn gửi tới Trung Quốc rằng mọi vấn đề đều có thể thương lượng và linh hoạt. Ngoài ra, đây cũng là bước đi giúp Washington không bị quá "căng" trong cuộc tham vấn với Bắc Kinh.
Monica de Bolle, chuyên gia cấp cao thuộc Viện Kinh tế quốc tế Peterson, nhận định Tổng thống Mỹ Donald Trump không thể “đơn thương độc mã” đương đầu với chính sách của Trung Quốc và EU cũng biết rõ điều đó. Mặc dù EU cũng phản đối chính sách của Trung Quốc về quyền sở hữu trí tuệ, song các chuyên gia cho rằng khối này sẽ không hậu thuẫn Mỹ trong cuộc chiến với Trung Quốc, nếu hai bên có bất đồng thương mại.
Theo chuyên gia Edward Alden, thuộc Hội đồng Quan hệ Quốc tế, khi đang đương đầu với Trung Quốc, chính quyền ông Trump đơn giản không muốn mở thêm một “mặt trận” khác với châu Âu./.